Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: mmbiztoday.com)
Kể từ thời điểm chính thức hòa mạng Internet vào năm 1997, sau 20 năm, Internet đã làm thay đổi rất nhiều đời sống của người dân, thay đổi phương thức kinh doanh của doanh nghiệp Việt.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã trao đổi về vấn đề này.
- Thưa ông, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy Internet đã thay đổi cuộc sống của nhiều người. Thậm chí, ở các vùng sâu, xa, người nông dân cũng truy cập Internet để trao đổi, học tập phương thức canh tác, sản xuất mới… Xin ông chia sẻ những số liệu cụ thể về thành tựu của Internet trong 20 năm qua?
Ông Vũ Thế Bình: Thời gian qua, Việt Nam có những thành tựu lớn về phát triển Internet, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Hiện nay, chúng ta có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số. Con số này chiếm tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực.
Với sự phát triển của dịch vụ di động 3G, 4G, đa số người dân Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận và truy nhập Internet.
- Ông đánh giá thế nào về ứng dụng Internet trong việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?
Ông Vũ Thế Bình: Trong những năm gần đây, với việc ứng dụng mạng xã hội, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã tiếp cận được thị trường, khách hàng một cách nhanh chóng, kịp thời. Internet đã giúp cho hàng ngàn, chục ngàn doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh.
Ngày nay, phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không thể thiếu Internet được.
Ông Vũ Thế Bình cho biết, với các ngành nghề, để phát triển cần phải thích nghi với sự thay đổi của Internet. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Trước đây, chúng ta coi Internet chỉ như một nền tảng hạ tầng nhưng trên thực tế Internet đã len lỏi vào mọi ngành nghề, khía cạnh của cuộc sống. Internet có thể coi như một phần công cụ sản xuất hay lực lượng sản xuất. Với tất cả các ngành nghề, để phát triển cần phải thích nghi với sự thay đổi của Internet, công nghệ và càng ngày sự thay đổi càng nhanh. Do đó, nếu doanh nghiệp nào chậm trong việc thích nghi với sự thay đổi của công nghệ, Internet thì kinh doanh sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, để tận dụng hết ưu điểm của Internet cần nhiều kỹ năng. Không chỉ kết nối Internet, mạng xã hội và các ứng dụng mà còn liên quan đến kỹ năng quản trị, chuyên môn, ngoại ngữ và cách thức làm việc.
Thời gian qua, chúng ta đã tận dụng được nhiều thứ từ Internet mang lại. Tuy nhiên, so với tiềm năng cũng như hạ tầng công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Dù Internet đã thực sự thay đổi cuộc sống, nhưng thời gian gần đây, chúng ta đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ thế giới mạng, thưa ông?
Ông Vũ Thế Bình: Chúng ta có thể thấy với sự tăng trưởng, phát triển của Internet nhanh như vậy nhưng chuẩn mực về hành vi của người dùng trên mạng, đặc biệt là trên các mạng xã hội đang trong quá trình hình thành. Đây là thách thức lớn của cuộc sống Internet của chúng ta trong 5-10 năm tới cần phải giải quyết.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải đối mặt với một thách thức rõ rệt là an toàn trong bảo mật thông tin, đặc biệt là thông tin cá nhân trên mạng Internet.
Có một thực tế là đa số người dùng Internet tại Việt Nam khi truy cập bằng máy tính hầu hết sử dụng các phần mềm không có bản quyền. Việc này tiềm tàng nhiều rủi ro về phần mềm, mã độc... và là các bàn đạp để tin tặc dùng để tấn công các hệ thống thông tin, thậm chí tấn công các nước khác.
- Có ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp để kiểm soát môi trường Internet là yêu cầu các đơn vị cung cấp dữ liệu xuyên biên giới đặt các máy chủ và văn phòng tại Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Ông Vũ Thế Bình: Ở góc độ Hiệp hội Internet, chúng tôi đã nhiều lần trao đổi về vấn đề này.
Chúng ta cần hiểu rằng, Internet là không có biên giới. Bên cạnh đó, hàng chục triệu người dân Việt Nam đang tận dụng các ưu thế của dịch vụ, ứng dụng mạng xã hội do một số nhà cung cấp dịch vụ trên thế giới cung cấp và tính tích cực nhiều hơn tính tiêu cực.
Khi tiếp cận ở góc độ quản lý dữ liệu xuyên biên giới, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đang gặp phải các thách thức. Theo chúng tôi, cách tiếp cận tốt hơn cả là các cơ quan nhà nước nên làm việc trực tiếp với các hãng, công ty toàn cầu để thực hiện những yêu cầu quản lý của mình. Bên cạnh đó, cần tục hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra các dịch vụ, ứng dụng bổ sung cho người dùng, góp phần cải thiện công nghiệp nội dung, giá trị gia tăng dịch vụ…
- Xin cảm ơn ông!
Theo TTXVN