Tiếng Việt | English

12/06/2020 - 15:45

Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel: “Thùng thuốc súng ở Trung Đông”

Trước kế hoạch của Israel đơn phương sáp nhập Bờ Tây, Palestine đe dọa sẽ rút lại sự công nhận đối với nhà nước Israel.

Khu vực Trung Đông vốn luôn tồn tại những mâu thuẫn và xung đột dai dẳng, những ngày này lại “sôi sục” khi Israel tuyên bố sẽ sáp nhập các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, dự kiến vào đầu tháng 7.


Tổng thống Palestine Abbas và Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: Arab Weekly.

Kế hoạch lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt của Palestine. Palestine tuyên bố sẽ rút lại sự công nhận nhà nước Israel nếu Israel phá hủy cơ hội thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Những căng thẳng này đe dọa đặt Trung Đông trước một chu kỳ bất ổn mới, có thể thổi bùng lên ngọn lửa xung đột đang âm ỉ ở nhiều nơi. Câu hỏi đặt ra là tại sao Israel vẫn có thể từng bước hiện thực hóa tham vọng sáp nhập  vùng đất chiếm đóng ở Bờ Tây bất chấp đi ngược lại luật pháp quốc tế.   

Điều đặc biệt trong lựa chọn thời điểm của Israel

Việc Israel chuẩn bị sáp nhập Bờ Tây đang là vấn đề nóng của khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, vấn đề này đã được Israel lên kế hoạch từ nhiều năm nay và đã tuyên bố từ năm ngoái. Đó là cách mà chính quyền Israel thực hiện vừa là để thăm dò quan điểm của dư luận khu vực và quốc tế vừa để lựa chọn thời điểm thực hiện kế hoạch này. Như kế hoạch trước đó thì việc sáp nhập Bờ Tây sau cuộc bầu cử Tổng thống Israel hồi tháng 4 năm ngoái và với kỳ vọng Thủ tướng Netanyahu tiếp tục tại vị nhưng kịch bản này không xảy ra.

Tuyên bố chính thức sáp nhập Bờ Tây vào ngày đầu tiên của tháng 7 tới bởi thứ nhất đó là việc ông Netanyahu thực hiện lời hứa với cử tri trước bầu cử và thực tế động thái này là biểu tượng chính trị nhiều hơn bởi vì tất cả các vùng đất đều nằm trong tầm kiểm soát của Israel và không ai có thể ngăn cản họ làm bất cứ điều gì ở bất cứ nơi nào ở Bờ Tây, thung lũng Jordan, Jerusalem.

Thứ hai đó là một điều khoản quan trọng trong thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ giữa đảng Likud của ông Netanyahu và liên minh “Xanh- Trắng”.

Thứ ba và rất quan trọng đó chính là ông Netanyahu đã được bầu lại làm thủ tướng nhiệm kỳ 18 tháng và vẫn là đồng minh thân cận của Mỹ để thực hiện “thỏa thuận thế kỷ” của ông Donald Trump, người ủng hộ mãnh mẽ các bước đi của Israel mà những tổng thống Mỹ trước đó chưa làm được.

Cuối cùng có một điều chắc chắn rằng Israel được chính quyền Tổng thống Trump ủng hộ. Bởi các bản đồ do Mỹ đưa ra cho phép Israel bắt đầu các cuộc thôn tính và áp đặt chủ quyền của Israel đối với các khu vực được xác định ở Bờ Tây. Điều này có lợi cho cả hai bên khi ông Donald Trump muốn cử tri gốc Do Thái ủng hộ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Thủ tướng Netanyahu đã xác nhận rằng sẽ không bỏ lỡ cơ hội lịch sử để mở rộng chủ quyền đối với các bộ phận của Bờ Tây và mô tả động thái này là một trong những nhiệm vụ chính của chính phủ mới của ông. Israel dự định sáp nhập hơn 130 khu định cư ở Bờ Tây trừ thung lũng Jordan do lo ngại căng thẳng với Jordan.

Phản ứng của Palestine vẫn không hiệu quả

Các phản ứng của Palestine được cho là cứng rắn hơn và quyết liệt hơn với việc rút khỏi thỏa thuận Oslo năm 1993 về hiệp ước hòa bình giữa Israel và Palestine, từ chối công nhận nhà nước Israel và có chiến lược đối trọng. Nhưng tất cả các phản ứng đơn lẻ này là không hiệu quả. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc, EU và cộng đồng quốc tế đều tuyên bố phản đối kế hoạch này của Israel và cho rằng việc sáp nhập các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là vi phạm luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, kịch bản cũng gần giống như việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ tới thành phố này năm 2018. Tức là vấn đề sẽ leo thang và nóng lên trong một giai đoạn ngắn nhưng trong tầm kiểm soát, phản ứng của quốc tế và khu vực chỉ dừng ở mức tuyên bố phản đối.

Trên thực tế thì các khu định cư đã được xây dựng và người Israel đã ở đó, vấn đề chỉ là Israel đơn phương công nhận nó là chủ quyền. Do đó, các phản ứng của khu vực và quốc tế cũng không thể làm thay đổi được kế hoạch này của Israel, nhất là khi họ có Mỹ đứng đằng sau bật đèn xanh.

Cũng phải thấy rằng chính quyền Palestine bị phong tỏa và chia cắt giữa Gaza với Bờ Tây ngày càng yếu về kinh tế, Tổng thống Mahmoud Abbas đứng đầu ngày càng già yếu, vai trò và ảnh hưởng giảm. Điếu đó khiến cho phản ứng đối phó với Israel cũng giảm đi và khó có thể cản được Israel thực hiện kế hoạch của họ. Tuy nhiên, việc sáp nhập Bờ Tây sẽ tạo ra một loạt các thách thức an ninh cho Israel và cũng mất đi nhiều lợi ích trong quan hệ ngoại giao quốc tế và với một số nước Arab mới được cải thiện gần đây.

Các cơ chế trung gian dường như cũng vô tác dụng?

Kế hoạch của Israel sáp nhập Bờ Tây vào lãnh thổ nước này là một trong những yếu tố phá hỏng những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông với việc xây dựng hai nhà nước Israel và Palestine chung sống bên cạnh nhau trong hòa bình.

Từ gần 3 năm nay, tiến trình hòa bình Trung Đông đã bị ngưng trệ, các cuộc đàm phán Israel và Palestine không được thực hiện và Palestine bác bỏ vai trò trung gian của Mỹ khi nước này công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel năm 2018. Khi Mỹ đơn phương ủng hộ Israel thì dường như nhóm Bộ tứ không còn được coi là công bằng và hiệu quả.

Mỹ gần đây cũng đề xuất “thỏa thuận thế kỷ” nhưng đã bị phía Palestine từ chối bởi thỏa thuận này không có sự tham gia của Palestine, và Palestine cho rằng thỏa thuận thiên vị cho phía Israel.

Trong khi đó, các tổ chức lớn, các nước trong khu vực Trung Đông mới chỉ đưa ra tuyên bố phản ứng mà không có hành động cụ thể nào với Israel như cắt đứt quan hệ ngoại giao, trừng phạt kinh tế… thì khó hiệu quả và người dân Palestine sẽ còn phải tiếp tục đấu tranh dài cho việc thành lập một nhà nước độc lập. Đó là chưa kể tới xung đột Israel – Palestine còn được một số cường quốc sử dụng cho lợi ích địa chính trị của mình và coi đây như một con bài chính trị để lúc “nóng”, lúc “nguội”./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết