Tiếng Việt | English

19/08/2021 - 14:35

Kế thừa thành tựu Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp đổi mới hiện nay

Cách đây 76 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã làm nên kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX: Tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị tàn bạo hơn 80 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ quân chủ phong kiến lỗi thời đã tồn tại hơn 1.000 năm, giành quyền độc lập, đưa Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, đưa dân tộc Việt Nam phát triển theo con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 minh chứng sinh động cho sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, kiên quyết vùng dậy lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa phát xít, phong kiến. Đúng như nhận định của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào tháng 6-1941, sự “hiệp lực, đồng tâm” của Nhân dân là một nhân tố quan trọng nhất đưa tới thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc. Khối đoàn kết toàn dân được tổ chức thành Mặt trận Việt Minh, lấy liên minh công nông làm nền tảng phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập, tự do của Tổ quốc. Bằng tổ chức Mặt trận, sức mạnh quật cường, tinh thần sáng tạo của Nhân dân được nhân lên gấp bội, ý chí và hành động đấu tranh của toàn dân được thống nhất và tập trung ở mục tiêu cứu quốc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc ta và trải qua 76 năm kiểm nghiệm bằng những thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (1945-1975), của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975; nhất là những thành tựu rất quan trọng của sự nghiệp xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới mà Đảng và Nhân dân ta đã và đang tiến hành từ năm 1986 đến nay. Là hiện thân của xu thế giải phóng và phát triển của đất nước Việt Nam theo con đường cách mạng do Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Nhân dân ta lựa chọn, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ngày càng biểu hiện rõ tầm vóc thời đại và ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

76 năm qua, đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới diễn ra nhiều biến động, phức tạp, khó lường, chứa đựng nhiều thuận lợi lớn và khó khăn, thách thức không nhỏ. Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.

Đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt; thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới đất nước chính là sự tiếp tục kế thừa những thành tựu trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Tuy nhiên, đất nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới.

Trước thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước, đòi hỏi Đảng và Nhân dân ta phải luôn kiên định con đường Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra và mục tiêu đã xác định, đưa đất nước phát triển tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đóng góp tích cực cho cuộc sống hòa bình, phồn vinh, tự do và hạnh phúc của nhân loại. Để đạt được điều đó, đòi hỏi toàn Đảng phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII; thực hiện hiệu quả và thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII (2021); tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, cán bộ của Đảng phải là công bộc của dân, quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tích cực làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một trong những vấn đề cốt yếu để thực hiện nhiệm vụ lớn lao đó là Đảng và Nhân dân ta phải quán triệt sâu sắc và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là phải củng cố và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong MTTQ Việt Nam do liên minh công, nông, trí thức làm nền tảng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải động viên toàn dân, khơi gợi lòng yêu nước chân chính của Nhân dân và tạo điều kiện cho Nhân dân phát huy lòng yêu nước chính đáng, đồng tâm hiệp lực cống hiến sức lực và tài năng phụng sự Tổ quốc. Đồng thời, phải bảo đảm lợi ích thiết thực, những quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, gắn những lợi ích và quyền lợi của các tầng lớp Nhân dân với vận mệnh và lợi ích dân tộc. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu quan điểm: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.

Những quan điểm, chủ trương của Đảng ta chính là sự phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thể hiện sự nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội, giải phóng triệt để con người khỏi áp bức, bất công; bảo đảm quyền tự do và quyền con người gắn với trách nhiệm công dân; động viên, tập hợp và định hướng lòng yêu nước chân chính của mọi tầng lớp Nhân dân sẽ tạo ra những động lực, phương hướng mới để dân tộc ta nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Trịnh Thị Tươi
(Trường Chính trị tỉnh Long An)

Chia sẻ bài viết