Tiếng Việt | English

13/10/2018 - 09:09

Kết nối giao thương hàng hóa để phát triển bền vững

Một trong những giải pháp để quá trình sản xuất nông sản trở nên ổn định, bền vững là phát triển liên kết sản xuất. Trong đó, tiêu chí quan trọng trong thời kỳ cạnh tranh thương mại hiện nay là các sản phẩm nông nghiệp phải sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP,...

Đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã gặp gỡ trao đổi về các hình thức liên kết trong tiêu thụ nông sản

Tăng cường kết nối

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An - Lê Minh Đức chia sẻ: “Tiêu thụ là khâu quyết định của quá trình tái sản xuất, trong đó, tiêu thụ nông sản là một yếu tố quan trọng góp phần phát triển sản xuất ổn định. Thời gian qua, Sở Công Thương cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành tăng cường các mối liên kết để tạo đầu ra ổn định cho nông sản”.

Theo đó, có nhiều hình thức kết nối để tiêu thụ hàng hóa, nông sản: Thông qua hội nghị kết nối cung - cầu; hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) tham gia phiên chợ nông sản an toàn tại TP.HCM; xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc; đối thoại giữa các DN, HTX của tỉnh với các DN TP.HCM; xúc tiến tiêu thụ nông sản hàng hóa tại Campuchia. Đến tháng 9-2018, các DN, HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện được 139 hợp đồng cung ứng hàng hóa với các DN phân phối hàng hóa, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể tại TP.HCM. Nhìn chung, tất cả hợp đồng cung ứng của các HTX, DN được triển khai thực hiện tốt, sản lượng cung ứng hàng hóa nông sản theo chiều hướng tăng và có sức lan tỏa.

Diện tích sản xuất các loại rau ăn lá hiện tại của HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) là 11ha và được chứng nhận VietGap. Đây là điều kiện tốt nhất để HTX Rau an toàn Phước Hòa ký kết hợp đồng cung ứng rau đến các đơn vị như Tổng Công ty Thương mại Sài gòn - Satra, Siêu thị Sài Gòn,... Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng cho biết: “Để có đầu ra ổn định như ngày hôm nay, HTX đã trải qua những ngày khó khăn, chật vật tìm đầu ra cho nông sản sạch. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật canh tác rau VietGap và được các ngành chức năng hỗ trợ kết nối, đến nay, đầu ra của rau cũng như thu nhập của xã viên rất ổn định. Cụ thể, HTX đã ký 8 hợp đồng cung cấp rau cho các DN đầu mối tại TP.HCM, tạo đầu ra ổn định cho các thành viên HTX”.

Ngoài cung cấp rau cho DN tại TP.HCM, HTX Rau an toàn Phước Hòa còn cung cấp rau đến các điểm bán rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Ông Kiều Anh Dũng nói thêm: “Bình quân 1 ngày, các thành viên HTX chỉ thu hoạch khoảng 2 tấn nhưng lượng rau cần đến hơn 2,5 tấn. Vì vậy, HTX liên kết cùng các HTX khác trên địa bàn huyện để đủ lượng rau cung cấp hàng ngày”.

Đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã gặp gỡ trao đổi về các hình thức liên kết trong tiêu thụ nông sản

Chanh không hạt, thanh long là sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, được Sở Công Thương ưu tiên kết nối cung - cầu hàng hóa trong, ngoài tỉnh và cả nước ngoài. Đại diện Nông trang Hải Âu - Nguyễn Hải Âu cho biết: Nhờ được kết nối, xúc tiến thương mại nên nông trang liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu lên đến 500ha cung ứng cho các thị trường trong và ngoài nước như siêu thị, chợ, các nước khu vực Trung Đông, Singapore, Malaysia, Trung Quốc,... Nông trang Hải Âu đang từng bước mở rộng quy mô xưởng sơ chế chanh không hạt tươi, đầu tư thiết bị đóng gói hiện đại, dây chuyền chế biến chanh sấy khô, chanh xí muội, nước ép chanh. Hệ thống kho bảo quản lạnh được đặt tại Bằng Tường, Thượng Hải (Trung Quốc), Long An và Lạng Sơn để thuận tiện cho việc cung ứng liên tục và nhanh nhất đến khách hàng.

Ông Lê Minh Đức chia sẻ thêm, ngoài kết nối tiêu thụ nông sản, sở tiếp tục kết nối tiêu thụ hàng hóa cho DN tại thị trường Campuchia. Hiện nay, một số tỉnh giáp biên giới Việt Nam đang phát triển rất nhanh, các công trình xây dựng đầu tư rất nhiều. Nhu cầu tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất là rất lớn. Nếu được kết nối tốt, đây là cơ hội cho các DN trong tỉnh tiêu thụ sản phẩm.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Theo đánh giá từ Sở Công Thương, công tác xúc tiến thương mại được quan tâm, đầu ra nông sản chủ lực của tỉnh ngày càng tốt hơn, giá bán cao hơn, nông dân có lãi. Tuy nhiên, lượng hàng hóa bán theo kiểu liên kết chưa nhiều, vẫn còn nhiều sản phẩm được bán qua thương lái, chưa có thương hiệu và chất lượng được đánh giá là phẩm cấp thấp, chưa đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, các đơn vị kinh doanh đầu mối tại TP.HCM cũng như nhiều thị trường khác luôn khuyến nghị hàng hóa, nông sản phải nâng cao chất lượng hơn, bảo đảm các quy chuẩn theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Khi đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm, sản lượng hàng hóa nông sản của Long An sẽ được tiêu thụ mạnh hơn trong thời gian tới

Hiện nay, hàng hóa nông sản của tỉnh có nhiều loại, phần lớn được tiêu thụ ở TP.HCM thông qua các chợ đầu mối như Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Phó Giám đốc Chợ đầu mối Hóc Môn - Lê Văn Tiễn chia sẻ: “Bình quân mỗi ngày có 2.800 tấn hàng hóa là nông sản về chợ, trong đó, chỉ có 24% là truy xuất được nguồn gốc. Trong đó, lượng hàng hóa từ Long An về chợ chiếm khoảng 100 tấn/ngày và chỉ một số ít truy xuất được nguồn gốc. Chủ trương của Ban Quản lý chợ là tiến tới xây dựng chợ an toàn thực phẩm nên tiêu chí mua và nhập hàng từ vựa, tiểu thương là hàng “sạch”. Vì thế, để có thể thâm nhập thị trường TP.HCM bền vững, hàng nông sản lẫn thủy sản của Long An phải nâng cao chất lượng hơn, bảo đảm các quy chuẩn theo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và được sơ chế tại nguồn. Nếu đạt các tiêu chí này, sản lượng hàng hóa của Long An chắc chắn sẽ tiêu thụ mạnh hơn trong thời gian tới”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng: “Lượng hàng hóa từ Long An tiêu thụ tại TP.HCM chưa tương xứng với tiềm năng hiện có do các bên liên kết chưa chặt chẽ và tương đồng. Các HTX, DN sản xuất tại Long An cần chú trọng sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường gồm cả xuất khẩu và nội địa, không chỉ chú trọng hàng hóa xuất khẩu mà bỏ qua những tiêu chuẩn chất lượng khi tiêu thụ trong nước”.

Ông Lê Minh Đức nhấn mạnh: “Tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa nông sản và các ngành chức năng đang đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến nông dân. Đây là việc làm nhằm khẳng định Long An xác định chiến lược sản xuất nông sản an toàn nhằm tiêu thụ, phát triển bền vững”./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích