Sản lượng lúa hàng năm trên 2,7 triệu tấn
Long An là địa phương có diện tích lúa đứng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng lúa hàng năm đạt khoảng 2,7-2,8 triệu tấn. Hiện tỉnh có trên 115 doanh nghiệp xay xát, chế biến lúa, gạo với công suất chế biến và kho chứa lúa, gạo thuộc loại lớn. Năm 2019, tổng diện tích lúa của tỉnh đạt 506.258ha, sản lượng trên 2,769 triệu tấn, đạt 100,7% kế hoạch, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao ước đạt 1,37 triệu tấn, góp phần tăng tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp từ 0,75% năm 2016 lên 2,64% năm 2019.
Sản lượng lúa hàng năm đạt trên 2,7 triệu tấn
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, để sản lượng lúa hàng năm đạt trên 2,7 triệu tấn, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất các vụ Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông; đồng thời, cùng các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, bố trí kế hoạch xuống giống lúa hợp lý, bảo đảm thời gian cách ly với các vụ ít nhất 3 tuần thích ứng, linh hoạt với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ sớm gắn với bản đồ cơ cấu mùa và lịch né rầy.
Những vùng không chủ động được nguồn nước, sử dụng nước trời, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại. Riêng về cơ cấu giống, ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường xuất khẩu, chú ý các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Nhóm giống lúa chủ lực là OM 4900, OM 5451, nếp, Đài Thơm 8, RVT, Nàng Hoa 9, ST, OM 6976,… Sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình - khá: AS996, OM 5451, OM 6976,... cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.
Ngoài ra, các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng,...; cày vùi rơm rạ kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma, Sumitri,... giúp rơm rạ được phân hủy nhanh, tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan sang vụ Hè Thu; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó chú trọng tuyên truyền thường xuyên việc giảm lượng giống gieo sạ (lượng giống gieo sạ khuyến cáo khoảng 100kg/ha).
Khắc phục khó khăn, bảo đảm sản lượng lúa hàng năm
Bên cạnh đó, các địa phương không ngừng vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; thường xuyên kiểm tra sự cố rò rỉ nước mặn tại các cửa cống, hoàn chỉnh hệ thống đê bao dọc theo sông lớn, xây dựng các công trình ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh cây lúa của tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho biết: “Để đạt mục tiêu sản lượng trong những năm tới, ngành chức năng cùng các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng - thủy văn, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; tập trung mọi điều kiện khắc phục bất lợi của thời tiết để ứng dụng thâm canh, phòng trừ dịch bệnh; chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất. Ngoài ra, các ngành chức năng và các địa phương tiếp tục quan tâm, thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả và chất lượng nông sản hàng hóa”.
Nâng cao đời sống cho người trồng lúa
Để ổn định diện tích, nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất lúa, gạo, ngành nông nghiệp không ngừng đẩy mạnh việc phát triển sản xuất theo quy mô lớn (cánh đồng lớn) để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. 5 năm qua, ngành nông nghiệp cùng các địa phương mời gọi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng được 336 lượt cánh đồng lớn với diện tích trên 99.830ha. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí chia sẻ: “Nông dân muốn sản xuất hiệu quả phải có sự liên kết và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quá trình canh tác. Điều này giúp nâng cao chất lượng nông sản, giúp nông dân làm giàu trên đất lúa”.
Ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm, sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những năm qua tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, nông dân đều sản xuất hiệu quả, có lãi. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển theo hướng chất lượng cao. Chương trình đột phá về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp như cơ giới hóa trong sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng giống xác nhận, phân hữu cơ sinh học,… tiếp tục cho hiệu quả cao.
Nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng hiệu quả trong sản xuất lúa
Sau 4 năm thực hiện chương trình, đến nay, tỉnh có 22.320,8ha lúa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đạt 111,6% kế hoạch. Trong đó, 11.411ha đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến, có 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng giống 80-100kg/ha; hướng dẫn người dân áp dụng GAP trong quy trình sản xuất lúa, đến nay có 370ha được chứng nhận sản xuất VietGAP, 150ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Qua triển khai xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, nông dân trong vùng thấy được hiệu quả của việc sử dụng giống lúa xác nhận và phương pháp cấy tốt hơn so với phương pháp sạ, lúa cứng cây, ít đổ ngã, sâu, bệnh, giảm phân bón, độ thuần đồng ruộng tốt, năng suất cao. Kết quả từ các mô hình điểm cho thấy, có hộ lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 6-8 triệu đồng/ha.
Song song đó, những năm qua, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông, xây dựng và sửa chữa các trạm bơm điện,…; đồng thời hỗ trợ đẩy mạnh việc sử dụng giống lúa xác nhận, xây dựng các cánh đồng lớn,… Từ đó, giúp năng suất, sản lượng lúa chất lượng cao không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, vận động người dân tham gia vào các tổ hợp tác, HTX để cùng hợp tác trong các khâu của quá trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả,… Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới./.
Huỳnh Phong