Tiếng Việt | English

01/01/2020 - 14:17

Khắc tinh của “đệ tử Lưu Linh” trên xa lộ

Năm 2019, toàn quốc xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. Trong đó, nhiều vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc sử dụng rượu, bia.

Cần tăng cường tuần tra, kiểm soát xử phạt người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia

Trên địa bàn tỉnh Long An, trong năm 2019, xảy ra 189 vụ tai nạn giao thông; số người chết là 111 người; bị thương 161 người. So với năm 2018, tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế trên cả 3 tiêu chí (số vụ giảm 17, số người chết giảm 11 và số bị thương giảm 2 người). Tuy vậy, tình hình an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người và tài sản còn ở mức cao.

Trong đó, nhiều vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc sử dụng rượu bia. Tai nạn giao thông để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế, hạnh phúc gia đình,…Chỉ vì một chút vui vẻ, nhiều người đã đánh đổi bằng tính mạng, sức khỏe của chính mình và những người vô tội khác.

Tình hình tai nạn giao thông sẽ diễn biến phức tạp hơn vào dịp lễ, tết - khi nhiều người sử dụng rượu, bia còn tham gia giao thông.

Mặt khác, số lượng phương tiện giao thông tăng, cùng với kết cấu hạ tầng đầu tư không đồng bộ, quá tải, xuống cấp cũng góp phần làm cho tình hình giao thông tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông. Xe đông, đường chật, xấu cùng với tình trạng một số người sử dụng rượu, bia luôn tạo áp lực với người tham gia giao thông,…

Chính vì vậy, nhiều người vui mừng, đồng thuận khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 ra đời và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.  Nhiều người mong muốn luật sớm đi vào cuộc sống, góp phần hạn chế triệt để tác hại của rượu, bia, nhất là đối với lĩnh vực an toàn giao thông.

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. Điểm đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.

Theo Nghị định, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe mô tô. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên sẽ bị phạt từ 400 - 600 ngàn đồng.

Đây là luật mới, có nhiều điểm liên quan mật thiết với đời sống xã hội. Không phân biệt uống rượu, bia vì lý do lễ nghĩa hay tiệc tùng, vui hay buồn, nếu tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia thì bị phạt. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ sẽ là “khắc tinh” của các “bợm nhậu” khi tham gia giao thông.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ tác động đến “văn hóa rượu, bia” của người Việt, ảnh hưởng mật thiết tới đời sống người dân. Do vậy, các ngành, các cấp, các đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền; các lực lượng chức năng cần kiên quyết thực hiện.

Trước đây, quy định đội nón bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện phải mất nhiều thời gian mới trở thành một nét văn hóa, thói quen của người tham gia giao thông. Đối với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng vậy, vừa kết hợp tuyên truyền, giáo dục gắn với chế tài kiên quyết, luật sẽ lan tỏa trong đời sống, bởi “tính mạng con người là trên hết”. Phải đưa thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không tham gia giao thông” trở thành một chuẩn mực trong đời sống xã hội./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết