Điều đó, nghĩa là đã uống rượu, bia thì không được lái xe, dù là ô tô hay xe máy, kể cả các phương tiện thô sơ, xe đạp...
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tài xế
Luật hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”
Thời gian qua, đang áp dụng xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 46/2016. Cụ thể theo Nghị định này và theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008, việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông được chia làm 02 trường hợp.
Đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng thì nghiêm cấm người điều khiển xe tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (Có nghĩa chỉ cần có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là sẽ bị phạt, không phân biệt ít hay nhiều).
Đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ bị phạt khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Tuy nhiên, kể từ ngày mai (01/01/2020), Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực. Đáng chú ý là Luật này có quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều đó, nghĩa là đã uống rượu, bia thì không được lái xe, dù là ô tô hay xe máy, kể cả các phương tiện thô sơ, xe đạp...
Đây là một trong những điểm, quy định mới được quan tâm vì có tác động trực tiếp đến nhiều người, nhất là ở nước ta khi việc sử dụng phương tiện cá nhân vẫn chủ yếu, trong khi văn hóa giao tiếp bằng bia, rượu vẫn khá phổ biến.
Qua ghi nhận tại Long An, nhiều người dân đã nắm được quy định này qua thông tin từ báo chí. Qua đó, người dân cũng thể hiện sự đồng ý cao với quy định này và mong muốn sẽ được triển khai áp dụng, thực hiện có hiệu quả.
Hậu quả của điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia thì không phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người vẫn bất chấp cảnh báo, chủ quan và gây ra những hậu quả đau lòng. “Vì vậy, luật quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tôi rất hoan nghênh và mong muốn sẽ được thực hiện nghiêm túc, góp phần thay đổi ý thức của nhiều người", anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ phường 4, TP. Tân An chia sẻ.
Luật sư Lê Văn Lâm, Cty Luật Sài Gòn Mê Kông Đoàn Luật sư Long An cho rằng, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia là cực kỳ nguy hiểm, gây ra những tác hại, hậu quả rất lớn, đó không chỉ là tài sản mà còn là tính mạng của con người.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh cũng như ở cả nước xảy ra nhiều vụ việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã uống rượu, bia và gây tai nạn. Vì thế, quy định này của Luật này là phù hợp, tiến bộ, văn minh.
Tăng cường xử lý vi phạm hành vi đã uống rượu, bia vẫn lái xe
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác an toàn giao thông năm 2019 diễn ra sáng ngày 28/12, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng cho biết, trong năm, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng được xác định nguyên nhân người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia.
“Năm 2020, đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi sử dụng phương tiện gia giao thông”, ông Khuất Việt Hùng nói.
Tại Long An, thời gian qua, lực lượng CSGT cũng tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. CSGT còn mở chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm.
Đại tá Văn Thế Thái – Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết năm 2019, lực lượng CSGT toàn tỉnh xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 3,1 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn gần 900 trường hợp, tạm giữ gần 1.000 phương tiện các loại.
Riêng Phòng CSGT đã xử lý gần 120 trường hợp, ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 372 triệu đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn gần 80 trường hợp, tạm giữ gần 120 phương tiện.
Theo Ủy viên Thường trực Ban ATGT tỉnh – Phùng Văn On, năm 2020, Ban sẽ đề nghị lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhất là khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực. Cùng với đó, phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân.
“Cùng với chế tài xử phạt thì công tác tuyên truyền để người dân tự ý chấp hành là rất quan trọng, đây chính là cái gốc của vấn đề”, ông Phùng Văn On nhấn mạnh./.
Đại tá Văn Thế Thái – Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết năm 2019, lực lượng CSGT toàn tỉnh xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 3,1 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn gần 900 trường hợp, tạm giữ gần 1.000 phương tiện các loại.
|
Lê Đức