Nhiều dự án nước mặt được đưa vào hoạt động không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, nhất là nước ngầm (Trong ảnh: Đoàn công tác của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm làm Trưởng đoàn khảo sát thực tế Nhà máy Nước Nhị Thành, huyện Thủ Thừa; ảnh chụp tháng 4/2021)
Khuyến khích sử dụng nuồn nước mặt
Tỉnh triển khai nhiều giải pháp góp phần tăng cường công tác quản lý nguồn tài nguyên nước như khuyến khích các tổ chức, cá nhân ưu tiên sử dụng nguồn tài nguyên nước mặt hiện có; phát huy tối đa hiệu quả để phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất trên địa bàn; bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm bằng cách trám bít các giếng khoan, đưa vào dự phòng trong khu vực có hệ thống cấp nước mặt đi ngang, quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác nước dưới đất,...
Đức Hòa là một trong những địa phương “tiên phong” trên địa bàn tỉnh thực hiện việc trám bít các giếng khoan dưới đất, tăng cường sử dụng nguồn nước mặt phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất. Năm 2016, Dự án Nhà máy cấp nước Hòa Khánh Tây chính thức đưa vào hoạt động, địa phương khuyến khích người dân, chủ đầu tư khu, cụm công nghiệp, khu dân cư,... sử dụng nguồn nước này, hạn chế sử dụng giếng khoan để bảo vệ nguồn nước ngầm trên địa bàn.
Thông tin từ đại điện Ban Quản lý Khu công nghiệp Tân Đức, trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường, việc bảo vệ nguồn nước ngầm là hết sức cần thiết. Đơn vị nhận thấy chủ trương đóng bít giếng khoan, sử dụng nước mặt là rất đúng đắn. Vì vậy, Khu công nghiệp phối hợp địa phương, Sở TN&MT đóng bít các giếng khoan, sử dụng nguồn nước của Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây.
Ban Quản lý khu công nghiệp cũng vận động các doanh nghiệp thứ cấp thực hiện nghiêm chủ trương của tỉnh. Mặt khác, nguồn nước cấp từ nhà máy này bảo đảm chất lượng lẫn lưu lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp thứ cấp. Giá nước cũng phù hợp, rõ ràng theo đúng quy định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án, công trình khai thác, sử dụng nguồn nước mặt đã hoàn thành, đưa vào hoạt động. Trong số đó, phải kể đến các dự án cấp nước mặt như Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa), các nhà máy nước, trạm cấp nước, xí nghiệp cấp nước của Công ty (Cty) Cổ phần (CP) Cấp thoát nước Long An, Nhà máy Nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa),... Các nhà máy nước này không chỉ phát huy thế mạnh nguồn nước mặt trong việc cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, hoạt động của doanh nghiệp mà còn góp phần thiết thực trong việc bảo vệ nước ngầm trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào sử dụng
Để bảo vệ nguồn nước ngầm
Đại diện Cty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP-Long An (chủ đầu tư Nhà máy Nước Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) - Vũ Anh Tuấn cho biết: “Nhà máy được đưa vào vận hành năm 2019, sử dụng nguồn nước mặt từ kênh Rạch Chanh - Nguyễn Văn Tiếp, cấp nước sạch (đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế) phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân khu vực TP.Tân An, các huyện: Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức và một phần của huyện Cần Đước, Cần Giuộc.
Ngoài những kế hoạch, giải pháp của Cty, đơn vị kiến nghị cần có quy chế, quy định bảo vệ nguồn nước mặt gắn với vấn đề an toàn môi trường. Các bên cần có sự phối hợp với nhau, nhất là phối hợp Âu tàu Rạch Chanh phòng ngừa, hạn chế nhiễm mặn và bảo vệ nguồn nước mặt.
Đến năm 2030, nhà máy có quy mô công suất 120.000m3/ngày, đêm; trong đó, chia làm 3 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1 từ năm 2016-2019, công suất 30.000m3/ngày, đêm; giai đoạn 2 từ 2020-2023, nâng công suất lên 60.000m3/ngày, đêm; giai đoạn 3 từ năm 2025-2030, nâng công suất 120.000m3/ngày, đêm. Năm 2020, DNP-LA thực hiện nâng công suất Nhà máy Nước Nhị Thành lên 45.000m3/ngày, đêm và theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị hoàn thành thi công tuyến ống cấp nước D630 từ cầu Rạch Chanh đến ngã tư Chợ Trạm, tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy Nước Nhị Thành.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phạm Tùng Chinh, giai đoạn hiện nay, biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nguồn tài nguyên nước đang đứng trước nhiều nguy cơ, chịu ảnh hưởng từ vấn đề này. Tình trạng nước ngầm ngày càng khan hiếm, cạn kiệt; trong khi đó, nguồn nước giảm mạnh, một số vùng bị mặn hóa do hạn, xâm nhập mặn gây ra.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều chủ trương, chính sách, chỉ đạo trong vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Long An cụ thể hóa bằng các biện pháp, giải pháp để thực hiện hiệu quả, nâng cao việc quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước trên địa bàn.
Trong đó, tỉnh khuyến khích cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng nguồn nước mặt phục vụ sinh hoạt, sản xuất; chỉ đạo quản lý chặt chẽ hoạt động cấp giấy phép khai thác sử dụng nước ngầm, chỉ xem xét cấp giấy phép khai thác trong trường hợp khu vực không có khả năng sử dụng nguồn nước mặt, chưa có hệ thống cấp nước tập trung. Tuy nhiên, việc cấp phép này chỉ tạm thời, khi có hệ thống cấp nước tập trung bảo đảm lưu lượng thì các tổ chức, cá nhân phải tiến hành trám lấp giếng và đấu nối nguồn nước cấp tập trung để sử dụng.
Thời gian tới, Sở tiếp tục kiểm tra, giám sát và yêu cầu các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác nước phải lập thủ tục cấp giấy phép khai thác sử dụng theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, quản lý chặt chẽ những khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Tiếp tục xây dựng mạng lưới quan trắc nước dưới đất; triển khai, thực hiện dự án hệ thống giám sát về tài nguyên nước và lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, tổ chức phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
“Sở tăng cường công tác truyền thông về tài nguyên nước để cộng đồng cùng tham gia sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nước; giữ gìn và bảo vệ nguồn nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta; kê khai đăng ký khai thác nước dưới đất, chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. Qua đó, góp phần bảo đảm phát triển bền vững KT-XH của tỉnh và đáp ứng nhu cầu về sử dụng nước cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn” - Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phạm Tùng Chinh nhấn mạnh./.
6 tháng đầu năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành đóng bít 52/55 giếng tại Cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ, còn 3 giếng chưa đóng bít do nhà đầu tư cấp nước là Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Hưng Long mới hoàn chỉnh tuyến ống ngày 02/6/2021. Sở cũng thực hiện trám lấp 32 giếng của 21/36 doanh nghiệp thứ cấp trong Cụm công nghiệp Hoàng Gia đang hoạt động trên các tuyến đường số 1 và 10; trong số 15 công ty còn lại trong cụm công nghiệp, có 13/15 công ty đã ký hợp đồng đấu nối để được cấp nước. |
Châu Sơn