Tiếng Việt | English

06/04/2022 - 08:32

Khi người trẻ bỏ phố về quê (Bài cuối)

Chẳng có con đường nào trải đầy hoa hồng, những người trẻ bỏ phố về quê, gặt hái “quả ngọt” như hôm nay là cả quá trình dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên. Và dĩ nhiên, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ, bí quyết khởi nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương còn có sự hỗ trợ từ phía chính quyền, đoàn thể địa phương và kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật mà những người trẻ tự tích lũy, nắm bắt được trong thực tế quá trình lao động, sản xuất.

Bài cuối: Bí quyết thành công của "người trong cuộc"

Bỏ phố về quê đang là xu hướng, làn sóng trong giới trẻ. Về quê, nhiều người trẻ chỉ nghĩ đơn giản: Về để tận hưởng cuộc sống bình yên, an nhiên, tự tại mà ít khi nghĩ đến làm gì để “sống được” ở quê. Vì vậy, trong làn sóng ấy, không ít người chán nản, thất bại nhưng cũng có nhiều người thành công. Và theo lời của những “người trong cuộc”, thành công ấy không phải đến ngẫu nhiên hay “ăn may” mà tất cả đều phải có quá trình chuẩn bị về tinh thần lẫn những điều kiện cần thiết.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Vườn Nhà Mình - Phạm Ngọc Anh Tuấn (SN 1981): Phải theo đuổi đam mê đến cùng, đừng bao giờ bỏ cuộc!

Từng là kỹ sư thủy sản làm việc ở TP.HCM với mức lương ổn định nhưng anh Phạm Ngọc Anh Tuấn lại chọn con đường trở về quê nhà ở xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ để khởi nghiệp. Về quê, anh mang theo ý tưởng mong muốn người dân quê mình trồng một loại cây mang lại thu nhập ổn định. Mặt khác, thực phẩm bẩn lúc này đang báo động và anh muốn tạo ra một loại thực phẩm sạch, tự nhiên từ nguồn thực vật. Và anh chọn cây chùm ngây để hiện thực hóa ý tưởng đó.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Vườn Nhà Mình - Phạm Ngọc Anh Tuấn

Trước đó, trong một lần đi công tác tại Phan Thiết (Bình Thuận), anh thấy loại cây này mọc nhiều, được ăn lá chùm ngây, uống trà chùm ngây và biết công dụng của nó nên quyết tâm đưa chùm ngây bén rễ trên vùng đất Tân Trụ. Năm 2016, anh khởi nghiệp với 1.000m2 chùm ngây trồng ngay tại vườn nhà. Tuy nhiên, lúc này, chùm ngây chủ yếu bán lá để người dân nấu canh nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Thấy vậy, anh nghĩ ngay đến việc tăng giá trị kinh tế cho cây chùm ngây. Trà lá khô, trà túi lọc, bánh, bột, dầu ăn và tinh dầu dưỡng da làm từ chùm ngây lần lượt ra mắt, đến tay người tiêu dùng từ quyết tâm đó của anh.

Khi “bộ sưu tập” các loại sản phẩm từ chùm ngây tăng dần theo thời gian cũng là lúc anh mở rộng diện tích trồng và liên kết với nông dân trồng thêm 8ha ở Long An, Đồng Nai để đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đặc biệt, một số sản phẩm như bánh và trà chùm ngây được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019. Năm 2021, trà chùm ngây được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao càng khẳng định cho sự thành công khi quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp của anh.

Những thành quả hôm nay không dễ dàng đến. Theo anh Tuấn, sau nhiều lần “lên bờ, xuống ruộng”, anh phải kiên nhẫn lắm mới tìm được hướng ra cho sản phẩm. “Làm một sản phẩm thì dễ nhưng bán được nó thì không hề đơn giản. Phải có đam mê và biết quý giá trị của nó thì mới kiên nhẫn đi đến cùng. Suy cho cùng, không có con đường khởi nghiệp nào dễ dàng, nhất là đối với người trẻ. Điều quan trọng là trong hành trình đó, chúng ta phải theo đuổi đam mê và đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy sống và làm việc hết mình vì đam mê. Đây chính là bí quyết giúp tôi khởi nghiệp thành công với cây chùm ngây” - anh Tuấn chia sẻ.

Phó Bí thư phụ trách Tỉnh đoàn - Trần Hải Phú: Trang bị kiến thức, kỹ năng trước khi về quê khởi nghiệp

Thời gian qua, nhiều bạn trẻ từ TP.HCM trở về Long An khởi nghiệp và thành công. Tuy nhiên, không phải ai “bỏ phố về quê” cũng gặt hái “trái ngọt”. Muốn khởi nghiệp và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê nhà, các bạn trẻ cần trang bị kỹ năng, kiến thức, đặc biệt là nguồn vốn trước khi quyết định “bỏ phố”. Những kiến thức các bạn trẻ cần trang bị trước khi về quê khởi nghiệp là nắm bắt thị trường, đặc biệt là nhu cầu, tiềm năng của lĩnh vực mà các bạn dự định khởi nghiệp. Ngoài ra, các bạn cần tìm hiểu địa phương nơi mình trở về có những chính sách ưu đãi gì đối với mô hình, lĩnh vực chuẩn bị khởi nghiệp và những mô hình, lĩnh vực mà địa phương đang có nhu cầu. “Để khởi nghiệp thành công tại quê nhà, các bạn nên nắm rõ những điều kiện KT - XH, chính sách hỗ trợ, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đoàn Thanh niên các cấp sẵn sàng kết nối và hỗ trợ các bạn về việc này” - anh Trần Hải Phú nhấn mạnh.

Phó Bí thư phụ trách Tỉnh đoàn - Trần Hải Phú

Về quê khởi nghiệp, ngoài “vốn tự có” là đam mê, sự mạnh dạn, kiến thức, kỹ năng, các bạn trẻ còn nhận được sự đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội. Theo anh Trần Hải Phú, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức các diễn đàn thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; diễn đàn học sinh, sinh viên khởi nghiệp; tại các diễn đàn đã mời những chuyên gia, những nhà đầu tư, doanh nhân khởi nghiệp thành công, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tham dự, chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, những bài học của các doanh nhân trẻ trong quá trình khởi nghiệp; những chủ trương đầu tư, chính sách về phát triển kinh tế của tỉnh; đồng thời, giải đáp thắc mắc, khó khăn cho thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp.

Cụ thể, Tỉnh đoàn đã triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”; giới thiệu các sản phẩm từ mô hình, dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ, nhất là các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu như dưa lưới, cá, rau sạch, dừa,... vào hệ thống Co.opmart, cửa hàng San Hà,...; những Phiên chợ Thanh niên do Đoàn, Hội tổ chức góp phần kết nối đưa sản phẩm, nông sản từ mô hình, dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ đến với người tiêu dùng trong và ngoài địa phương, thúc đẩy tạo đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng quan tâm tổ chức các hoạt động như mở lớp tập huấn, tư vấn cho đoàn viên, thanh niên; kêu gọi doanh nghiệp tham gia định hướng để trang bị kiến thức, giúp các bạn nuôi ước mơ khởi nghiệp và đi đến khởi nghiệp thành công.

Từ cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh hàng năm do Tỉnh đoàn tổ chức cũng là cơ hội để các bạn trẻ được trình bày ý tưởng dự định sẽ khởi nghiệp của mình, được các chuyên gia trong và ngoài tỉnh phân tích, đánh giá và đưa ra những góp ý giúp các bạn trẻ hoàn thiện ý tưởng, chắp cánh ước mơ cho các bạn trẻ vươn ra thế giới rộng lớn,...

Anh Trần Hải Phú nhận định: Về quê khởi nghiệp là một con đường không dễ dàng, bởi vậy các bạn trẻ cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thách thức. Để có thể khởi nghiệp thành công, cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức nền tảng về chuyên môn, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng trình bày, thuyết phục, lắng nghe,...; bắt tay vào làm phải có mô hình, kế hoạch kinh doanh cụ thể; đồng thời, tìm được đội ngũ đồng hành, người cố vấn và tìm cách kết nối nhanh với hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, quan trọng nhất phải có khát vọng, đam mê, tư duy đổi mới sáng tạo, thích ứng tốt với sự thay đổi hiện nay.

Từ sẻ chia bí quyết thành công của những “người trong cuộc”, nếu những người trẻ có ý định bỏ phố về quê lập nghiệp thì hãy trang bị cho mình những nền tảng vững chắc để không chơi vơi, chán nản và thất bại. Quê nhà luôn dang rộng vòng tay đón các bạn trở về sống đời bình yên và làm giàu chính đáng, chỉ cần các bạn vững tin, vượt khó, có kỹ năng, kiến thức,... và có sự đồng hành của địa phương cùng tổ chức Đoàn./.

Thùy Hương - Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết