Tiếng Việt | English

21/01/2025 - 10:37

Làng nghề đón tết

Mùa xuân chạm ngõ cũng là thời điểm những thợ làng nghề tất bật chuẩn bị sản phẩm phục vụ dịp Tết Cổ truyền. Từ những chậu hoa kiểng, bánh, mứt hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ,... đều mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, niềm hy vọng về một năm mới ấm no, đủ đầy.

Tất bật chăm sóc mai đón tết

Làng nghề trồng mai hình thành từ năm 2004 do anh Trần Văn Thống đưa giống mai từ tỉnh Bến Tre về trồng tại ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An  và ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, Làng nghề trồng mai xã Tân Tây được UBND tỉnh công nhận làng nghề.

Đến năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn phát triển du lịch Long An đến năm 2030. Thời điểm này, những người trồng mai tất bật chăm sóc, mang đến cho thị trường những “tuyệt tác mùa xuân” phục vụ Tết Nguyên đán.

Anh Nguyễn Tấn Được (ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) chăm sóc mai cho thị trường ngay sau tết

Anh Nguyễn Tấn Được (ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) “bén duyên” với cây mai vàng cách đây gần 20 năm và cũng là một trong những hộ trồng mai đầu tiên của địa phương.

Ban đầu, anh chỉ trồng vài cây mai quanh nhà để ngắm hoa vào dịp tết. Tuy nhiên, từ niềm đam mê, anh nhận thấy giá trị kinh tế của cây mai và quyết tâm phát triển thành một nghề bền vững.

Những năm đầu, anh Được tự mua hạt mai về ươm trồng. Khi đó, Internet chưa phổ biến, kiến thức về trồng mai chủ yếu anh học từ sách vở, báo, đài, kinh nghiệm qua từng năm trồng và những lần đi học tập tại các địa phương khác.

Nhờ sự kiên trì, anh Được dần phát triển từ vài trăm gốc mai ban đầu lên hơn 3.000 gốc với diện tích hơn 2,2ha. Hiện nay, vườn nhà anh Được chủ yếu trồng mai vàng 5 cánh, 7 cánh,...

Mỗi năm, anh cung cấp khoảng 500 gốc mai vàng ra thị trường, đa số là những cây 4-5 năm tuổi với mức giá dao động từ 1,5-5 triệu đồng. Không ít cây đặc biệt có giá trị lên đến 150 triệu đồng nhờ vào độ tuổi, hình dáng và vẻ “duyên dáng”.

Anh Được chia sẻ: “Trước đây, giá trị cây mai phụ thuộc nhiều vào bộ rễ, còn ngày nay, yếu tố quyết định nằm ở vẻ đẹp của hoa cùng với độ tuổi, độ khỏe của rễ, thân, nhánh và sự hài hòa tổng thể của cây. Người trồng phải thực sự đam mê, yêu nghề thì mới có thể sống được với nghề. Hai năm đầu là giai đoạn khó nhất vì cây còn nhỏ, dễ bị sâu, bệnh, người trồng phải chăm sóc từng chút một để tạo dáng và định hình cho cây”.

Tết này, anh Được dự kiến bán ra thị trường khoảng 70 gốc mai, phần lớn tập trung vào thị trường ngay sau tết. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của người chơi mai hay muốn mua cây về chăm sóc cho mùa tết năm sau. Anh dự kiến cung cấp khoảng 500 gốc mai vào dịp Tết Nguyên đán Bính Ngọ năm 2026, với hy vọng mang lại một mùa xuân trọn vẹn cho những người yêu mai vàng.

Rộn ràng tiếng trống xuân

Những ngày cận Tết Nguyên đán, Làng trống Bình An rộn ràng tiếng đục đẽo, thử trống “cắc tùng cắc tùng” của gần 20 hộ dân.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn An (ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) tranh thủ hoàn thành các đơn đặt hàng, kịp giao cho các đoàn lân - sư - rồng, miếu, chùa,... trong tháng Chạp. Anh An bắt đầu công việc lúc 5-6 giờ hàng ngày nhưng gần tết, khối lượng công việc nhiều nên anh phải thức giấc lúc từ 1-2 giờ sáng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn An (ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) kiểm tra chất lượng trống trước khi giao đến tay khách hàng

“Số lượng đơn đặt hàng vào dịp tết tăng gấp đôi so với bình thường, riêng tháng Chạp, tôi nhận 32 đơn. Để hoàn thành 1 chiếc trống phải tốn nhiều thời gian, có khi vài tháng. Tùy kích thước và loại trống, mỗi chiếc sẽ có giá từ 400.000 đồng đến vài chục triệu đồng” - anh An chia sẻ.

Theo thông lệ hàng năm, anh thường nhận các đơn tết từ tháng 8 đến tháng Chạp và hoàn thành trước đêm 29, 30 tết. Có nhiều năm không làm kịp, vợ chồng anh An phải làm luôn mùng 1, mùng 2 để kịp giao cho khách.

Gần Tết Nguyên đán, nhiều đoàn lân - sư - rồng trong tỉnh đến Cơ sở trống lân Năm Mến (ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) để thử trống

Trong nghệ thuật múa lân - sư - rồng, tiếng trống đóng vai trò thay cho tiếng pháo, mang đến không khí rộn ràng, tươi vui trong những ngày đầu xuân.

Theo anh An, để tiếng trống được vang, người thợ cần có tay nghề cao. “Tùy từng vùng, miền, nhu cầu sử dụng, mỗi loại trống sẽ có yêu cầu âm thanh khác nhau. Đối với trống lân, âm thanh phải thúc giục, rộn ràng, còn với tiếng trống chùa thì có độ vang và thanh âm trầm bổng. Để cho ra được các âm thanh khác nhau, người thợ phải cảm âm tốt, tỉ mỉ trong công đoạn xử lý da trâu, bịt trống, đóng đinh,...” - anh An nói.

Trước sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm trống lân công nghiệp, anh An vẫn nỗ lực làm việc, kế thừa truyền thống lâu đời của gia đình.

Năm 2023, thương hiệu Trống lân Năm Mến được UBND tỉnh trao tặng Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và bắt đầu xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử. Đây là động lực lớn giúp anh An tiếp tục phấn đấu, truyền lửa nghề cho thế hệ con cháu.

Dù thời cuộc đổi thay nhưng anh vẫn tâm niệm “làm trống bằng cái tâm”, luôn chỉn chu trong các khâu sản xuất. Nhờ vậy, những chiếc trống cơm, trống bát nhã, trống chùa,... có tuổi thọ hàng thập kỷ.

Theo nghề làm trống truyền thống được 5 năm, anh Huỳnh Anh Khoa (phường 5, TP.Tân An) cho biết: “Trước đây, tôi làm thợ sơn PU, được người em họ giới thiệu nên tôi chuyển hướng sang sơn PU, đóng thùng trống,...Trong quá trình làm trống, tôi gặp không ít khó khăn như ê ẩm cả người do phải dùng lực mạnh rút dây trống, thường xuyên bị đứt tay, chân,... Nhưng vì yêu nghề nên tôi luôn cố gắng, mong muốn giao đến tay người dùng sản phẩm chất lượng”.

Tết Nguyên đán cận kề, anh Khoa bận rộn hơn ngày thường. Ngày nào anh cũng đến cơ sở trống từ tờ mờ sáng và ra về lúc 22-23 giờ khuya. “Ngày nào làm việc cũng nghe tiếng “cắc tùng cắc tùng” vang khắp xóm làm tôi cũng nôn tết, chỉ muốn nhanh chóng làm xong để đón tết cùng gia đình” - anh Khoa vui vẻ nói.

Tết đến, xuân về, những làng nghề truyền thống như Làng mai Tân Tây, Làng trống Bình An lại càng trở nên sôi động. Không chỉ là nơi sản xuất ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, có giá trị kinh tế cao, các làng nghề còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và tỉnh nhà nói riêng./.

Làng trống Bình An hiện còn khoảng 20 hộ dân gắn bó với nghề. Hội Nông dân xã tích cực hỗ trợ các hộ dân thông qua nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm qua website và mạng xã hội. Đặc biệt, huyện Tân Trụ xây dựng tour du lịch kết nối làng nghề làm trống với các địa điểm như Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo và con đường hàng cau vua (hay còn được gọi là con đường Hạnh phúc), góp phần thu hút du khách đến với địa phương”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ - Nguyễn Tấn Thành

Từ năm 2023, tôi tận dụng vườn trồng mai sẵn có phát triển du lịch nông thôn với mô hình dịch vụ du lịch có tên Ba Thủy Trăm Điều May. Tôi mong muốn kết hợp giữa việc bảo tồn làng nghề trồng mai truyền thống với khai thác giá trị du lịch nông thôn. Qua đó, tạo cơ hội để du khách trải nghiệm cảnh quan sinh thái, hiểu thêm về văn hóa và đời sống người dân nơi đây. Mỗi ngày, địa điểm đón từ 20-30 lượt khách, có cả những đoàn từ tỉnh Sóc Trăng, TP.Cần Thơ, giúp làng nghề ngày càng được biết đến rộng rãi hơn”.

Ông Huỳnh Văn Thủy (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa)

Điểm du lịch nông thôn Ba Thủy Trăm Điều May (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) của  ông Huỳnh Văn Thủy được xây dựng đậm chất miền Tây

Ngọc Hân - Khánh Duy

Chia sẻ bài viết