Tiếng Việt | English

04/09/2024 - 09:17

Khi quê người cũng là quê hương thứ 2

Những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9 vừa qua, trong khi nhiều công nhân (CN) về quê thì cũng có không ít người chọn ở lại nhà trọ vì nhiều lý do khác nhau. Họ rời quê đến Long An sinh cơ, lập nghiệp, nhờ chăm chỉ, nhờ địa phương, doanh nghiệp tạo điều kiện mà dần có của ăn, của để. Bởi vậy, với họ, nhà trọ cũng như nhà mình, quê người và quê mình không khác mấy.

Anh Nguyễn Thanh Tùng (chủ nhà trọ Vương Thị Thu Nga, ấp 7A, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) dẫn chúng tôi đến phòng trọ của anh Lê Tấn Nguyệt khi anh đang chuẩn bị bữa trưa. Thấy vậy, anh Tùng trêu: “Nay bị bà xã bỏ đói hả anh?”. “Ờ, hôm qua lau nhà không sạch nên bữa nay bị phạt nè” - anh Nguyệt vừa cười, vừa đáp.

Những câu bông đùa như vậy diễn ra thường xuyên ở dãy trọ này. Anh Tùng hỏi thế chứ thừa biết vợ anh Nguyệt về Tiền Giang thăm con. Anh Nguyệt và vợ là CN công ty thủy sản gần đó. Do công việc đôi khi tăng ca nhiều nên anh chị gửi con cho ông bà nội chăm sóc, mỗi tháng về thăm 2 lần.

Lễ 02/9 năm nay, do tính chất công việc nên anh ở lại. Anh Nguyệt nói: “Tôi làm xuyên lễ được hưởng lương theo quy định Nhà nước, tiền nhiều hơn ngày thường, làm quen nên không thấy vất vả gì”.

Anh Lê Tấn Nguyệt nấu bữa trưa vì vợ đã về quê thăm con

Cách phòng anh Nguyệt mấy căn là phòng của gia đình anh Trần Ngọc Diễn. Anh Diễn và anh Nguyệt vừa là đồng nghiệp, vừa là lối xóm "tối lửa tắt đèn" có nhau.

Lễ năm nay, anh Diễn được nghỉ 3 ngày nhưng nghe đài báo mưa nhiều nên quyết định không về Sóc Trăng. Mặt khác, mỗi ngày, anh làm ca 11 tiếng, ít có thời gian cho gia đình. Anh muốn dành trọn mấy ngày nghỉ lễ cho vợ con, còn vài tháng nữa tết về luôn thể.

Anh Diễn kể, hồi đó khổ lắm, vợ chồng đi cắt lúa mướn “mùa lặn, mùa hụp”, tới hồi máy gặt đập liên hợp thịnh hành thì dắt díu nhau lên đây làm CN.

Ban đầu, anh chị chỉ mong kiếm cơm ngày 3 bữa nhưng không ngờ giờ dư ăn, dư để. Có tháng tăng ca nhiều, tiền rủng rỉnh, tuy mệt chút nhưng nhìn bữa cơm sung túc có thịt, có cá, nhìn vợ con vui vẻ nói cười, anh lại có động lực để làm tiếp.

Bữa cơm của gia đình anh Trần Ngọc Diễn

“Chiều làm lai rai không Tùng?”. Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và anh Diễn bị cắt ngang bởi câu hỏi ấy. Người nói là anh Của, kiêm nhiều vai trò tại đây. “Lai rai” mà anh nói là mọi người góp tiền mua đồ về nướng và uống nước ngọt. Không uống rượu, bia để bảo đảm an ninh, trật tự từ lâu trở thành nét văn hóa của dãy trọ này.

8 năm trước, anh Của cũng là người thuê trọ. Lâu ngày dài tháng, chủ trọ thấy anh đàng hoàng, có trách nhiệm, gia cảnh lại khó khăn nên nhờ sửa điện, nước, bảo trì khu trọ để có thêm thu nhập.

Trước đó, anh Của làm thợ hồ, còn vợ làm CN. Nhờ được hưởng lương “2 đầu” nên anh kêu vợ nghỉ, ở nhà anh lo. Chị thương anh nên cũng tần tảo bán buôn phụ chồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chẳng bao lâu anh chị thoát nghèo, cất căn nhà dưới Kiên Giang, sắm ghe, mua xe “cho có với người ta”.

Bởi kinh tế ổn nên gia đình anh Của về quê hoài, thành thử ở lại dịp lễ này chẳng khiến anh chị buồn, các con cũng vui vẻ vì được quấn quýt suốt ngày bên cha mẹ.

Gia đình anh Của cùng quây quần ăn cơm trưa

Tại dãy trọ văn hóa này, mỗi phòng đều khá tiện nghi. Anh Tùng cho biết, nhờ chăm chỉ làm ăn mà họ sắm sửa đủ đầy, gần 90 người thuê trọ không có ai thuộc diện khó khăn. Ý thức rằng người thuê trọ là khách hàng nên anh Tùng tạo môi trường sống tốt nhất cho họ, để họ thấy Long An là quê hương thứ 2, là nơi giúp họ “đổi đời”.

Chúng tôi rời xóm trọ CN, nhiều người mời “rảnh ghé chơi nghen!”. Chúng tôi biết đó không phải lời hứa hẹn xã giao, bởi người miền Tây vốn thiệt tình, chân chất./.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết