Tiếng Việt | English

16/01/2023 - 10:47

Khi tiến sĩ làm nông dân

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thanh Khiết (huyện Cần Giuộc) là đại diện duy nhất của tỉnh Long An được vinh danh Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 4 năm 2022. Công trình nghiên cứu của anh đang phát huy hiệu quả tích cực, hứa hẹn mang lại sản phẩm chất lượng cho thị trường cũng như nguồn thu nhập cao, ổn định cho nông dân trồng lan rừng.

Duyên nợ với cây lan

Một ngày của TS Nguyễn Thanh Khiết thường bắt đầu từ 3 giờ sáng. Đó là thời điểm anh kiểm tra, xử lý và giao việc cho tất cả các công ty, đơn vị mình đang vận hành tại nhiều tỉnh, thành khác nhau. Hiện TS Nguyễn Thanh Khiết là Giám đốc Công ty (Cty) Yến Thạch Hộc, Cty Hoa LangBiang và Hợp tác xã (HTX) Hoa lan Phước Lại (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) với 12 thành viên.

Ngoài ra, anh còn quản lý 6 phòng cấy mô, 6 vườn lan rộng tại các tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, TP.HCM, Đồng Nai để làm vườn vệ tinh cho Cty Yến Thạch Hộc. Mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý từ xa đều được anh xử lý hoàn tất trước 7 giờ 30 phút. Phần thời gian còn lại trong ngày, anh dành gần như toàn bộ cho việc nghiên cứu, phát triển các giống lan rừng mới cũng như hoàn thiện quy trình, chia sẻ và nhân rộng mô hình nuôi trồng, sản xuất dược liệu đông trùng Yến Thạch hộc.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Khiết tại Lễ vinh danh Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 4 (Ảnh: nvcc)

Giống như những nông dân miền Tây thực thụ, TS Nguyễn Thanh Khiết “đậm người”, nước da màu bánh mật và nụ cười hiền. Công việc nghiên cứu của anh chủ yếu gắn liền với vườn lan rừng của HTX Hoa lan Phước Lại. Giữ vai trò Giám đốc HTX nhưng mỗi ngày, anh đều cặm cụi với từng gốc lan, tỉ mỉ chăm sóc từ khi cây lan còn là mầm sống nhỏ đến lúc trở thành chậu lan quý với giá trị kinh tế cao.

TS Nguyễn Thanh Khiết kể, “mối duyên” của anh với hoa lan bắt đầu từ những vò lan mà ba anh trồng làm cảnh trước sân nhà. Vì say mê vẻ đẹp của hoa lan mà chàng trai Thanh Khiết tự mày mò học cách chăm sóc, nhân giống và sưu tầm hoa lan, đặc biệt là lan rừng. Những kiến thức học được từ trường đại học như “chắp thêm cánh” cho anh. Chưa tốt nghiệp đại học, sinh viên Nguyễn Thanh Khiết thành lập và trực tiếp điều hành nhiều phòng cấy mô tại TP.HCM, chuyên cung cấp giống lan rừng cho thị trường trong và ngoài nước. Anh Thanh Khiết chính thức bước vào hành trình sưu tầm, bảo tồn các giống lan rừng quý từ đó đến nay.

Để có được giống lan rừng tốt, anh không ngại đi tới những nơi xa xôi, hẻo lánh, bỏ thời gian, công sức tuyển chọn từng gốc lan rừng đem về bảo tồn, nhân giống. Hiện tại, anh Thanh Khiết có trên 2.000 giống lan rừng, trong đó, khoảng 300 loài lan quý, có những loài gần như không còn ngoài môi trường tự nhiên ở Việt Nam như lan Thạch hộc tía.

Sau khi tốt nghiệp đại học, mặc dù được nhà trường giữ lại làm công tác giảng dạy và nghiên cứu nhưng anh Thanh Khiết vẫn quyết định về lại quê nhà (huyện Cần Giuộc). Anh cùng một số anh em thành lập HTX Hoa lan Phước Lại và duy trì hoạt động hiệu quả cho đến ngày nay. Mô hình trồng hoa lan rừng hữu cơ theo hình thức “trên lan, dưới cá” của anh mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên HTX và nhiều hộ nông dân khác trong vùng. Không cần dùng bất cứ sản phẩm phân bón nào, vườn lan rừng trên ao cá của TS Nguyễn Thanh Khiết vẫn phát triển tốt, sai hoa. Bí quyết duy nhất của mô hình Trên lan, dưới cá chính là tính toán mật độ cá cho phù hợp để cung cấp vừa đủ lượng phân cá vào nước tưới lan, giúp lan phát triển tốt. Ứng dụng mô hình Trên lan, dưới cá, nông dân vừa tiết kiệm chi phí phân bón trong quá trình chăm sóc lan, vừa có thêm nguồn thu nhập từ cá trong vườn lan.

“Cha đẻ” của Đông trùng Yến Thạch Hộc Tía

Thành công của mô hình Trên lan, dưới cá cũng như của HTX Hoa lan Phước Lại vẫn chưa khiến TS Nguyễn Thanh Khiết hài lòng. Trong quá trình nghiên cứu, bảo tồn, chăm sóc hoa lan rừng, TS Nguyễn Thanh Khiết không ngừng phân tích, lai tạo các giống lan để cho ra các giống lan rừng mới có đặc tính nổi bật, phục vụ nhu cầu của thị trường. Trong quá trình nghiên cứu, TS nhận ra những đặc tính nổi bật và quý hiếm của lan Thạch hộc tía. Với quyết tâm phải tận dụng được những dược tính quý của lan Thạch hộc tía phục vụ đời sống, anh bắt đầu công trình nghiên cứu Bảo tồn gen lan Thạch hộc tía trong phòng nuôi cấy mô lan và chuyển đổi sang trồng theo mô hình Trên lan, dưới cá. Sau đó, anh tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm Đông trùng Yến Thạch hộc với dược tính cao, tốt cho sức khỏe, có thể phục vụ ngành chế biến dược.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Khiết kiểm tra mầm lan Thạch hộc tía tại vườn ươm Hợp tác xã Hoa lan Phước Lại

TS Nguyễn Thanh Khiết cho biết, để cây lan Thạch hộc tía phát triển tốt và có dược tính cao thì sau thời gian ươm giống trong vùng khí hậu nóng ẩm, cây phải được trồng ở vùng ôn đới, có khí hậu mát mẻ. Chính vì thế, HTX Hoa lan Phước Lại hiện là điểm cung cấp cây giống hoa lan Thạch hộc tía cho các vườn lan vệ tinh của anh tại tỉnh, thành khác.

Trong khuôn viên HTX, anh cùng cộng sự của mình xây dựng phòng nuôi trồng đông trùng hạ thảo, bước đầu mang lại hiệu quả. Các sản phẩm Đông trùng Yến Thạch hộc tươi, Đông trùng Yến Thạch hộc khô, Đông trùng Yến Thạch hộc cấy trên củ sâm măng đen, sâm bố chính và Đông trùng Yến Thạch hộc tuyết sơn,... sau khi kiểm định chất lượng đều đạt yêu cầu và dược tính, độ an toàn khi sử dụng cho y học và nhận được phản hồi tốt từ người sử dụng. Hiện tại, HTX Hoa lan Phước Lại làm hồ sơ đề nghị công nhận OCOP 4 sao cho một số sản phẩm từ Đông trùng Yến Thạch hộc.

Cùng với những thành công bước đầu của công trình nuôi, trồng đông trùng Yến Thạch hộc, TS Nguyễn Thanh Khiết đang từng bước hướng dẫn các thành viên HTX cũng như các nông dân khác về cách thức ươm và chăm sóc giống lan Thạch hộc tía cũng như cách nuôi trồng Đông trùng Yến Thạch hộc. Ngoài ra, anh cũng đang thử nghiệm mô hình Nuôi cua lột thay cho cá trong vườn lan rừng nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Anh dự định, nếu mô hình thành công sẽ chia sẻ kinh nghiệm với nông dân trong vùng. TS Nguyễn Thanh Khiết nói: “Tôi không ngần ngại việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như kết quả các công trình nghiên cứu của mình để các hộ dân khác cùng thực hiện và thành công. Tôi tin rằng muốn phát triển bền vững, cần có sự phối hợp cùng nhau”./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết