Tiếng Việt | English

07/08/2024 - 14:52

Khoa học tìm ra tần suất đi đại tiện tốt nhất

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y sinh Cell Reports Medicine cho thấy tần suất đi đại tiện nói lên rất nhiều điều về sức khỏe và tìm ra tần suất "hoàn hảo" phản ánh sức khỏe tốt nhất.

Các nhà khoa học tại Viện Sinh học hệ thống ở Seattle, bang Washington (Mỹ), đã kiểm tra thói quen sinh hoạt của hơn 1.400 người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 19 đến 89 và số lần họ đi tiêu trong một tuần.

Tần suất đi đại tiện nói lên rất nhiều điều về sức khỏe. (Ảnh: Pexels)

Tùy theo tần suất đi tiêu, những người tham gia được chia thành 4 nhóm:

- Táo bón: Đại tiện 1 - 2 lần/tuần

- Hơi ít: 3 - 6 lần/tuần

- Hơi nhiều: 2 - 3 lần/ngày

- Quá nhiều: Từ 4 lần trở lên một ngày.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu phân và máu của những người tham gia, đồng thời khảo sát về việc tập thể dục, lối sống và thói quen ăn uống cũng như sức khỏe tâm thần, mức độ căng thẳng của họ.

Các tác giả nhận thấy tuổi tác, giới tính và cân nặng có liên quan đáng kể đến tần suất đi tiêu.

Kết quả nghiên cứu đã phát hiện con số "hoàn hảo" là từ 1 - 2 lần mỗi ngày. Những người ăn nhiều chất xơ, tập thể dục thường xuyên và uống đủ nước có nhiều khả năng đạt được tần suất lý tưởng này, theo tờ Daily Mail.

Đáng chú ý, những người táo bón và đi tiêu quá nhiều có lượng vi khuẩn liên quan đến quá trình lên men protein cao hơn.

Những người táo bón và đi tiêu quá nhiều có liên quan đến tổn thương gan, thận và bệnh mạn tính. (Ảnh: Pexels)

Đặc biệt, những người táo bón có nồng độ các sản phẩm phụ lên men protein trong máu cao hơn. Những sản phẩm phụ như p-cresol-sulfate và indoxyl-sulfate có thể gây tổn thương thận.

Riêng ở những người đi tiêu quá nhiều, nồng độ hóa chất liên quan đến tổn thương gan tăng cao.

Đặc biệt, nồng độ indoxyl-sulfate trong máu có liên quan đáng kể đến việc giảm chức năng thận. Điều này cho thấy tần suất đại tiện và chuyển hóa vi khuẩn đường ruột có liên quan đến tổn thương nội tạng ở người khỏe mạnh.

Tác giả nghiên cứu chính, tiến sĩ Johannes Johnson-Martinez, cho biết: Lên men protein sẽ tạo ra một số chất độc có thể xâm nhập vào máu. Quá trình này tạo ra các sản phẩm phụ có hại làm tổn thương gan, thận và gây ra các bệnh mạn tính.

Thành viên nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Sean Gibbons, cho biết: Táo bón lâu dài có thể gây ra bệnh thận mạn tính. Nghiên cứu này cho thấy tần suất đi tiêu có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và tần suất đi tiêu bất thường có thể dẫn đến bệnh mạn tính, theo Daily Mail./.

Thời gian nào đi vệ sinh tốt nhất trong ngày?

Thời gian nào đi vệ sinh tốt nhất trong ngày?

Theo các chuyên gia, chế độ đi đại tiện lý tưởng thực sự là mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng.

Theo thanhnien.vn

Nguồn: https://thanhnien.vn/khoa-hoc-tim-ra-tan-suat-di-dai-tien-tot-nhat-185240717212538778.htm

Chia sẻ bài viết