Tiếng Việt | English

07/04/2017 - 21:18

Khoảng 4% dân số Việt Nam đang bị mắc chứng rối loạn trầm cảm

Các em học sinh biểu diễn tiết mục đồng diễn tại buổi lễ míttinh hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động tại Việt Nam.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2015, Việt Nam có khoảng 3.564.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số.

Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại buổi míttinh hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới (7/4), với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm,” diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Các nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác. Trên thế giới, mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở độ tuổi 15-29. Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có gần 5.000 người tử vong do tự tử.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trầm cảm đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu cũng như Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, trầm cảm thường xảy ra ở những người bị căng thẳng, bị sang chấn tâm lý trong cuộc sống, học tập, trong quan hệ gia đình, xã hội hoặc sau khi mắc bệnh khác. Hậu quả của trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động của người bệnh và dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát và có thể là tự tử.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chương trình can thiệp mới chỉ triển khai thí điểm tại một số địa phương trên quy mô nhỏ. Do vậy, hầu hết những người bị trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý điều trị và chăm sóc đầy đủ, đồng thời đa số người dân còn chưa có hiểu biết đúng về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm.

Tiến sỹ Lại Đức Trường - Chuyên gia Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung ở Việt Nam đã từng bước được quan tâm, tuy nhiên đối với hoạt động phòng, chống trầm cảm nói riêng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ông cho biết, công tác đầu tư nguồn kinh phí so với nhu cầu cần có vẫn còn khiêm tốn hơn nhiều nước khác, vì vậy, hệ thống giám sát, thông tin của sức khỏe tâm thần chưa đầy đủ.

Chính vì vậy, Bộ Y tế coi trầm cảm là một vấn đề ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần. Để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, ngành y tế cần tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, chăm sóc cùng với phối hợp để phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người mắc bệnh ở cộng đồng.

Nhân dịp này, Bộ Y tế cũng đề nghị Tổ chức Y tế thế giới, các cơ quan, tổ chức quốc tế và trong nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan để phối hợp, hỗ trợ, cùng chung tay phòng, chống trầm cảm nói riêng và chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung./. 

Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm.

7 dấu hiệu chính của người bị trầm cảm: Hay buồn chán; Mệt mỏi, ngại làm việc; Giảm hứng thú; Rối loạn giấc ngủ; Chán ăn, ăn không ngon; Khó tập trung khi làm việc, đãng trí, hay quên; Bi quan, giảm tự trọng, giảm lòng tin, nặng thì có ý định tự sát.

Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm: Hãy trò chuyện với mọi người, hãy nói với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và chữa trị trầm cảm. Mọi người hãy tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.

Thùy Giang/TTXVN

Chia sẻ bài viết