Không để "mất bò mới lo làm chuồng"
Các mô hình đã khơi dậy ý thức người dân chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh, bắt giữ tội phạm”.
Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh
|
Hơn 1 năm trước, sau một đêm ngủ dậy, ông Nguyễn Văn Dư, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An phát hiện chiếc xe ba gác trị giá mấy chục triệu đồng đậu trên lề đường phía trước nhà biến mất. Trích xuất camera ở gần đó thì thấy xe ba gác bị một nhóm đối tượng lấy trộm lúc đêm khuya.
Sau lần bị mất trộm, ông Dư cảnh giác hơn, khóa cửa khi đi ra ngoài, cất giữ tài sản cẩn thận. Cứ mỗi chiều tối, ông cho chiếc xe ba gác - phương tiện "kiếm cơm" hàng ngày vào trong nhà và khóa rất cẩn thận. 1 ổ khóa chưa đủ, ông khóa hẳn 3 ổ với những loại khác nhau, loại nào cũng đắt tiền.
Đến nhà dân tuyên truyền phòng, chống tội phạm
"Phải cẩn thận đề phòng, cảnh giác chứ lơ là, chủ quan là rất dễ trở thành miếng “mồi ngon” cho bọn trộm, cướp. Còn cứ để "mất bò mới lo làm chuồng" thì muộn rồi" - ông Dư chia sẻ.
Ở huyện Đức Hòa, nông dân thường dẫn bò ra ruộng, đóng cọc và cho ăn cỏ trên đồng vào mỗi sáng sớm, thỉnh thoảng ra thăm chừng. Có hôm, ra đồng cỏ thì không thấy con bò đâu cả, nông dân quýnh quáng chạy tìm. Trước thực trạng này, một số hộ dân ở xã Đức Lập Hạ trình báo công an. Với nông dân, con bò là tài sản lớn. Chuyện mất bò khiến nhiều người bức xúc. Nhận tin báo, Công an huyện Đức Hòa thành lập chuyên án để đấu tranh, làm rõ.
Lực lượng trinh sát tỏa đi, sàng lọc đối tượng khả nghi; đồng thời, “nằm vùng” ở những địa điểm, khu vực mà khả năng bọn trộm tiếp tục ra tay. Sau đó không lâu, lực lượng cảnh sát theo dõi và bắt quả tang băng nhóm dắt trộm bò, lùa lên thùng xe ôtô tải đậu sẵn.
Qua đấu tranh khai thác, băng trộm khai lợi dụng sơ hở của nông dân thường cột bò ăn cỏ ở ngoài ruộng nên theo dõi để bắt trộm. Sau khi đưa bò lên thùng xe tải, bọn chúng chở về Tây Ninh để bán lấy tiền tiêu xài.
Một đối tượng cướp bị công an, người dân bắt giữ
"Chuyên án được triệt xóa thành công, người dân rất phấn khởi. Cũng từ đó, chúng tôi thường nhắc nhau cột bò ở nơi gần nhà, dễ thấy, chuồng trại phải đóng cửa cẩn thận vào ban đêm” - anh N.T.T., ngụ ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, người từng bị trộm bò, cho biết.
Trong những đợt tuyên truyền phòng, chống tội phạm, công an và các cấp chính quyền, đoàn thể đều thông tin những thủ đoạn, phương thức của các loại tội phạm. Trong đó, phải kể đến những loại tội phạm liên quan đến trật tự xã hội như trộm cắp, cướp giật.
Người dân thường được khuyến cáo đề phòng trộm cắp như khi ra ngoài, lúc ngủ phải khóa cửa, kiểm tra kỹ; tài sản có giá trị cần cất ở những nơi an toàn cao; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải có lực lượng bảo vệ trực thường xuyên. Để đề phòng cướp giật thì phụ nữ ra đường không nên đeo nhiều trang sức vàng, nếu đeo nên mặc áo có cổ, dài tay che lại; hạn chế đi đêm khuya ở những nơi, tuyến đường thanh vắng; túi, giỏ xách không treo ở trước xe;…
Ông Nguyễn Văn Nam, ngụ xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, nói: Phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội không chỉ là trách nhiệm của riêng lực lượng công an mà là của toàn dân. Theo đó, để phòng, chống hiệu quả, người dân cần thực hiện tốt phương châm “tự phát, tự giác, tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”.
Phát huy sức mạnh từ nhân dân
Để tạo sự lan tỏa, đồng lòng, chung sức của toàn dân, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng công an thường xuyên học hỏi, nghiên cứu những mô hình phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) hiệu quả để áp dụng vào thực tiễn. Mô hình được thành lập phải phù hợp đặc thù của địa bàn. Trong đó, địa bàn phát triển công nghiệp, có nhiều lao động nhập cư tạm trú thì sẽ có những mô hình gắn với an ninh công nhân, bảo đảm ANTT nhà trọ, phòng, chống "tín dụng đen", các tệ nạn ma túy, đánh bạc,... Ở địa bàn biên giới, các mô hình thường gắn phòng, chống tội phạm với quốc phòng - an ninh như bảo vệ chủ quyền, đường biên, cột mốc; phòng, chống buôn lậu, ma túy,... Những mô hình phòng, chống tội phạm, BVANTQ còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật; có tác dụng trong răn đe, ngăn ngừa vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Các lực lượng phối hợp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh, trật tự
Theo báo cáo phong trào Toàn dân BVANTQ, trên địa bàn tỉnh có gần 120 mô hình. Điển hình như mô hình Đội dân phòng liên xã phòng, chống tội phạm huyện Bến Lức, thành lập từ năm 2008 và duy trì khoảng 10 thành viên cùng hành nghề chạy Honda khách.
Ngoài công việc mưu sinh, khi phát hiện hoặc có tin báo tội phạm, các thành viên Đội dân phòng sẽ phối hợp công an đón chặn, bắt giữ. Từ khi hoạt động đến nay, Đội phối hợp lực lượng công an và người dân bắt giữ hơn 500 đối tượng phạm tội các loại, thu hồi trên 400 xe môtô và nhiều tài sản có giá trị khác.
Mô hình Cổng rào ANTT được triển khai trên địa bàn huyện Tân Thạnh từ năm 2013 và duy trì đến nay. Hiện toàn huyện bố trí, gắn gần 100 cổng rào ANTT làm bằng khung sắt ở các tuyến đường, địa điểm trọng yếu. Khi địa bàn xảy ra trộm, cướp thì ngay lập tức, người dân được thông tin kéo cổng đóng chặn để vây bắt.
Hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự gắn dọc đường
Mô hình Camera giám sát ANTT được triển khai nhân rộng từ năm 2015. Đến đầu năm 2021, trên toàn tỉnh lắp đặt gần 54.000 camera. Trong đó, địa phương, cơ sở lắp đặt được gần 5.000 camera trên các tuyến giao thông, tại các ngã ba, ngã tư đường, khu dân cư, nơi công cộng. Hệ thống camera giúp lực lượng công an quan sát, nắm rõ hơn địa bàn, nhận dạng, truy tìm, bắt nhanh đối tượng phạm tội; xử lý chính xác các vụ việc vi phạm hành chính, tai nạn giao thông; phát hiện, giải tán kịp thời các băng, nhóm tụ tập đêm khuya gây mất trật tự công cộng, đua xe; hạn chế đổ rác bừa bãi.
Thượng tá Ngô Văn Nho - Phó Trưởng phòng Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân BVANTQ Công an tỉnh, cho biết: "Nhiều mô hình phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT đã huy động được sức dân tham gia bảo vệ sự bình yên của xã hội".
Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, các mô hình đã khơi dậy ý thức người dân chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh, bắt giữ tội phạm. "Hàng năm, người dân cung cấp rất nhiều thông tin có giá trị cho công an để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Nhờ đó, nhiều vụ việc được giải quyết nhanh ngay tại cơ sở" - Đại tá Phạm Thanh Tâm cho biết.
Thông qua các mô hình BVANTQ, phòng, chống tội phạm, người dân còn tích cực tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng; hòa giải nhiều vụ việc, gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Qua đó, hạn chế phát sinh, xảy ra những vụ việc vi phạm pháp luật cũng như phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là ngăn ngừa các tội phạm nghiêm trọng như gây thương tích, giết người do nguyên nhân xã hội./.
Nhiều mô hình phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự đã huy động được sức dân tham gia bảo vệ sự bình yên của xã hội”.
Thượng tá Ngô Văn Nho - Phó Trưởng phòng Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh
|
Lê Đức