Không được nuôi chim yến trong khu vực nội thành thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình chăn nuôi của tỉnh trong thời gian qua đã có sự chuyển biến về tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, công tác vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tình hình chăn nuôi còn nhiều bất cập, hình thức chăn nuôi nhỏ, lẻ chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%). Công tác phòng, chống dịch bệnh chưa được người chăn nuôi nhỏ, lẻ chú trọng. Chăn nuôi nhỏ, lẻ không bền vững, nguy cơ mất an toàn về dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường cao.
Đối với việc nuôi chim yến thời gian qua, trên địa bàn tỉnh khá phát triển. Hiện toàn tỉnh có hơn 120 cơ sở nuôi chim yến đang hoạt động tại 10/15 huyện, thị xã, thành phố. Thế nhưng, hoạt động nuôi chim yến chủ yếu mang tính tự phát, thiếu kiểm soát. Đa số cơ sở nuôi nằm trong khu dân cư, trong đó có trên 70% cơ sở xây mới, 30% cơ sở thay đổi thiết kế từ nhà ở. Hầu hết hộ gia đình, cá nhân tự ý xây nhà nuôi chim yến không có giấy phép xây dựng hoặc có giấy phép xây dựng nhà ở nhưng tự ý cải tạo, thay đổi công năng thành nhà nuôi chim yến.
Bà Nguyễn Thị Liên, ngụ thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, cho rằng: “Việc nuôi chim yến tràn lan sẽ tạo ra những hệ lụy như ô nhiễm môi trường từ phân chim và ô nhiễm tiếng ồn, mất mỹ quan đô thị; đồng thời, việc này cũng khó kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, mối quan hệ với láng giềng...”.
Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động nuôi chim yến, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý; xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở nuôi; tăng cường kiểm tra việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong khai thác, sơ chế và bảo quản sản phẩm từ tổ yến trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương cần định kỳ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để kiểm soát dịch bệnh cúm gia cầm; phối hợp giám sát tình hình dịch bệnh trên chim yến để có biện pháp xử lý hiệu quả.
Song song đó, thời gian gần đây, không cho phép xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư. Đối với những dự án nuôi yến phải hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy,... theo quy định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021), diễn ra trong 2 ngày 08 và 09/7/2020 đã thông qua NQ quy định khu vực không được phép chăn nuôi và quy định vùng được nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Theo đó, NQ quy định, khu vựcthuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Còn vùng được nuôi chim yến là nơi không thuộc khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Truyền, đối với các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi đã xây dựng và hoạt động trước ngày NQ này có hiệu lực thi hành nhưng thuộc khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thì trong thời hạn 5 năm kể từ ngày NQ này có hiệu lực thi hành phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Đối với các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi đã xây dựng và hoạt động trước ngày NQ này có hiệu lực thi hành không thuộc khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư và không đáp ứng điều kiện chăn nuôi thì trong thời hạn 5 năm kể từ ngày NQ này có hiệu lực thi hành phải hoàn thiện điều kiện chăn nuôi đáp ứng theo quy định của pháp luật.
Đối với các tổ chức, cá nhân có nhà yến đã hoạt động trước ngày NQ này có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định “nằm ngoài nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư” thì giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, không được sử dụng loa phóng phát âm thanh đồng thời phải đáp ứng các quy định khác tại khoản 2, Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ./.
Lê Đức