Tiếng Việt | English

27/06/2021 - 10:02

Kiến nghị một loạt các giải pháp về tài chính để 'vực' hàng không Việt

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng hàng không Việt Nam đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao.

Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam nằm sân tại Nội Bài do ảnh hưởng của dịch COVID-19.(Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa chính thức có kiến nghị mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, theo Thông tư 04/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, VABA đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000-6.000 tỷ đồng tương tự như Vietnam Airlines, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóp góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản.

VABA cũng đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển đồng thời cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo Nghị quyết số 84 ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, VABA đề nghị cho phép áp dụng mức ưu đãi như nội dung Thông tư 19/2020 của Bộ Giao thông Vận tải từ 1/1/2021 đến 30/6/2022 đồng thời giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga cho khách bay để góp phần kích cầu bay du lịch; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022.

Nhấn mạnh giải pháp sớm triển khai tiêm vaccine trên diện rộng và xem xét sử dụng “hộ chiếu vaccine”, VABA đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine; từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vaccine đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai khai thác trở lại các đường bay quốc tế.

“Hiện Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia đã cho phép bay quốc tế không áp dụng cách ly đối với khách đã có ‘hộ chiếu vaccine’. Nhiều hãng hàng không, ngành du lịch và kinh tế của nhiều quốc gia đang phục hồi, phát triển nhanh chóng do tiêm vaccine trên diện rộng và áp dụng hộ chiếu vaccine, qua đó cũng tăng năng lực cạnh tranh cho ngành hàng không và du lịch quốc tế,” ông Nề cho hay.

Theo đánh giá của VABA, hiện doanh thu của các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu và đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền. Vì thế, các hãng bay rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay, các cơ chế chính sách của Nhà nước để vượt qua đại dịch COVID-19.

VABA dẫn chứng các chuyên gia nước ngoài tính toán rằng hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%. Trước đại dịch, hàng năm doanh thu vận tải hàng không tăng bình quân từ 15%-20%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của ngành hàng không.

Thống kê của VABA cho thấy doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng). Cụ thể, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways lỗ 16.000 tỷ đồng. Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết cổ truyền và Hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5-6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020) khiến các hãng càng suy kiệt. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày.

“Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không được đề ra kịp thời nhưng còn thiếu và chậm triển khai,” ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho hay./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích