Tiếng Việt | English

15/08/2017 - 11:10

Khánh thành Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh

Kỳ 1: Có một “Việt Bắc miền Nam”

Nằm vắt ngang lãnh thổ từ biên giới Việt Nam - Campuchia đến cửa sông Soài Rạp, nối liền miền Đông và miền Tây, có vùng đầm lầy, bưng trấp Đồng Tháp Mười rộng lớn, hiểm địa, Long An trở thành địa bàn chiến lược qua các thời kỳ với các căn cứ kháng chiến lừng danh trong lịch sử, góp phần vào thắng lợi chung.


Đồng chí Lê Duẩn (áo trắng, ngồi giữa) về lại căn cứ xưa, thăm cơ sở cách mạng ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh trong lần về thăm Long An (tháng 3/1978). Người ngồi bên phải đồng chí Lê Duẩn là má Tám (Nguyễn Thị Thay)

Đồng Tháp Mười và kinh nghiệm căn cứ kháng chiến của cha ông

Dù đã sáng rõ hơn nhưng địa danh Đồng Tháp Mười vẫn còn là một ẩn số chưa có giải đáp thỏa đáng. Ngọn tháp canh thứ 10 do Thiên Hộ Dương dựng lên để canh phòng chống giặc Pháp (1864-1866)? Hay ngọn tháp thứ 10 sau 9 tháp khác của vua chúa Khmer dựng lên làm trạm xá? Trên đường khẩn hoang đầu thế kỷ XVIII, lưu dân người Việt gặp tháp cổ đổ nát nhưng còn vết tích biểu hiện của công trình có 10 bậc thang (kiểu như tam cấp)? Hiện, người ta nghiêng về lý giải rằng, đây là tên gọi chung cho toàn vùng “đất bưng”, vùng “trạch” thuộc địa phận tỉnh Định Tường xưa, có từ trước và được sử dụng phổ biến trong thời kỳ kháng chiến của Võ Duy Dương, người Pháp sử dụng chính thức trên Công báo Nam kỳ thuộc Pháp ngày 17/4/1866.

Có những di tích khảo cổ học để có thể khẳng định có con người sinh sống ở thời tiền sử muộn trên các gò đất phù sa cổ cho thấy, nơi đây từng là địa bàn của một nền văn minh Óc Eo một thời rực rỡ, để rồi sau đó tàn lụi trong lòng châu thổ thấp. Và trước khi lưu dân người Việt đến khẩn hoang lập ấp, nơi đây trải qua "giấc ngủ dài" trong sự hoang vắng không bóng người hàng nhiều thế kỷ mà Châu Đạt Quan - sứ thần Trung Hoa trong Chân Lạp phong thổ ký, thế kỷ XIII, rồi Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, thế kỷ XVI ghi lại điều đó.

Trong dòng chảy Nam tiến, do khả năng vật chất, trình độ kỹ thuật và điều kiện nhân lực lúc bấy giờ, ông cha ta đến đây muộn hơn những nơi khác trong tỉnh, nhưng theo Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí, đến thời Gia Định phủ (1698-1802), nơi đây gọi là Đầm (Chằm) Mãng Trạch, thuộc dinh Trấn Định, dưới sự thống quản của Gia Định trấn, có người buôn bán qua Rạch Chanh, một ít làm ruộng theo lối “đao canh hỏa nậu” ở Bát Đông, giao dịch thổ sản ở bờ sông Bát Chiêng (Kiến Tường).

Dù muộn, nhưng với truyền thống yêu nước, sự cần cù, sáng tạo, thông minh trong lao động với tinh thần bất khuất, vượt chông gai, thử thách vì niềm tin ở vùng đất mới, các thế hệ người Đồng Tháp Mười cung cấp thêm sinh lực mới về mặt chí khí và phong tục, tập quán, tạo nên những nét độc đáo, phong phú về văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, viết nên những trang sử mới cho vùng đất này.

Ngay từ cuộc chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh, vùng gò nổng rộng lớn Ba Giồng nằm giữa 2 huyện Kiến Đăng và Kiến Hưng, Định Tường từng là nơi tụ nghĩa của đảng Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn. Pháp xâm lược, nơi đây là căn cứ của phong trào Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều trong những năm 1864-1866, với đại bản doanh đặt tại Gò Tháp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp); ở Long An có 2 đồn lớn là đồn Tả ở Gò Giồng Dung (xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh) và đồn Tuyên Oai ở Gò Bắc Chiêng (chợ Kiến Tường ngày nay), gây cho địch nhiều tổn thất. Đây là một trong những phong trào kháng Pháp tiêu biểu ở Nam kỳ lúc bấy giờ, không những làm Đồng Tháp Mười hội nhập trọn vẹn hơn vào dòng chảy lịch sử - văn hóa dân tộc mà còn là kinh nghiệm đầu tiên về xây dựng căn cứ địa cho hoạt động kháng chiến về sau.

Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (11/1940), lực lượng khởi nghĩa ở Tân An, Chợ Lớn, Gia Định lên khu vực kinh Bo Bo, Mớp Xanh thuộc các làng: Thạnh Lợi, Bình Thành, Bình Hòa (Bắc Thủ Thừa), trấp Rùng Rình (làng Phong Phú, Mộc Hóa) tiếp tục bắt liên lạc với lực lượng của Cai Lậy, Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho) và bộ phận nghĩa quân của Chợ Lớn - Gia Định rút lên Truông Mít (Tây Ninh) trở về, thống nhất thành lập căn cứ Mớp Xanh (hay còn gọi căn cứ Bo Bo) trên một địa bàn rộng khoảng 35km, dài 70km, nằm giữa 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tiếp tục duy trì hoạt động, chuẩn bị khởi nghĩa lần hai. Hoạt động của nghĩa quân sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở căn cứ Mớp Xanh (Bo Bo) là tiền đề chuẩn bị cho giai đọan tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và vùng đất này trở thành “chiến khu bưng biền” trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Có một “Việt Bắc miền Nam”

Đêm 22, rạng ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, báo hiệu cuộc xâm lược nước ta lần hai. Cùng với Nam bộ, Đồng Tháp Mười - Long An “đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”.

Sau khi Nam bộ nhận được chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng (cuối 11/1945), ngày 10/12/1945, Xứ ủy lâm thời Nam bộ họp hội nghị mở rộng làng Bình Hòa, quận Thủ Thừa (nay thuộc ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy lâm thời chủ trì, bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng về cuộc kháng chiến chống Pháp, quyết định chia Nam bộ làm 3 khu quân sự - hành chính gọi là Khu 7, Khu 8, Khu 9, xây dựng các căn cứ kháng chiến, trong đó có Đồng Tháp Mười là căn cứ của Khu 8, gồm các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

Sau khi Pháp càn vào Bình Hòa (5/1946), đồng chí Lê Duẩn chỉ thị các cơ quan Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, Tổng hành dinh Khu 7 và các đơn vị bộ đội rút về vùng Bắc Chan, quận Mộc Hóa, đồng thời chỉ đạo đồng chí Trần Văn Trà - Ủy viên Chính trị của Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa về Đồng Tháp Mười lập căn cứ, củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang. Sau khi đi các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn nắm tình hình, đồng chí Trần Văn Trà triệu tập hội nghị tại Bến Kè (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa ngày nay), quyết định thống nhất lực lượng các tỉnh để xây dựng Khu 8 do Trần Văn Trà làm Khu bộ trưởng; xây dựng Đồng Tháp Mười thành căn cứ của khu và giao Nguyễn Văn Trí phụ trách. Đầu tháng 7/1946, lợi dụng mưa to, nước nổi, quân Pháp tấn công Bắc Chan, đồng chí Lê Duẩn chỉ thị lực lượng vũ trang rút về khu vực kinh Dương Văn Dương.

Tháng 8/1946, Ban căn cứ địa Khu 8 phối hợp Tỉnh ủy Tân An và Huyện ủy Mộc Hóa thành lập Ban Phòng thủ Đồng Tháp Mười do đồng chí Bùi Quang Dự phụ trách, “quy hoạch” khu căn cứ Đồng Tháp Mười gồm 8 xã khu vực từ kênh Nguyễn Văn Tiếp đến sông Vàm Cỏ Tây và các xã: Hậu Thạnh, Nhơn Hòa Lập, Tân Hòa, Nhơn Ninh, xác định khu vực đứng chân của từng cơ quan, đơn vị. Đồng Tháp Mười - Tân An trở thành căn cứ của các cơ quan đầu não của Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, lực lượng vũ trang,...

Đồng chí Lê Duẩn với cương vị là Bí thư Xứ ủy, chức vụ chính quyền là Trưởng phòng Dân quân cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác: Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Bình, Phạm Văn Bạch, Trần Văn Trà, Huỳnh Tấn Phát,... và rất nhiều cơ quan của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang từ cấp xứ đến khu, tỉnh: Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, Bộ Tư lệnh Khu 8, Cơ quan Chính trị Khu 8, Phòng Bào chế y dược của Sở Y tế, Nhà in, Hội Phụ nữ cứu quốc, Sở Công an, Sở Tài chánh, Văn phòng Bộ Tư lệnh Nam bộ, các đồng chí là đặc phái viên của Chính phủ tại Nam bộ,... đóng và làm việc ở nhà dân, nay thuộc các xã: Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây, Nhơn Ninh,... và nhiều cơ quan các cấp khác đóng ở nhà dân dọc theo kinh Dương Văn Dương.

Riêng đồng chí Lê Duẩn ở nhà ông Nguyễn Văn Siêu (ông Hai Độc Lập), Xứ ủy Nam bộ đóng tại nhà bà Võ Thị Thay (Nguyễn Thị Thay, tức má Tám), làm việc ở nhà ông Lê Văn Yên (con má Tám), Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ đóng tại nhà ông Giáo Mười (Hồ Văn Mười). Cho nên, có đồng chí lãnh đạo trong Xứ ủy bấy giờ nói rằng “cả Nam bộ đều có mặt ở Đồng Tháp Mười”.

Đây cũng là lúc cả nước biết đến Đồng Tháp Mười như là “thủ đô kháng chiến” của Nam bộ với nền “văn hóa kháng chiến bưng biền” bởi chính sách đẩy mạnh phát triển về kinh tế, giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa mới trong nhân dân làm đời sống KT-XH chuyển biến sâu sắc nên có bô lão ví “như thời Nghiêu - Thuấn tái hiện” - một xã hội cổ đại ở Trung Quốc với 2 vị vua “đại hiền” mà nhân gian quan niệm là biểu tượng của thái bình, thịnh đạt.

Từ giữa cuối 1949, địch đẩy mạnh thực hiện chiến thuật De Latour, giăng dựng đồn bót khắp nơi, đánh phá căn cứ Đồng Tháp Mười liên tục, khống chế chặt chẽ hành lang liên lạc của ta từ miền Đông xuống miền Tây. Sau Hội nghị Xứ ủy chuyên đề quân sự ở Đồng Tháp Mười (tháng 9/1949) do đồng chí Lê Duẩn chủ trì, ta chủ trương rút các cơ quan cấp Nam bộ về U Minh. Ngày 20/10/1949, được sự hộ tống của lực lượng vũ trang Khu 8, đồng chí Lê Duẩn cùng các cơ quan cấp xứ rời căn cứ Đồng Tháp Mười - Tân An sau hơn 3 năm gắn bó, về miền Tây để tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam.

Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ở Đồng Tháp Mười - Long An trong những năm 1946-1949, ở đó, từ nhà lãnh đạo cao nhất là đồng chí Lê Duẩn đến từng cơ quan, đơn vị bộ đội và cán bộ, chiến sĩ sống, làm việc và chiến đấu trong sự đùm bọc, chở che và cả sự hy sinh của nhân dân, làm bừng sáng tinh thần “căn cứ lòng dân”, là một trong những nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược./.

Nguyễn Tấn Quốc
(còn tiếp)

Kỳ 2: Những dấu son trên đất bưng biền

Chia sẻ bài viết