Tiếng Việt | English

29/09/2015 - 10:41

Niềm vui từ những công trình trọng điểm

Bài 7: Công trình lịch sử đáng tự hào

Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ (1946-1949) tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh là 1 trong 9 công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 – 2015. Đây là khu di tích Quốc gia mang nhiều dấu ấn lịch sử, nơi Đài phát thanh Nam bộ phát thanh buổi đầu tiên.…Việc đầu tư tôn tạo khu di tích, góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc là hết sức đúng đắn và cần thiết.

"Việt Bắc" của Miền Nam

Khoảng tháng 4 - 1946, Xứ ủy và Ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ dời về xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa, đến tháng 9-1946 thì chính thức về đóng ở khu vực kênh Dương Văn Dương thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh.

Lúc đó, Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ, Sở Công an Nam bộ, Sở Thông tin Nam bộ, Sở Y tế Nam bộ, Kỳ bộ Việt Minh Nam bộ, Khu bộ Khu 8 đều đóng dọc kênh La-gơ-răng thuộc xã Nhơn Hòa Lập và một phần xã Hậu Thạnh. Sau 5 tháng, Bộ Tư lệnh Khu 8 do đồng chí Trần Văn Trà lãnh đạo đi chuyển về Nhơn Ninh và Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, các cơ quan Nam Bộ ở trọn vẹn kênh La-gơ-răng (đoạn từ Cây Sao đến cống Bình Minh).


Các hạng mục công trình đang được gấp rút thi công

Khi đó, có đồng chí đã nói “cả Nam bộ đều có mặt ở Đồng Tháp Mười” và một đồng chí lãnh đạo Xứ ủy đã nói rằng Đồng Tháp Mười là “thủ đô” kháng chiến của miền Nam, là “Việt Bắc” của miền Nam. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà, Nguyễn Đức Thuận,… từng sống và làm việc tại khu vực trên.

Đặc biệt, đồng chí Lê Duẩn – Bí thư Xứ ủy đã từng sống, làm việc tại nhà ông Nguyễn Văn Siêu, tự Hai Siêu (Hai Độc Lập) và nhà má Tám, tức Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thay, để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Lúc bấy giờ, nhà má Tám là Hội trường Xứ ủy còn nhà ông Hai Siêu là nơi ăn, ở của đồng chí Lê Duẩn.

Các cơ quan Nam bộ và Khu 8 về trú đóng được nhân dân đùm bọc. Người dân nhường nhà cho cán bộ, nhường nền nhà cho các đơn vị cất cơ quan. Nhân dân đã cung cấp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục bộ lư, mâm thau, nồi đồng ủng hộ cho binh công xưởng sản xuất vũ khí.

Khu vực kênh Dương Văn Dương là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc: Nơi diễn ra Đại hội Đại biểu Xứ ủy toàn Nam bộ, nơi Đài Phát thanh Nam bộ phát sóng buổi đầu tiên, nơi trình chiếu bộ phim tài liệu về cách mạng đầu tiên của điện ảnh nước nhà,… Nhiều chiến công oanh liệt của các Tiểu đoàn 307, 309, Trung đoàn 120, 105 gắn liền với vùng đất ấy. Ở đó có trên 1.000 người tham gia các đoàn thể, kháng chiến. Trong đó, có 200 thanh niên tòng quân giết giặc, hơn 300 gia đình trực tiếp nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội và du kích.

Một công trình ý nghĩa

Theo đánh giá của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại công văn số 34-TB/TW, ngày 6-6-2011, Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ là một trong ba căn cứ địa quan trọng của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Pháp. Việc xây dựng khu di tích này có ý nghĩa lịch sử, chính trị to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ là 1 trong 9 công trình trọng điểm, do đó, việc đầu tư, tôn tạo, phát huy tác dụng của di tích là hết sức cần thiết và cấp bách.

Tại Quyết định số 3740-QĐ/UBND, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án với diện tích san lấp mặt bằng giai đoạn 1 là 3ha. Phần hạ tầng kỹ thuật gồm: San nền, đường giao thông, bến thuyền, kè bảo vệ - kênh - hồ cảnh quan, cống trữ nước, cấp điện, cống thoát nước sinh hoạt - tưới cây - chữa cháy, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, cây xanh - thảm cỏ, cổng, hàng rào bán kiên cố. Phần công trình kiến trúc bao gồm: Nơi ở đồng chí Lê Duẩn, các di tích tôn tạo: Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ, nhà in Nam bộ, phòng bào chế y dược, nơi ở của đồng chí Phạm Văn Bạch, Trần Văn Trà, khuôn viên mộ ông Nguyễn Văn Siêu, bà Trần Thị Én cùng các công trình phục vụ khác.

Khu di tích khởi công xây dựng nhận được sự đồng tình cao của người dân và chính quyền địa phương. Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hoàng Văn, cháu nội ông Hai Độc Lập. Khi đồng chí Lê Duẩn đến sinh hoạt ở nhà ông Hai Độc Lập thì ông Văn hãy còn nhỏ, nhưng ông được người thân trong gia đình kể lại về những ngày tháng Bí thư Xử ủy ở nhà mình cùng những tình cảm của gia đình, dòng họ dành cho cách mạng.

Chính vì thế, sau này, khi được biết về việc xây dựng, tái tạo, bảo tồn Khu di tích Xứ ủy Nam Kỳ gia đình ông Văn là 1 trong những hộ dân đồng tình đầu tiên. Ngồi trong căn nhà mới khang trang bên cạnh khu di tích đang xây dựng, ông Văn chỉ cho chúng tôi khu nhà cũ của ông gần bên gốc cây vú sữa mà đồng chí Lê Duẩn đã trồng mấy mươi năm trước. Ông nói: “Tôi thấy việc tái tạo khu di tích này rất ý nghĩa vì nó gìn giữ lịch sử. Cơ quan kháng chiến Nam bộ cũng đã về đây đóng và làm việc suốt nhiều năm. Tôi với những hộ dân khu vực này ai cũng đồng tình. Phát huy truyền thống gia đình, tôi rất thống nhất việc di dời nhường chỗ xây dựng khu di tích”.

Theo thông tin từ ban Quản lý Di tích lịch sử - văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến thời điểm hiện tại, khu di tích đã hoàn tất các hạng mục: Bồi thường giải phóng mặt bằng, khảo sát địa chất, lập quy hoạch, dự án, đào kênh và hồ cảnh quan, rà phá bom mìn, san nền và cống trữ nước. Các hạng mục: Nhà bia tôn vinh, sân lễ, nơi ở của đồng chí Lê Duẩn, Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ, khuôn viên mộ ông Nguyễn Văn Siêu, bà Trần Thị Én, nhà in Nam bộ, phòng Bào chế dược, nơi ở đồng chí Phạm Văn Bạch, Trần Văn Trà,… đang được gấp rút thi công. Dự kiến sẽ cơ bản hoàn tất vào cuối năm 2015./.

Phương Phương

Xem thêm>>

Bài 6: Nhà Thiếu nhi tỉnh công trình ý nghĩa

Bài 2: Đường Tân Tập - Long Hậu; đường Thủ Thừa - Bình Thành - Hòa Khánh: Động lực phát triển kinh tế khu vực

Chia sẻ bài viết