Bắt sống đồn trưởng Louis Bertrand trong trận Mộc Hóa, năm 1948
Từ tiếng súng “Cà nông Minh Mạng” đến trận Mộc Hóa đi vào điện ảnh, thơ, nhạc
Tiền sảnh Bảo tàng Long An có đặt một khẩu thần công nhưng ít người biết nó có một hành trình gắn liền với lịch sử vùng đất Đồng Tháp Mười, do Chi đội 14 Vệ quốc đoàn tìm được ở Đốc Vàng (Đồng Tháp) - vùng căn cứ xưa của nghĩa quân Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều, nên các chiến sĩ gọi là “Cà nông Minh Mạng”.
Đầu năm 1946, quân Pháp theo sông Vàm Cỏ Tây tiến đánh Mộc Hóa. Đồng chí Trần Văn Trà chỉ đạo Chi đội 14 tổ chức đánh địch tại Vàm rạch Cả Nổ (nay thuộc xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa). Khoảng 4 giờ sáng, ngày 16/5/1946, đoàn tàu Pháp khoảng 12 chiếc từ Tân An kéo lên Mộc Hóa lọt vào trận địa, khi dừng lại nhổ sào chướng ngại vật để mở đường, khẩu thần công được lệnh làm nhiệm vụ khai hỏa. Phát duy nhất trúng mục tiêu làm móp tàu, ta đồng loạt nhả đạn. Địch nổ súng loạn xạ, thoát khỏi trận địa về hướng Mộc Hóa. Ta rút lui về kinh Dương Văn Dương an toàn.
Đồng chí Lương - pháo thủ (bộ đội Chi đội 14) hy sinh do bị súng thần công giật trúng người, người dân chôn cất tại chỗ, năm 1978, được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Mộc Hóa. Khẩu thần công được nhấn chìm tại Vàm Cả Nổ ngay sau trận đánh, sau đó được vớt lên, đưa về binh công xưởng ở xã Tân Hòa (thuộc huyện Tân Thạnh ngày nay) vào cuối năm 1946, rồi chôn giấu sau đình chiến (1954).
Năm 1959, có người chỉ điểm, chính quyền Ngô Đình Diệm đào súng lên, đưa về quận lỵ Kiến Bình, rồi tỉnh lỵ Kiến Tường, đặt tại công viên chỗ đền thờ Đốc binh Kiều, xây bệ hướng nòng súng ra bờ sông Vàm Cỏ Tây. Đầu năm 1978, Ty Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tiếp nhận súng, đưa về đặt ở trụ sở UBND tỉnh, sau đó giao Phòng Bảo tồn bảo tàng - Thư viện tỉnh và cuối cùng là Bảo tàng tỉnh lưu giữ cho đến nay.
Sử dụng súng thần công trong thời hiện đại chống xâm lược có lẽ chỉ có ở Đồng Tháp Mười - Long An. Đó là phát súng mở màn 9 năm kháng chiến chống Pháp trên vùng Đồng Tháp Mười anh dũng - và có lẽ cũng là tiếng súng cuối cùng của những khẩu thần công lịch sử.
Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang
.....................................................................
Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa vang tiếng đồn với trận La Bang
(Tiểu đoàn 307, Nguyễn Hữu Trí, phỏng thơ Nguyễn Bính)
Dù rất đỗi quen thuộc nhưng bài hát Tiểu đoàn 307 mỗi khi vang lên luôn lay động lòng người bởi tính tráng ca như một hồi kèn xung trận với những chiến công lẫy lừng Tháp Mười, Mộc Hóa,... Do vị trí trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, địch xây đồn Mộc Hóa để án ngữ vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, uy hiếp căn cứ Đồng Tháp Mười từ phía Bắc, ngăn chặn hành lang của ta giữa Khu 8 với Khu 7 và Khu 9.
Trước tình hình trên, được sự chấp thuận của Bộ Tư lệnh Khu 8, sau thời gian chuẩn bị, từ ngày 16 đến 18/8/1948, Trung đoàn 120 phối hợp Tiểu đoàn chủ lực 307 và quân, dân địa phương đánh đồn Mộc Hóa theo chiến thuật công đồn (Mộc Hóa) - đả viện (từ lộ Rồ, Campuchia đi xuống và chặn đánh tàu địch từ Tân An theo sông Vàm Cỏ Tây đi lên). Kết quả, ta đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn địch, bắt sống một số tên, trong đó có đồn trưởng Mộc Hóa Louis Bertrand, thu hàng trăm súng các loại.
Trận Mộc Hóa là chiến công đầu tiên mở đầu truyền thống của Tiểu đoàn 307 anh hùng, làm nức lòng quân, dân Khu 8, được cả nước ngợi khen, cổ vũ, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta như là một trong những chiến công tiêu biểu nhất trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và còn là sự kiện khai sinh nền điện ảnh cách mạng bởi những thước phim được quay trực tiếp tại chiến trường và dựng thành bộ phim Trận Mộc Hóa để chúng ta hôm nay được xem những hình ảnh chân thật về trận đánh hào hùng này.
Khu vực Gò Bắc Chiêng diễn ra trận Mộc Hóa nay thuộc thị xã Kiến Tường, được UBND tỉnh Long An xếp hạng Di tích lịch sử tại Quyết định số 1308/QĐ-UB, ngày 29/7/1994.
Nơi diễn ra Đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam bộ lần đầu tiên
Giữa năm 1946, cơ sở bào chế thuốc ra đời ở xã Nhơn Hòa Lập gồm 10 người, vận dụng kiến thức chuyên môn của mình để pha chế thuốc, vận động y, dược sĩ trong ngành cung cấp nguyên liệu bào chế thuốc phục vụ các cơ quan kháng chiến.
Tháng 9/1947, Phòng Bào chế tham dự triển lãm ở Thiên Hộ (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay) được đánh giá cao. Khi bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng vào chiến khu phụ trách Sở Y tế Nam bộ, Phòng Bào chế phát triển mạnh, phục vụ hiệu quả cuộc kháng chiến. Cũng trong năm 1946, Ban Tuyên truyền Nam bộ (tiền thân của Sở Tuyên truyền Nam bộ) được thành lập do đồng chí Phạm Thiều lãnh đạo. Tháng 10/1946, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ được thành lập, do đồng chí Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Ngọc Thuần giữ chức Phó Chủ tịch.
“Đây! Đài Tiếng nói Nam bộ
kháng chiến”...!
Những năm 1947-1948, máy thu thanh ở Sài Gòn bỗng dưng bán chạy hơn bởi mọi người kháo nhau rằng, có một đài phát thanh kháng chiến tên là “Tiếng nói Nam bộ” và còn bàn tán xôn xao: “Có đài là có chánh phủ trong bưng”, “dựng nổi một cái đài phát thanh như thế, bên kháng chiến phải giỏi lắm, phải mạnh lắm mới làm được...”. Ít ai ngờ rằng, đài phát thanh “Tiếng nói Nam bộ” trong những ngày đầu tiên ấy có thể đặt gọn trong một cái rương nhỏ, trên một cái lán bên dưới một đám tràm.
Cuộc kháng chiến ở Nam bộ bước sang năm thứ 2 trong bối cảnh quân Pháp tăng cường bình định Nam bộ, việc củng cố niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi trong mọi tầng lớp nhân dân trở thành nhiệm vụ chính trị bức thiết lúc bấy giờ. Sau những nỗ lực vượt qua thử thách trong điều kiện tưởng chừng như không thể, đúng 19 giờ, ngày 01/12/1947, tại một địa điểm ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Mộc Hóa (nay thuộc xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh), Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến chính thức phát sóng buổi đầu tiên.
Sau bản nhạc hiệu là bài Tiến quân ca, Giáo sư Phạm Thiều - Ủy viên Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ trực tiếp phát đi lời hiệu triệu của Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ đến đồng bào tiếng nói cách mạng và kháng chiến chống quân xâm lược Pháp của nhân dân Nam bộ. Tiếp theo là giai điệu hùng tráng của bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, rồi bài nhạc đệm Lên đàng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phát xen kẽ giữa các bài bình luận, xã luận, tin trong nước, tin về vùng giải phóng, tin về cuộc đấu tranh của nhân dân vùng bị địch tạm chiếm,...
Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến ra đời đập tan luận điệu tuyên truyền bình định Nam bộ của thực dân Pháp, góp phần tuyên truyền đường lối cách mạng, động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước hướng về kháng chiến và củng cố niềm tin thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp của nhân dân Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Năm 1948, đài chuyển về U Minh, thuộc Khu 9, sau đó trở lại Tháp Mười năm 1949, rồi cũng trong năm này về lại U Minh lần 2 để hoàn thành sứ mệnh cách mạng khi phát thanh buổi cuối cùng tại thị xã Cà Mau, đúng vào ngày 01/12/1954, sau Hiệp định Giơnevơ.
Ngày 16/10/1947, đồng chí Trần Văn Trà ký quyết định thành lập Tổ Nhiếp ảnh Vệ quốc đoàn Khu 8 tại xã Nhơn Ninh với những cán bộ đầu tiên: Khương Mễ, Mai Lộc, Lê Hưng,..., khai sinh nền điện ảnh cách mạng. Tuy máy móc phim nhựa còn thiếu thốn, khó khăn, anh em theo sát trận địa quay được những thước phim tư liệu quý giá. Sau khi hoàn thành việc dựng phim, đêm 24/12/1948, tại Câu lạc bộ Quân nhân Khu 8 bên bờ kinh Dương Văn Dương, nay thuộc xã Nhơn Hòa Lập, hàng trăm đồng bào ở chiến khu Đồng Tháp Mười lần đầu tiên được xem bộ phim, ghe xuồng chen kín một quãng dài trên dòng kinh Dương Văn Dương. Địa điểm này cũng là nơi tổ chức lễ thụ phong hàm Trung tướng của đồng chí Nguyễn Bình (1948). Tờ báo Tiếng Nói của Xứ ủy cũng ra đời tại xã Nhơn Hòa Lập, góp phần tuyên truyền kháng chiến.
Cuối tháng 7/1948(1), tại địa điểm trên bờ kênh Năm Ngàn, nay thuộc xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh (hiện nay là trường Nhơn Ninh A, ấp Tân Chánh B, xã Nhơn Ninh), Đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam bộ lần thứ nhất được triệu tập, do đồng chí Lê Duẩn (được ủy nhiệm thay mặt Ban thường vụ Trung ương Đảng) chủ trì. Đại hội đã bầu Xứ ủy chính thức và trực tiếp bầu đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy(2). Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đại hội chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể của các địa phương Nam bộ trong giai đoạn chống chiến lược bình định của địch những năm 1948-1950, đồng thời chính thức kết thúc thời kỳ hoạt động lâm thời của Xứ ủy, kéo dài từ cuối 1945./.
Nguyễn Tấn Quốc
(còn tiếp)
(1) Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về thời gian diễn ra Đại hội này, chúng tôi ghi theo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005.
(2) Các đồng chí: Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Đức Thuận làm Phó Bí thư; Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Hoàng Dư Khương làm Ủy viên Thường vụ; Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Nguyễn Văn Vịnh, Phan Trọng Tuệ, Lê Minh Định làm Xứ ủy viên.
Kỳ 3: Từ lịch sử đến công trình văn hóa |