Tiếng Việt | English

01/01/2019 - 15:03

Làm tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa

Thời gian qua, tỉnh Long An thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và công tác chăm lo gia đình chính sách (GĐCS), người có công (NCC). Qua đó, chất lượng cuộc sống của các GĐCS, NCC ngày càng nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bà Phạm Thị Ngọt (giữa) được UBND xã Tân Bình hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa

Bà Phạm Thị Ngọt (giữa) được UBND xã Tân Bình hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp các cơ quan liên quan trình UBND tỉnh xem xét, trợ cấp tết cho 87.987 đối tượng với tổng kinh phí gần 18,6 tỉ đồng; phối hợp các sở, ngành đến thăm, tặng quà cho các thương binh nặng đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và NCC Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và UBND xã Thừa Đức (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre),... nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đặc biệt, sở hỗ trợ xây dựng 194 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 309 căn nhà cho các GĐCS, NCC, với tổng kinh phí trên 18,5 tỉ đồng.

Xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh là xã nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn đồng lòng, chung sức chăm lo cho các GĐCS, NCC nhằm đền ơn đáp nghĩa. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Nguyễn Văn Tươi cho biết: “Từ năm 1992 đến nay, xã xây mới 29 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 9 căn nhà cho các GĐCS, NCC. Ngoài chi trả trợ cấp kịp thời, xã còn vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng quà, khám bệnh cho các đối tượng chính sách nhân các dịp lễ, tết. Nhìn chung, mức sống của GĐCS và NCC bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú”.

Năm 1967, bà Phạm Thị Ngọt (ấp Lò Đường, xã Tân Bình) tham gia du kích xã. Năm 1975, bà lập gia đình, nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn vì kinh tế chỉ dựa vào 5.000m2 đất trồng lúa. Trước hoàn cảnh đó, UBND xã không chỉ tạo điều kiện cho bà vay vốn từ Chương trình Giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất mà còn quan tâm, vận động xây nhà tình nghĩa cho gia đình bà.

Ngoài ra, các cấp, các ngành trong tỉnh còn làm tốt công tác vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Kết quả năm 2018, toàn tỉnh vận động được hơn 8 tỉ đồng. Ông Hồng Ngọc Sơn (thương binh loại 2/4, xã Long Trì, huyện Châu Thành) cho biết: “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa nói riêng, các chủ trương, chính sách, pháp lệnh của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC nói chung phát huy cao độ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng yêu nước của dân tộc. Vì vậy, mỗi dịp có đoàn đến thăm gia đình, tôi đều cảm thấy rất tự hào và thường khuyên bảo các cháu cố gắng phát huy những kết quả trong công tác Đền ơn đáp nghĩa”.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Thị Bạch Huệ chia sẻ: “Đền ơn đáp nghĩa là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành đối với các GĐCS, NCC. Trong chiến tranh, chỉ cần một sơ hở nhỏ, họ cũng có thể bị tù đày, tra tấn dã man, bị kẻ thù tiêu diệt. Và lúc đó, những chiến sĩ cách mạng đâu tính toán thiệt hơn hy sinh để sau này được đền đáp gì. Do đó, các cấp, các ngành hôm nay phải có trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa. Thời gian tới, ngành tiếp tục vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tham gia hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho NCC,... bảo đảm mức sống của GĐCS, NCC cao hơn hoặc bằng mức sống người dân nơi cư trú”.

Những hoạt động tích cực của công tác “Đền ơn đáp nghĩa” góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các GĐCS, NCC. Hơn hết, phong trào còn có tác dụng giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết