Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 vừa ban hành Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch COVID-19. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các sự kiện y tế công cộng, là một trong những thành viên soạn thảo quy định này.
Lần đầu tiên, Việt Nam có bản đồ COVID-19
Theo ông Phu, điểm mới của quy định này là bản đồ chống dịch - được hình thành dựa trên các dữ liệu bắt buộc phải cập nhật từ cấp xã trở lên và dữ liệu được tập hợp từ nguồn có sẵn. Có 4 mức độ nguy cơ (Bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao) được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc.
Việc Bộ Y tế cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá giúp từng địa phương có thể chủ động xác định nguy cơ và đưa ra biện pháp đối phó phù hợp.
(Ảnh minh họa)
PGS Phu cho biết, trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, chúng ta cần có đánh giá nguy cơ theo từng cấp độ đúng theo tình hình của các địa bàn, xã, huyện hoặc tỉnh. Ở cấp độ nào, địa phương sẽ có biện pháp ứng phó theo cấp độ đó. Việc đánh giá dựa trên cập nhật của từng địa phương.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có một bộ phận chuyên đánh giá an toàn cùng giúp sức để đưa ra đánh giá chính xác hơn và dữ liệu được đưa lên bản đồ COVID-19, cập nhật trên trang nguyco.antoancovid.vn. Trong đó, 4 mức nguy cơ bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao tương ứng các màu xanh, vàng, cam, đỏ.
"Nhìn vào bản đồ đó, chúng ta sẽ biết xã, huyện, tỉnh thuộc màu nào và có các biện pháp tương ứng. Chẳng hạn, địa phương ở mức bình thường mới chỉ cần đeo khẩu trang, thực hiện 5K, còn ở mức nguy cơ phải dừng hoạt động 30 người trở lên"- PGS Phu cho biết.
Tránh được tình trạng chủ quan, lơ là
Cũng theo PGS Phu, mục tiêu khi xây dựng quy định này là phải rất dễ hiểu để bất kỳ ai nhìn vào từ cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đến chủ tịch xã hoặc người dân đều có thể biết được. Đặc biệt, dựa trên các tiêu chí cụ thể, trong một tỉnh, mỗi huyện, mỗi xã lại có những vùng nguy cơ khác nhau.
"Quy định này sẽ giúp các địa phương tránh được tình trạng chủ quan, lơ là song cũng không làm quá. Bởi vừa qua, có địa phương chỉ có một vài ca mắc COVID-19 đi từ địa phương khác về, biết rõ nguồn lây và nguy cơ lây lan dịch ra các xã khác là không có nhưng lại giãn cách xã hội toàn tỉnh"- ông Phu cho hay.
Mục tiêu của bản đồ COVID-19 là để chúng ta vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, không ngăn sông cấm chợ khi không cần thiết.
PGS Phu cho rằng, về cơ bản, các biện pháp chống dịch được dựa trên quy định của Chỉ thị 15, 16 và 19 của Chính phủ trước đây. Bản hướng dẫn này cụ thể hơn, đặc biệt, áp dụng cho từng địa bàn.
Các địa phương có thể thực hiện các giải pháp bổ sung hoặc ở mức cao hơn quy định để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Hoặc họ cũng có thể thực hiện ở phạm vi nhỏ hơn, không chỉ ở quy mô một xã mà là một thôn, không phải cả phường mà chỉ một chung cư…
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các sự kiện y tế công cộng, là một trong những thành viên soạn thảo quy định này.
Theo ông Phu, trong quá trình soạn thảo, việc xác định nguy cơ của từng địa bàn gặp rất nhiều khó khăn khi tình hình dịch luôn biến động, không chỉ phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân. Khi dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ kia, tình hình sẽ phức tạp hơn. Bên cạnh đó, nhóm soạn thảo cũng phải làm chính xác, đưa ra mức nguy cơ đúng để đảm bảo không ảnh hưởng tới an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Ngoài ra, tình hình phân bố của bệnh nhân COVID-19 trong địa bàn cũng ảnh hưởng quá trình xây dựng. "Khi số ca tập trung ở một nơi, có thể là ở một phường hay chung cư có khoảng 100 ca thì cũng không đáng lo bằng số lượng ít nhưng lại rải rác nhiều địa bàn"- ông Phu nói.
Theo Healthgeographics, cũng giống như dịch SARS năm 2002-2003 và cúm theo mùa, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, Tổ chức Y tế thế giới và chính phủ nhiều nước đã thiết lập hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các ứng dụng dựa theo thời gian thực hoặc gần thời gian thực để lập bản đồ các trường hợp mắc bệnh và phản ứng trên mạng xã hội đối với sự lây lan dịch bệnh. Lập bản đồ nguy cơ dự đoán bằng cách sử dụng dữ liệu du lịch dân cư, truy tìm và lập bản đồ quỹ đạo và mối liên hệ của siêu lây lan trong không gian và thời gian. Những ứng dụng này được đánh giá là cần thiết để giúp chính quyền và người dân phát hiện nguồn bệnh mới, động lực học và dịch tễ học, cũng như trong việc định hình chính sách ứng phó.
PGS Phu cũng cho biết, với quy định này, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Các đơn vị phải tổ chức thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với những mức nguy cơ được nêu ở trên. Riêng trường hợp áp dụng các biện pháp ở mức "Nguy cơ rất cao" trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các địa phương, bộ ngành liên quan phối hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch trên thế giới, trong nước và địa bàn từng tỉnh kịp thời khuyến cáo. Trường hợp nhận thấy cần áp dụng mức "Nguy cơ rất cao" trên địa bàn toàn tỉnh mà tỉnh chưa báo cáo, Bộ Y tế chủ động bàn với tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ chủ động báo cáo, đề xuất phương án áp dụng mức "Nguy cơ cao" hoặc mức "Nguy cơ rất cao" trên phạm vi toàn quốc./.
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 vừa ban hành Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG về Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế và một số bộ, ban, ngành và các địa phương xây dựng các hướng dẫn, đánh giá nguy cơ và các biện pháp để phòng, chống dịch tùy theo mức độ, nguy cơ.
Quy định này nhằm cụ thể hóa và chi tiết hơn Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, Quy định chỉ ra các yếu tố dịch tễ cơ bản để xác định mức độ nguy cơ ban đầu, được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng các màu sắc gồm: Nguy cơ rất cao (màu đỏ), nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ (màu vàng) và mức độ bình thường mới (màu xanh). Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, phù hợp với từng mức độ cụ thể nêu trên.
Điểm đáng chú ý, Quy định này giao quyền cho các cấp chính quyền địa phương căn cứ mức độ đánh giá nguy cơ để chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tương ứng theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có quyền bổ sung, áp dụng những biện pháp cần thiết ở mức độ cao hơn phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương và đặc điểm tình hình dịch trên địa bàn.
UBND các cấp chịu trách nhiệm thực hiện đánh giá nguy cơ cũng như triển khai các biện pháp giãn cách xã hội theo từng mức độ đánh giá.
|
Theo VOV.VN