Tiếng Việt | English

09/08/2023 - 21:14

Làng nghề đan ráp lú - lưới nhộn nhịp đón mùa nước nổi

Làng nghề Thơm Rơm, quận Thốt Nốt đang tất bật vào vụ đan lú – lưới để sản phẩm có mặt khắp các tỉnh miền Tây, các tỉnh duyên hải miền Trung và xuất khẩu sang Campuchia cho doanh thu cao.

Đan lú lưới vào tháng 7, 8 và tháng 9 Âm lịch hàng năm, thời điểm gần mùa nước nổi ở vùng ĐBSCL. Đây cũng là mùa các hộ dân làm nghề thủ công đan ráp lú - lưới ở làng nghề Thơm Rơm, quận Thốt Nốt và một số xã ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) lại nhộn nhịp sản xuất. Từ con người đến máy móc hỗ trợ hoạt động liên tục để kịp hàng giao cho khách, phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản trong mùa nước nổi; đồng thời, tăng thu nhập, mang lại cuộc sống ổn định cho bà con.

“Sinh sau, đẻ muộn” nhưng mô hình đan ráp lú tại ấp Thạnh Hưng 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ đã phát huy thế mạnh với hơn 100 người dân theo nghề, trong đó đa phần là chị em phụ nữ. Tay vừa đan lú thoăn thoắt, vừa trò chuyện, chị Nguyễn Thị Thúy Liễu, ở ấp Thạnh Hưng 2 cho biết, trước đây chị làm công nhân, chồng làm lao động tự do ai kêu gì làm nấy, thu nhập không ổn định. Gần 2 năm trở lại đây nhờ học được nghề đan ráp lú và nhận hàng gia công thuê tại nhà mà kinh tế được cải thiện. Mỗi ngày chị Liễu cùng con gái đan khoảng 8-10 cái lú, mỗi cái dài từ 8 đến hơn 10m, bắt đầu tháng này số lượng lú dần tăng hơn.

“Trước đây thu nhập cả gia đình chỉ có 4 - 5 triệu đồng/tháng nên rất bấp bênh. Lúc dịch bệnh có tháng chỉ kiếm được 2 - 3 triệu đồng do việc làm ở công ty đông lạnh không ổn định. Giờ về đây làm lú thu nhập đỡ hơn. Đan ráp lú này tuy nhiều công đoạn nhưng dễ, người đan thuê nhận tiền công 50.000 đồng/cái”, chị Liễu cho hay.


Các hộ dân đan ráp lú - lưới ở làng nghề Thơm Rơm, quận Thốt Nốt và một số xã ở huyện Cờ Đỏ đang nhộn nhịp sản xuất

Là một trong ít hộ dân ở ấp Thạnh Hưng 2 có kinh nghiệm đan ráp lú trên 10 năm, chị Nguyễn Thị Sai chia sẻ, nhờ học nghề tại làng Thơm Rơm, quận Thốt Nốt, gia đình chị đã ổn định kinh tế, nuôi con ăn học đàng hoàng. Thời gian đầu, mỗi ngày chị chỉ làm được 1 cái nhưng bị đứt tay, chảy máu là chuyện thường. Khoảng 3 tháng sau chị quen dần và giờ đã truyền nghề lại được cho con trai. Thời điểm này, các chủ tiệm bán lú ở quận Thốt Nốt có nhu cầu nhiều hơn do chuẩn bị vào mùa nước nổi. Chị Sai cùng chồng và con làm liên tay nên thu nhập cũng tăng. “Thu nhập cả 2 mẹ con mỗi tháng khoảng 9 triệu đồng vì trước ráp theo vụ lúa nhưng giờ ngày nào cũng có lú để ráp”, chị Sai bộc bạch.

Theo bà Võ Thị Vẹn, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, Hội đã thành lập Tổ hợp tác Ðan ráp lú tại Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Hưng 2, hiện có 19 chị tham gia nhằm hỗ trợ chị em học nghề tốt hơn. Thời điểm tổ hợp tác ra mắt trùng với mùa cao điểm đan ráp lú trong năm nên thu nhập của chị em phụ nữ đạt từ 3-4 triệu đồng/người/tháng trở lên. “Sau dịch Covid-19, chị em đi làm ăn xa trở về địa phương từ đó học hỏi nhau và làm nghề đan ráp lú. Công việc có thể làm trong thời gian nhàn rỗi, già trẻ ai cũng làm được nên thu nhập các gia đình tương đối ổn định”, bà Vẹn cho hay.

Những chiếc lú sau khi ráp xong sẽ được chuyển xuống các tiệm lưới ở làng nghề Thơm Rơm, quận Thốt Nốt - một trong những thủ phủ bán lưới - lú bền, chắc, đẹp của ĐBSCL. Ngoài sản xuất các loại ngư cụ đánh bắt cá nước ngọt, những năm gần đây, nhất là sau dịch Covid-19, nhu cầu đặt hàng các loại lú, rập và ngư cụ phục vụ đánh bắt cá biển cũng tăng cao vì kinh tế dần phục hồi. Đó là nguyên nhân nhiều cơ sở thuê thêm lao động thời vụ và lao động đến nhận nguyên liệu lưới về gia công thành sản phẩm hoàn chỉnh giao lại cho cơ sở mới đáp ứng kịp các đơn hàng. Hầu hết lao động tại nhà ở các địa điểm gần làng nghề Thơm Rơm đều nhận hàng về gia công.


Những chiếc lú sau khi ráp xong sẽ được chuyển xuống các tiệm lưới ở làng nghề Thơm Rơm, quận Thốt Nốt - một trong những thủ phủ bán lưới - lú bền, chắc, đẹp của ĐBSCL

Có thể thấy, nghề đan ráp lú - lưới tại Cần Thơ đang ngày càng khởi sắc, nhiều lao động địa phương được hỗ trợ công ăn việc làm tại nơi sinh sống. Tuy sản xuất quanh năm, nhưng mùa nước nổi về vẫn là thời điểm làng nghề hoạt động mạnh nhất. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuận, chủ cơ sở lưới Hữu Tý - một trong những cơ sở lớn nhất tại làng nghề Thơm Rơm chia sẻ, hiện cơ sở có khoảng 200 lao động làm việc thường xuyên với thu nhập từ 200.000 đồng/người/ngày trở lên. Ngoài ra, nhiều người nhận về làm gia công tại nhà, nhận tiền công theo sản phẩm. 

“Mùa này lú - lưới tiêu thụ nhiều nhất nhưng cách thức làm ra ngư cụ cũng thay đổi nhiều, trước đây đa phần làm thủ công, giờ máy móc hỗ trợ nên công suất tăng cao hơn. Mỗi ngày 1 người có thể làm hơn 20 tay lưới”, bà Thuận thông tin.

Một mùa nước nổi lại sắp về, nghề đan lú - lưới lại bước vào thời kỳ nở rộ về sản phẩm, hứa hẹn thu nhập cho lao động địa phương trong thời gian nhàn rỗi cũng sẽ tăng theo. Nghề thủ công tuy giản đơn là vậy nhưng lại có sức sống bền bỉ, từ đôi tay những người thợ đã tạo nên bức tranh đổi mới sinh kế sau dịch Covid-19 đầy màu sắc ở Cần Thơ./.

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết