Tiếng Việt | English

19/04/2016 - 10:26

Lễ hội truyền thống ngày càng hút khách du lịch

Du lịch lễ hội Long An năm nay phát triển hơn so với những năm trước, không những về công tác tổ chức, quản lý, mà còn thu hút khoảng vài chục nghìn lượt khách tham gia.


Chặp Địa Nàng trong lễ hội Miếu bà Ngũ Hành Long Thượng (huyện Cần Giuộc)

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 406 lễ hội dân gian, hoạt động tế lễ với quy mô và tính chất khác nhau, trong đó chủ yếu là lễ Kỳ Yên diễn ra tại 215 đình làng và các cơ sở tín ngưỡng dân gian. Mùa du lịch lễ hội ở tỉnh ta thường diễn ra từ tháng Chạp cho đến tháng Ba (âm lịch) hằng năm. Năm 2014, Long An có 3 lễ hội là Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây (huyện Tân Trụ), Lễ hội Làm Chay (huyện Châu Thành), Lễ hội vía bà Ngũ Hành Long Thượng (huyện Cần Giuộc) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Xuất phát từ lòng biết ơn, hướng về nguồn cội, tỏ lòng thành kính, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc, mùa lễ hội của tỉnh thu hút khá nhiều người dân, khách hành hương, tính đến thời điểm hiện nay, có khoảng vài chục nghìn lượt người tham gia. Bên cạnh đó, các lễ hội còn lại được các địa phương tổ chức, chủ yếu là lễ Kỳ Yên ở các đình, miếu,…


Rước sắc Thần trong lễ Kỳ Yên Đình Tân Chánh (huyện Cần Đước)

Ngoài lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo cũng là một mảng du lịch tâm linh quan trọng, nhất là các ngôi chùa lớn, nổi tiếng, được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, như: Chùa Tôn Thạnh, chùa Núi (huyện Cần Giuộc), chùa Phước Lâm (huyện Cần Đước), chùa Nổi (huyện Vĩnh Hưng)… Thời điểm du khách hành hương chủ yếu là các ngày rằm, đặc biệt là rằm tháng Giêng.

Một buổi chiều cuối tuần đầu tháng 4, tôi có mặt tại chùa Nổi (huyện Vĩnh Hưng) và có dịp trò chuyện với những vị khách hành hương nơi đây. Chị Phạm Thị Xuân Mơ ở TP.HCM - một khách hành hương thường xuyên tại các lễ hội tỉnh nhà chia sẻ: Gia đình tôi ngày trước sinh sống tại thị trấn Vĩnh Hưng nhưng nay đã chuyển về quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tôi cùng người thân cuối tuần hay đến chùa này để hành hương, lễ phật. Quê gốc ở huyện Vĩnh Hưng, tôi biết được các lễ hội truyền thống của tỉnh nhà, nên năm nào cũng sắp xếp công việc và tranh thủ tham dự. Mùa lễ hội không những giúp các vị khách như chúng tôi có dịp hướng về nguồn cội, tỏ lòng biết ơn, thành kính với tiền nhân mà còn giúp bản thân tìm thấy được sự bình yên trong cuộc sống.


Đông đảo người dân tham gia lễ hội Miếu bà Ngũ Hành Long Thượng (huyện Cần Giuộc)

Không chỉ người dân trong tỉnh tham gia hồ hởi mà lễ hội của tỉnh còn thu hút khá nhiều du khách ngoài tỉnh. Mặc dù lượng khách khá đông nhưng công tác tổ chức, quản lý lễ hội được thực hiện tốt. Năm 2015, Long An là một trong 8 tỉnh được nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác tổ chức, quản lý lễ hội.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh – Phạm Văn Trấn thông tin: “Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tăng cường công tác tổ chức, quản lý lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thu hút khách tham quan, thông qua du lịch lễ hội để quảng bá hình ảnh địa phương, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Sở sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật về lễ hội để quảng bá di tích lịch sử - văn hóa và xúc tiến ngành du lịch của tỉnh phát triển hơn nữa, để lễ hội diễn ra đúng pháp luật, trang trọng và đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân”./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết