Tiếng Việt | English

15/04/2022 - 10:45

Loạn thuốc bồi bổ hậu Covid-19: Cẩn thận tiền mất, tật mang

Được mách mua thuốc bổ để tăng sức đề kháng, nhiều người tích trữ nhiều loại thuốc bổ thần kinh, phổi, gan… để phòng sẵn. Hậu Covid-19 thấy mệt, có người sử dụng 3-4 loại thuốc bổ và điều này thật sự có thể gây ra tác dụng ngược.


(Ảnh minh họa: Internet)

Dùng thuốc bổ hậu Covid-19 theo kiểu rỉ tai, truyền miệng 

Cả nhà chị Trần Thị Hồng G. (Thanh Xuân, Hà Nội) đều khỏi Covid-19 được 3 tuần, nhưng triệu chứng ho vẫn chưa dứt. “Trong nhà tôi thì hai cháu bé chỉ húng hắng nhẹ nhàng, nhưng tôi bị nặng nhất. Nhiều khi đêm vẫn mất ngủ vì ho từng cơn. Uống siro mãi mà chỉ hỗ trợ giảm cơn ho được tức thì lúc đó. Ho nhiều rất mệt mà tôi lo ngại ảnh hưởng tới phổi”, chị G. phàn nàn.

Đến cơ quan, những cơn ho của chị khiến nhiều đồng nghiệp cũng dè chừng. Họ mách chị thử tìm hiểu một số loại thuốc bổ phổi, thanh lọc phổi của Nhật xem sao. Sau một cú click chuột, ma trận thuốc bổ phổi, thanh lọc phổi càng khiến chị hoang mang.

“Giá thuốc dao động từ vài trăm đến cả triệu đồng/hộp mà nơi nào cũng khẳng định hàng chính hãng, có hóa đơn mua hàng từ Nhật. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy vô cùng hoang mang”, chị G. nói.

Chị G. đã đi khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, không thấy có tổn thương phổi sau chụp X-quang. Chị được bác sĩ hướng dẫn tiếp tục sử dụng sản phẩm thảo dược chữa ho truyền thống hoặc các bài thuốc dân gian để hỗ trợ giảm triệu chứng ho của gia đình. "Bác sĩ khuyên gia đình không nên tin và mua nhiều thuốc bổ được quảng cáo vì thực tế không có thực phẩm nào có thể giúp thanh lọc phổi được", chị G. chia sẻ. 

Hậu Covid-19, thị trường thực phẩm chức năng đặc biệt các sản phẩm bổ phổi, thanh lọc phổi, bổ thần kinh, chữa ho… được quảng cáo rầm rộ với giá cả dao động từ vài trăm nghìn là hàng sản xuất trong nước cho đến các sản phẩm được quảng cáo hàng nhập khẩu, xách tay có giá hàng triệu đồng. 

Nhiều sản phẩm hàng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ bán trên mạng không rõ tác dụng và cơ chế, độ an toàn tới đâu nhưng lại rất hấp dẫn người dân vì đánh đúng tâm lý cần bồi bổ cơ thể hậu Covid-19.

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trong khoảng hơn 1.500 bệnh nhân tới khám hậu Covid-19 hơn 2 tháng qua, tỷ lệ bệnh nhân có tổn thương phổi chiếm khoảng 30%, nhưng chỉ dưới 5-10% có tổn thương tới mức xơ phổi, đa phần rơi vào nhóm bị Covid-19 nặng và có bệnh nền.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân tới khám chia sẻ về việc mình đã sử dụng rất nhiều thuốc bổ phổi nhưng vẫn không giảm được các triệu chứng ho, mệt và có lúc khó thở. Có người uống kèm bổ phổi, bổ não, tăng cường miễn dịch.

“Việc truyền tai nhau về một số loại thực phẩm chức năng bổ phổi tạo ra chuỗi lây truyền về tâm lý. Có người không bị hậu Covid-19 cũng nghĩ mình bị và cứ nghĩ, uống cũng không thừa.

Thực tế, các thực phẩm chức năng được quảng cáo thanh lọc phổi, bổ phổi đều có tính chất chung của thảo dược hay thuốc nam. Tuy nhiên, đến nay chưa có bằng chứng minh chứng cụ thể về tác dụng của những loại thực phẩm hỗ trợ này”, bác sĩ Tiến cho hay.

Mọi người vì tâm lý lan truyền sợ hãi nên ai có điều kiện đều sẵn sàng chi tiền mua nhiều loại thuốc bổ được mách, đặc biệt bổ phổi, thần kinh dù không biết hiệu quả thật sự đến đâu. Tuy nhiên, đây không phải là sản phẩm điều trị đặc hiệu.

Một vấn đề nghiêm trọng nữa đó chính là thói quen tự ý dùng thuốc của người bệnh, đặc biệt cảnh báo là việc dùng kháng sinh sai chỉ định dẫn tới rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn ruột, càng làm bệnh nhân mệt mỏi.

“Trong một khảo sát mới nhất của chúng tôi trên khoảng 700 bệnh nhân tới khám hậu Covid-19, không dưới 50% bệnh nhân dùng kháng sinh sai chỉ định sau Covid-19, gây hệ lụy lớn về kháng kháng sinh. Khi đó, các bác sĩ sẽ mất đi vũ khí quan trọng trong chống nhiễm khuẩn”, bác sĩ Tiến nói.

Bên cạnh đó, hiện nay người dân cũng thường xuyên bồi bổi thuốc bổ đông trùng hạ thảo, yến, bổ phổi của châu Âu, Mỹ nhưng điều đó không cần thiết, trừ những người hấp thụ dinh dưỡng kém. Những người này hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm bồi bổ sức khỏe theo quan niệm đông y của Việt Nam và giá thành phù hợp.

Nhiều triệu chứng có thể hồi phục không cần thuốc bổ

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ô-xy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, việc lạm dụng quá nhiều thuốc bổ vừa mất tiền mà lại cũng chưa rõ tác dụng có tốt thật hay không.

“Có những quảng cáo lạm dụng nỗi sợ của người bệnh, nhưng thực tế có những triệu chứng hoàn toàn có thể hồi phục được không cần thuốc bổ. Nhiều triệu chứng có thể gặp: vệ sinh giấc ngủ, chuẩn bị tâm lý, tập thể dục đều đặn, dinh dưỡng đầy đủ giúp rất nhiều”, bác sĩ Hoàng nói.

Sau Covid-19 có những triệu chứng miễn dịch mệt mỏi nhưng đều nhẹ nhàng và đa phần tự hồi phục bằng điều chỉnh lối sống sinh hoạt hợp lý, không cần loại thuốc đặc biệt nào.

“Mọi người đang quá lạm dụng thuốc, thấy bất thường dùng thuốc mà không cần lời khuyên, tư vấn của bác sĩ. Về mặt thói quen sức khỏe, điều này cũng không tốt vì dẫn tới hệ lụy mọi người có thói quen lệ thuộc vào thuốc, không lắng nghe cơ thể mình, không tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, vận động”, bác sĩ Hoàng nói.

Theo bác sĩ Tiến, mọi người bình tĩnh không nên quá hoảng sợ cho rằng mình bị hậu Covid-19. Khi sử dụng quá nhiều vi chất, thuốc bổ, vitamin vào cơ thể gây ra quá tải, mệt mỏi, gây phản tác dụng.

Bởi vậy, người dân sau nhiễm Covid-19 nên tập thở, ăn đủ chất, chịu khó vận động nhẹ theo sức của mình, kết hợp tập thở trên báo chính thống sẽ giúp cho sức khỏe tốt hơn là việc chỉ tập trung vào sử dụng thực phẩm chức năng.

Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã "tuýt còi" 4 công ty về hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh. Bởi vậy, nếu có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế khám và điều trị. Người dân cần tỉnh táo không mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc bán trôi nổi trên các trang mạng xã hội./.

Theo Nhân dân

Chia sẻ bài viết