Tiếng Việt | English

22/06/2021 - 08:48

Long An dự kiến trồng ít nhất 7,32 triệu cây xanh

Long An đang xây dựng “Đề án trồng cây xanh đô thị và cây phân tán trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. Qua đó, nhằm phát huy vai trò tích cực của hệ thống cây phân tán trong việc chắn gió, cản lũ, chống xói lở cho các công trình kết cấu hạ tầng; tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái; cung cấp một phần nhu cầu gỗ, củi cho đời sống người dân.

Đoàn viên, thanh niên và dân quân phường 7, TP.Tân An trồng và chăm sóc cây xanh

Cây xanh được xem như lá phổi của trái đất. Ngoài tác dụng cung cấp nguồn oxy dồi dào cho bầu khí quyển để duy trì sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh, cây xanh còn có tác dụng cải thiện khí hậu, điều hòa các luồng không khí; ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, giảm hiệu ứng nhà kính, phân tán nguồn nhiệt, hạn chế tiếng ồn, cản gió, bụi, nhất là ở khu vực đô thị.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do sự biến đổi của thiên nhiên bởi tác động từ con người, biến đổi khí hậu một số vùng tại các huyện: Đức Huệ, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành và TP.Tân An xảy ra hiện tượng sạt lở đất, sạt lở bờ kè, bờ sông, khô hạn, mặn xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân,...

Ông Nguyễn Thanh Bình - người dân sống ở vàm Rạch Chanh sát sông Vàm Cỏ Tây (đoạn qua xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An), chia sẻ: “Trước đây, dòng nước chảy không lấn sâu vô bờ như bây giờ. Nhà tôi trồng nhiều cây như dừa nước, bần để chống sạt lở và cất nhà ra sông, sinh sống bằng nghề bắt cá, tôm. Bây giờ dòng chảy ngầm lấn sát bờ, ngày đêm đẩy đất, cát ra sông khiến nhà tôi bị sập hoàn toàn”.

Phó Trưởng trạm Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh - Lê Hồng Vương thông tin: “Trong 2 năm (2020, 2021), trên địa bàn trạm quản lý, việc trồng các loại cây phân tán và rừng được đẩy mạnh trên diện tích đất trống. Qua đó, góp phần phủ xanh nhiều diện tích đất trống, tăng diện tích cây xanh, nhất là ở những vùng như bờ đê, lề đường để hạn chế sạt lở, xói mòn”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện theo “Đề án trồng cây xanh đô thị và cây phân tán trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”, tỉnh sẽ trồng ít nhất 7,32 triệu cây xanh; trong đó, gồm 7 triệu cây xanh phân tán các loại và trồng mới 137ha rừng tập trung (tương đương 320.000 cây xanh các loại) phù hợp với điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng địa phương.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện, triển khai các thủ tục lập Đề án theo đúng chế độ quy định; phối hợp UBND cấp huyện, các sở, ngành chức năng có liên quan triển khai, thực hiện lập đề án bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ thời gian. Đối tượng thực hiện đề án chủ yếu là trồng cây xanh phân tán (bao gồm khu vực đô thị và nông thôn) và trồng rừng tập trung (phòng hộ, đặc dụng) trong đó, chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích,...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền khẳng định: Tận dụng những diện tích đất còn trống, bỏ hoang để trồng cây xanh phân tán, rừng trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Vì vậy, Sở rất mong các cấp, các ngành, nhất là các em học sinh, sinh viên hưởng ứng để mục tiêu đề ra sớm trở thành hiện thực. Qua đó, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Được biết, dự kiến riêng năm 2021 trồng 1,5 triệu cây phân tán, các năm còn lại mỗi năm trồng khoảng 1,2 triệu cây./.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết