Đồng chí Nguyễn Văn Đát - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, tặng quà gia đình chính sách
Những câu thơ ngọt ngào, sâu lắng của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân (nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Long An) đã khái quát khá rõ nét về miền quê Long Hựu - vùng đất có những con người chịu thương, chịu khó, nhân hậu, thủy chung. Vì điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất nhiễm phèn, ngập mặn, sản xuất khó khăn, người dân Long Hựu phải bôn ba khắp nơi để tìm kế sinh nhai. Vì thế, một thời gian dài khi nhắc đến cù lao Long Hựu (bao gồm xã Long Hựu Đông và xã Long Hựu Tây của huyện Cần Đước), mọi người thường nghĩ đến vùng quê nghèo khó và những cánh đồng khô cằn vì thiếu nước sản xuất.
Tuy nhiên, đó chỉ là hình ảnh của nhiều năm về trước, hôm nay, Long Hựu Đông đang chuyển mình đi lên, đời sống người dân có nhiều thay đổi. Được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, hệ thống đê bao Rạch Cát và Vàm Cỏ đã ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp, cầu Kinh Nước Mặn được xây dựng, nối liền giữa xã Phước Đông với vùng đất cù lao Long Hựu, cùng với tuyến Đường tỉnh 826B - tiếp giáp Quốc lộ 50 tại ngã ba Phước Đông đến đồn Rạch Cát, xã Long Hựu Đông, được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện phát triển KT-XH của địa phương.
Nhà văn hóa ấp Cầu Ngang
Một trong những khó khăn của người dân Long Hựu Đông trước đây chính là nguồn nước sinh hoạt. Do điều kiện tự nhiên của xã không khai thác được nguồn nước ngầm nên xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng vào mùa nắng. Thông qua chương trình cung cấp nước sinh hoạt, Nhà máy nước ngầm tại xã Mỹ Lệ được xây dựng với đường ống dài hơn 20km dẫn nước ngọt về cù lao Long Hựu, bảo đảm cho trên 96% hộ gia đình có nước sinh hoạt.
Trước kia, biết bao thế hệ học sinh Long Hựu đã vượt gần 20km lên thị trấn Cần Đước trọ học, quyết tâm chinh phục tri thức, nhiều anh chị thành đạt trở thành những nhà khoa học, cán bộ đầu ngành như Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM), Tiến sĩ Nguyễn Văn Thọ (Giám đốc Trung tâm Thẩm định giá miền Nam - Bộ Tài chính), ông Văn Công Trắng, ông Trần Thanh Bình và rất nhiều doanh nhân thành đạt dù đang làm ăn nơi xa, vẫn hướng về quê hương bằng những việc làm cụ thể như hỗ trợ kinh phí làm đường, xây cầu, xây dựng nhà tình thương, tặng quà,... nhiều doanh nghiệp đã về đầu tư tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ngày nay, Trường THPT Long Hựu Đông được xây dựng khang trang, tạo điều kiện để con em học tập thuận tiện hơn, không phải xa nhà trọ học như thế hệ cha anh. Để có được sự thay đổi đó, ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Hựu.
Không chỉ có những người con xa quê mà nhiều người dân Long Hựu Đông dù cuộc sống chưa thực sự đủ đầy nhưng vẫn quan tâm, sẻ chia với những mảnh đời khó khăn như anh Nguyễn Phước Vĩnh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã; anh Cổ Kim Chuộng - thợ sửa đồng hồ tại chợ Kinh Nước Mặn, thường xuyên vận động người thân đóng góp kinh phí tặng quà cho hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động những tấm lòng hảo tâm xây dựng đường giao thông. Với sự chung sức, đồng lòng của người dân đã góp phần cho vùng đất quê nghèo ngày càng thay đổi. Long Hựu Đông được công nhận xã văn hóa vào năm 2015, cán bộ và nhân dân xã Long Hựu Đông đang nỗ lực, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Khánh thành cầu Ông Rèn
Năm 2020, Long Hựu Đông được Huyện ủy chọn làm xã điểm tổ chức hoạt động Về nguồn, thực hiện công tác Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo bằng những việc làm cụ thể: Lãnh đạo huyện tổ chức Họp mặt tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức nhiều đoàn đến gia đình, thắp hương tưởng niệm, tặng khánh vàng lưu niệm, tặng quà cho thân nhân Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ trên 1.000 phần quà (trị giá gần 500 triệu đồng) cho hộ nghèo, hộ khó khăn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân còn nhiều khó khăn
Đặc biệt, Ban Tổ chức hoạt động Về nguồn của huyện huy động nguồn vốn ngân sách và sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm, các cơ quan, doanh nghiệp trên 52 tỉ đồng, người dân địa phương hiến hàng trăm mét vuông đất thực hiện 10 công trình trọng điểm, bao gồm: Sửa chữa Nhà văn hóa các ấp, xây dựng mới các phòng học, phòng chức năng của Trường THCS Long Hựu Đông, Trường Tiểu học Long Hựu Đông 1; thi công cầu, mở rộng giao thông nông thôn, tạo điều kiện để cho người dân đi lại, phát triển sản xuất; vận động xây dựng, sửa chữa 29 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, Đoàn Thanh niên huyện đã tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên tại xã Long Hựu Đông và đóng góp trên 50 triệu đồng để xây dựng cổng rào an ninh, trật tự, trồng cây, tặng quà học sinh nghèo, đội viên có hoàn cảnh khó khăn,...
Một góc làng quê Long Hựu Đông
Thông qua chương trình Về nguồn của huyện đã góp phần làm thay đổi cảnh quan môi trường nông thôn, nâng cao đời sống người dân địa phương, tạo thêm niềm tin và động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Hựu Đông hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới vào cuối năm 2020 theo Nghị quyết Huyện ủy đã đề ra./.
Kim Khánh