Tiếng Việt | English

08/06/2016 - 10:43

Luật báo chí năm 2016 một số nội dung cơ bản

Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 5-4-2016. Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.

Thứ nhất, về cơ cấu: So với Luật Báo chí 1999, Luật Báo chí năm 2016 tăng 25 điều, trong đó có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung; không quy định chương quản lý nhà nước về báo chí; thay đổi kết cấu chương III (Nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí), chương IV (Tổ chức báo chí và nhà báo) của Luật Báo chí 1999 thành chương III (Tổ chức báo chí) và chương IV (Hoạt động báo chí) trong Luật Báo chí năm 2016. 

Thứ hai, Luật quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân (chương II), đồng thời quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí, của nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Thứ ba, về đối tượng thành lập cơ quan báo chí (Điều 14), ngoài các đối tượng theo luật hiện hành, Luật đã bổ sung thêm một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.

Thứ tư, Luật bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí (Điều 37), trong đó quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết và thời lượng tối đa đối với các sản phẩm dựa trên các hoạt động liên kết.

Thứ năm, về quyền tác nghiệp báo chí, Luật quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin có quyền từ chối cung cấp cho báo chí, đồng thời quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin chỉ khi có yêu cầu bằng văn bản của chủ thể cụ thể có thẩm quyền;

Thứ sáu, luật hóa quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam và nhà báo trong việc tổ chức thực hiện và tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Thứ bảy, về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, Luật quy định theo hướng mở hơn (điểm c, khoản 2, Điều 21), theo đó, nguồn thu của cơ quan báo chí gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.

Thứ tám, về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, Luật quy định cụ thể, rõ ràng hơn, đồng thời bổ sung thêm 1 số hành vi như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em,…

Thứ chín, về cải chính và xử lý vi phạm, Luật bổ sung một số quy định mới về cải chính như trình tự thủ tục cải chính đối với báo chí điện tử, vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí.

Thứ mười, Luật đã quy định nhiều nội dung cởi mở và thông thoáng hơn so với quy định pháp luật báo chí hiện hành như: Điều kiện cấp thẻ nhà báo; đặt văn phòng đại diện của cơ quan báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài,…

Thứ mười một, Luật đã pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, bổ sung một số quy định mới điều chỉnh hoạt động báo chí như: Chính sách nhà nước về báo chí; thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài;…

Phan Đức Bộ

Chia sẻ bài viết