Tiếng Việt | English

11/11/2015 - 19:16

Lương cơ sở tăng có “đuổi kịp” học phí, viện phí?

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP HCM) nhấn mạnh, trước khi tăng lương cơ sở, hàng loạt dịch vụ trong các lĩnh vực tăng khiến dư luận hết sức lo lắng.

Sáng nay (11/11), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó có việc tăng lương cơ sở từ 1/5/2016. Theo đó, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức sẽ tăng 5% (tăng 60.000 đồng so với trước).

“Thắt lưng buộc bụng” để tăng lương

Trao đổi với phóng viên sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Để có 11.000 tỷ đồng cho việc tăng lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng vào năm 2016, chúng ta đã quyết định cắt giảm một số khoản chi hành chính, đồng thời có sự cố gắng tiết kiệm của các địa phương.


Quốc hội nhất trí tăng lương cơ bản từ 1/5/2016 (Ảnh minh họa)

“Việc điều chỉnh tăng lần này tuy rất khiêm tốn, nhưng trong điều kiện hiện nay, tôi cho đó là sự chia sẻ của Chính phủ và người lao động, người làm công ăn lương cũng phải chia sẻ với đất nước trong điều kiện kinh tế còn khó khăn” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý thêm, bắt đầu từ 1/5/2016 chúng ta điều chỉnh cho người làm công ăn lương hết khoảng 11.000 tỷ đồng. Nhưng tất cả những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp, người về hưu và những người có hệ số lương từ dưới 2,34 vẫn được điều chỉnh 8% từ đầu năm 2016 đến hết tháng 4/2016.

Như vậy từ tháng 5/2016, người có hệ số lương dưới 2,34 vẫn được điều chỉnh 8% như năm 2015 và người có công với cách mạng và người hưởng lương hưu vẫn được hưởng 8%. Còn đối tượng tăng thêm 60.000 đồng điều chỉnh cho những người có hệ số lương từ 2,34 trở lên trong lực lượng vũ trang, cán bộ công chức viên chức.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để thực hiện tăng lương cơ sở, Quốc hội và Chính phủ đều nhận thấy phải cơ cấu lại thu chi, đặc biệt trong chi thường xuyên. Chi thường xuyên vừa qua tăng nhanh, chủ yếu an sinh xã hội và chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, đối với chi quản lý nhà nước cũng phải tăng cường tiết kiệm chi. Điều quan trọng là muốn được tăng lương, bố trí lương thì bản thân từng cơ quan, đơn vị phải bố trí lại các khoản chi khác. Những khoản chi không cần thiết như khánh tiết, hội nghị, lễ tân, công tác nước ngoài… phải hạn chế. Tất cả những vấn đề đó để dành cho các khoản chi hợp lý, trong đó có khoản chi lương.

Lương tăng có “đuổi kịp” học phí?

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP HCM) nhấn mạnh, trước khi tăng lương cơ sở, hàng loạt dịch vụ trong các lĩnh vực tăng như y tế, giáo dục khiến dư luận hết sức băn khoăn và lo lắng.

Đại biểu Minh dẫn chứng câu chuyện nghe được trên đài phát thanh về một sinh viên: “Bố mẹ sinh viên này có thu nhập bằng lương 10 triệu đồng mỗi tháng, phải nuôi 2 con là sinh viên và một con học THPT. Với mức lương đó, để nuôi 3 con ăn học cùng với 2 vợ chồng là hết sức khó khăn, trong khi giá học phí tăng. Do đó, sinh viên này có ý định tạm dừng việc học để lo cho 2 em của mình”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, việc tăng lương cơ sở dù chỉ 5% cũng là một tín hiệu mừng, bởi điều này đã thể hiện được ý kiến của cử tri cả nước. Còn để “tăng lương ở mức nào cho đủ” thì chắc chắn sẽ không thể thỏa mãn được.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh, bên cạnh thực hiện lộ trình tăng lương, để đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức, người ăn lương, cần bảo đảm các nguồn cơ sở khác cho nhóm đối tượng này, bởi nếu trông chờ vào đồng lương thì không đủ chi tiêu cho cả gia đình.

Cụ thể như bảo đảm những nguồn thu khác; đặc biệt, hỗ trợ nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng hưởng lương chính sách. Về lâu dài phải bảo đảm được đời sống của cán bộ, công chức Đây là điều khiến ông và nhiều đại biểu rất quan tâm./.

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 nêu rõ:

Thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới hai triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 30 tháng 4 năm 2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng như quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội. Từ ngày 01 tháng 5 năm 2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015. Giao các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Nguồn: Lại Thìn/VOV

Chia sẻ bài viết