Trong độ tuổi thanh, thiếu niên, Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã sớm được giáo dục chu đáo, không chỉ về chữ nghĩa của đạo thánh hiền mà còn là những bài học về đạo làm người, về lý tưởng sống ở đời. Với tư chất thông minh, sâu sắc, nhạy cảm, thời tuổi trẻ và trong suốt cả cuộc đời mình, Bác Hồ đã có một lý tưởng sống hết sức trong sáng, cao đẹp và vĩ đại.
Nguyễn Tất Thành đã đi theo cha không chỉ trong vùng đất Nghệ mà còn có dịp ra Bắc vào Nam học tập và tiếp xúc với những sĩ phu yêu nước. Vốn nhạy bén và có đầu óc quan sát về tình hình chính trị, xã hội, nhất là được tận mắt chứng kiến cảnh dân nghèo, thợ thuyền lam lũ, kiệt sức trong xưởng máy và phờ phạc sau giờ tan ca, đã góp phần hình thành nên lý tưởng sống cao đẹp của Người. Năm 1905-1906, Nguyễn Tất Thành, khi ấy khoảng 15, 16 tuổi, đang học tiếng Pháp ở Trường Tiểu học Vinh, đã chú ý tới ba từ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, khẩu hiệu nổi tiếng của Đại Cách mạng Pháp năm 1789 và nảy ra ý nghĩ “tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ đẹp đẽ ấy”.
Sau đó, Nguyễn Tất Thành cùng cha tiếp tục con đường vào Huế, học ở Trường Tiểu học Pháp-Việt Đông Ba, rồi vào Trường Quốc học Huế. Và trong khoảng thời gian này, chứng kiến những cảnh thực dân Pháp đàn áp dã man đồng bào mình, Nguyễn Tất Thành vừa học tập, vừa tham gia cuộc biểu tình chống thuế. Từ đó, bọn cảnh sát Pháp theo dõi và nhà trường cũng đã để ý tới tư tưởng “bài Pháp” của người thanh niên yêu nước này. Đặc biệt, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ rất nhiều về nguyên nhân thất bại của một loạt các phong trào yêu nước, nhất là sự tan rã của phong trào Đông Du. Đây cũng là những bài học, vốn sống đầu tiên chuẩn bị cho Nguyễn Tất Thành đi tới quyết định, phải tìm ra con đường đánh đuổi thực dân, cứu lấy nước nhà.
Tháng 6-1910, Nguyễn Tất Thành vào dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết) trong một thời gian ngắn, đến mùa hè năm 1911, quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Rời bến cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn (nay là TP.HCM), bước chân xuống tàu Latouche Tréville với tên là Văn Ba (mới 21 tuổi) làm nghề phụ bếp, Nguyễn Tất Thành bắt đầu thực hiện một cuộc hành trình vạn dặm đi tìm chân lý kéo dài 30 năm (1911-1941). Nguyễn Tất Thành đã đi xuyên qua ba đại dương, bốn châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, qua gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa. Điều quan trọng nhất là Người đã đến được với chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản. “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”
Sau 30 năm khảo sát, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên khắp thế giới, Bác Hồ kính yêu của chúng ta từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn - tạo bước ngoặt vĩ đại cho cách mạng Việt Nam, dẫn dắt dân tộc ta tới độc lập tự do và phát triển tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa như ngày nay./.
Võ Thanh Nghị