Tiếng Việt | English

30/11/2022 - 09:26

Ma túy - Nỗi đau chưa có hồi kết (Bài 3)

Ma túy không chỉ gây ra nhiều nỗi đau mà còn là mầm mống, nguồn cơn phát sinh nhiều loại tội phạm. Trong khi đó, công tác cai nghiện, sau cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tái nghiện thời gian qua vẫn ở mức cao.

Bài 3: Cai nghiện ma túy còn nhiều khó khăn

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội, công tác cai nghiện ma túy đang được quan tâm thực hiện. Bên cạnh những hiệu quả, việc tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao.

Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa khả thi

Hiện 188/188 xã, phường, thị trấn trong tỉnh thành lập tổ công tác cai nghiện, tổ chức tư vấn cho người nghiện ma túy tại cộng đồng. Ngoài ra, đến tháng 7/2015, toàn tỉnh triển khai 4 cơ sở điều trị Methadone: Bệnh viện Tâm thần Long An, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, Trung tâm y tế huyện Cần Giuộc, Trung tâm y tế huyện Bến Lức. Tháng 12/2021, tỉnh triển khai thêm 2 điểm cấp phát thuốc Methadone ở Trung tâm Y tế huyện Châu Thành và Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa.

Đa số người vào cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện Ma túy Long An có tuổi đời còn rất trẻ

Theo Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc, cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai điều trị Methadone về cơ bản đáp ứng đầy đủ các điều kiện, gồm: phòng tư vấn, phòng xét nghiệm, phòng chờ, phòng hành chính, phòng khám, phòng uống thuốc và kho bảo quản thuốc. Hiện trên 90% cán bộ tại 4 cơ sở này được đào tạo, cấp giấy chứng nhận theo quy định. Đến nay, tại 4 cơ sở còn gần 400 bệnh nhân đang điều trị, trong đó, có 329 bệnh nhân vào liều duy trì trên 12 tháng (83,3%).

Theo đánh giá, không phát hiện trường hợp nhiễm HIV mới sau khi điều trị Methadone. Bệnh sử dụng Heroin giảm còn 31% sau 6 tháng điều trị; tuy nhiên, có 10,4% bệnh nhân không sử dụng ma túy đá trước điều trị đã chuyển qua sử dụng ma túy đá sau 6 tháng điều trị; không phát hiện bệnh nhân sử dụng chung bơm kim tiêm. Hầu hết bệnh nhân cải thiện về sức khỏe và ổn định về tâm lý, 63% bệnh nhân tăng cân, 68,9% bệnh nhân có nguy cơ trầm cảm đã không còn nguy cơ sau 6 tháng điều trị.

Ngoài điều trị bằng Methadone, cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện được xem là một cách thức hiệu quả nhất. Tỉnh có một cơ sở cai nghiện tập trung là Cơ sở cai nghiện ma túy Long An). Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Long An - Nguyễn Văn Cường thông tin: "Cơ sở được tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng sức chứa lên 750 học viên. Năm 2022, cơ sở được giao chỉ tiêu biên chế 83 người. Hiện cán bộ, viên chức có mặt làm việc là 69 người. Cơ sở đang xây dựng kế hoạch xét tuyển thêm đủ biên chế để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ”.

Với loại hình cai nghiện bắt buộc, tập trung, việc cắt cơn nghiện, chăm sóc sức khỏe cho học viên đang cai nghiện tại cơ sở được thực hiện bảo đảm theo quy trình, hướng dẫn, phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Trong quá trình điều trị, học viên còn được thực hiện các liệu pháp tâm lý, tham gia lao động, vệ sinh khuôn viên cơ sở, chăm sóc rau màu, cây ăn trái, các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục - thể thao và dạy nghề. Trong cai nghiện, cơ sở thường xuyên phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng, chính quyền địa phương và gia đình học viên để nắm tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh và tổ chức tái hòa nhập cộng đồng, quản lý sau cai nghiện.

Ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ: "Công tác cai nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn, vất vả, có tính đặc thù nhưng cán bộ, nhân viên tại cơ sở luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiệt tâm hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện cai nghiện, làm lại cuộc đời”. Từ năm 2020 đến nay, cơ sở quản lý 1.324 lượt học viên vào cai nghiện, trong đó, đã tái hòa nhập cộng đồng 839 học viên (có 73 người được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm). Hiện tại, cơ sở quản lý 420 học viên (415 học viên cai nghiện bắt buộc và 5 học viên cai nghiện tự nguyện). Nhiều học viên cai nghiện đang tiến triển tốt và thể hiện được quyết tâm từ bỏ ma túy, trở thành công dân tốt, có ích.

Người đi cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy Long An tham gia các hoạt động thể dục, thể thao

Khác với những loại hình điều trị, cai nghiện trên, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh chưa mang tính khả thi. Tỉnh cũng chưa triển khai mô hình thí điểm điều trị nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Tại huyện Đức Hòa, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện còm mang tính hình thức, không hiệu quả. Còn tại huyện Cần Giuộc, thời gian qua, UBND các xã, thị trấn ra quyết định cai nghiện tại gia đình đối với gần 70 người nghiện. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức cho biết: “Công tác cai nghiện tại gia đình gặp khó khăn bởi địa phương không có cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nên không có sự hỗ trợ, thực hiện đúng các quy trình cai nghiện. Trong khi đó, cai nghiện tại cộng đồng thời gian qua không thực hiện được”.

Về vấn đề cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Đặng Ngọc Tảo cho rằng đang gặp khó khăn do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất tại địa phương chưa bảo đảm cho cắt cơn theo quy định, người nghiện không tự nguyện khai báo và đăng ký cai nghiện; chưa có quy định cơ chế quản lý người nghiện trong thời gian cắt cơn tập trung tại cộng đồng, cấp xã không thể cân đối kinh phí để thực hiện công tác này.

Tỷ lệ tái nghiện còn cao

Theo ngành chức năng, thời gian qua, tỷ lệ tái nghiện ma túy vẫn ở mức cao. Tại huyện Cần Giuộc, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 274 người, nghi nghiện 96 người. Từ năm 2020 đến hết tháng 7/2022, cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 119 người. Đến nay, có 88 người cai nghiện xong trở về địa phương, tuy nhiên có 41 người tái nghiện.

Huyện Đức Hòa là địa bàn có số lượng người nghiện, nghi nghiện nhiều nhất tỉnh, từ năm 2020 đến nay đều dao động ở mức 500 đến trên 600 người/năm. Từ năm 2020 đến hết tháng 7/2022, toàn huyện đưa đi cai nghiện 1.324 lượt người, tuy nhiên, có tới 639 lượt người tái nghiện. Trong khi đó, từ năm 2020 đến đầu tháng 7/2022, Cơ sở cai nghiện ma túy Long An tiếp nhận 839 người (bắt buộc 800 người, tự nguyện 39 người) thì trong đó, có gần 220 người nằm trong diện trước đó đã đi cai nghiện.

 P.Đ.T. (28 tuổi, ngụ huyện Cần Đước) hiện cai nghiện theo diện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy Long An. T. kể, khi mới 20 tuổi đã tụ tập chơi bời với bạn bè, một lần theo bạn sử dụng ma túy rồi sau đó bị nghiện nặng. Để có tiền mua ma túy sử dụng, T. nhiều lần trộm cắp tài sản của gia đình, ngoài xã hội. Sau đó, T. bị đưa đi cai nghiện theo diện bắt buộc, tuy nhiên, sau khi trở về địa phương lại tiếp tục tái nghiện và hơn 1 năm nay lại đi cai nghiện theo diện bắt buộc. Còn N.H.V. ( 34 tuổi, ngụ huyện Cần Đước) vốn dĩ làm nghề xây dựng nhưng 4 năm trước nghe theo lời lôi kéo, rủ rê của đám bạn dùng thử ma túy rồi bị nghiện. Hiện V. cai nghiện tại cơ sở theo diện bắt buộc.

Có nhiều nguyên nhân, lý do dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao. Đó là nhiều người sau cai nghiện không sửa chữa để từ bỏ ma túy. Mặt khác, người sau cai nghiện vẫn gặp khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng, không tìm kiếm việc làm, xã hội còn kỳ thị, phân biệt đối xử, xa lánh người từng nghiện ma tuý. Thực tế hiện nay, số người sau cai nghiện tìm được việc làm rất ít, có những địa phương vẫn là con số không tròn trĩnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa – Liêu Văn Bùng thông tin: “Các đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn ngại tiếp nhận những người sau cai nghiện vào làm việc”.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng hầu như chưa có. 7 tháng năm 2022, huyện Cần Giuộc có 18 người quản lý sau cai nghiện ở nơi cư trú nhưng không có trường hợp nào thực hiện được chính sách tín dụng. Trong 18 trường hợp này, chỉ có 6 người tái hòa nhập vào cộng đồng (nhưng vẫn trong thời gian quản lý sau cai nghiện), còn lại 2 người tái nghiện và đã lập hồ sơ tiếp tục đưa đi cai nghiện bắt buộc, 10 người có nguy cơ tái nghiện cao.

Cai nghiện ma túy rất gian nan nhưng như thế không có nghĩa là tất cả đều thất bại. Nhiều người đã quyết tâm cai nghiện thành công ma túy. Điều đáng quý ở họ là nghị lực, dám từ bỏ quá khứ lỗi lầm để làm lại cuộc đời và bên cạnh họ vẫn có nhiều nguồn động viên, hỗ trợ từ gia đình và xã hội./.

(còn tiếp)

Lê Đức

Bài 2: Mối lo sử dụng ma túy tập thể

Tội phạm, tệ nạn ma túy đã và đang gây ra nhiều tác hại, nỗi đau. Dù vậy, có những kẻ vì siêu lợi nhuận bất chính mà vẫn táng tận lương tâm, gieo rắc "cái chết trắng" trong cộng đồng. Nhiều người trẻ cứ như "con thiêu thân" lao vào làn khói trắng. Điều đáng lo, thời gian qua, thanh niên sử dụng ma túy tập thể được phát hiện ngày càng nhiều.

Bài 4: Xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa

Chia sẻ bài viết