Tiếng Việt | English

08/04/2022 - 21:05

Mạch nguồn tâm linh khơi từ đất Tổ - Đền Hùng

Này lên! Này lên! Này lên! - Lên non Cổ tích, lên đền Hùng Vương - câu ca dao mô tả đường lên Đền Hùng: Mỗi lần “này lên” là một lần vượt lên một tầng núi.

“Này lên” lần đầu là lên Cổng Lớn (Đại Môn) với 4 chữ Hán thành một hàng ngang trên cổng. Cụ Vũ Tuấn Sáng, tự Tảo Trang - cử nhân Hán học, uyên thâm Tây học, đã đối chiếu nhiều sách và tự điển để định nghĩa 4 chữ Hán ấy là “Cao sơn cảnh hành”: Núi cao, đường rộng. Cụ lý giải: Núi cao, đường rộng đã trở thành những biểu tượng của việc tu dưỡng: Núi cao coi như gương đạo đức cao đẹp cần ngưỡng mộ, đường tu tập ngời sáng cần tuân thủ kiên trì. Từ đây, vượt 225 bậc đá lên Đền Hạ là nơi bà Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, nở ra trăm con trai; 50 con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, 50 con ở lại núi với mẹ Âu Cơ. Con trai cả được tôn làm vua, xưng hiệu Hùng Vương thứ Nhất. Cứ vậy, các em nối ngôi anh cả làm vua cai trị nước Văn Lang đến đời Hùng Vương thứ 18.

Ngày 11/4/1946, tại Sân vận động Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách khoa) Hà Nội, Tổng hội Sinh viên đã tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. 16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh (chống gậy) đến dự lễ

“Này lên” lần thứ hai là lên Đền Trung ở lưng chừng núi, có miếu Tổ thờ 18 đời vua Hùng. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng ngồi bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng. Đây là nơi chàng hoàng tử nghèo mà hiếu thảo Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh giầy lên vua cha rồi được vua cha truyền ngôi.

Từ Đền Trung, ta “này lên” 102 bậc nữa là đến đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nơi có Đền Thượng “Kính Thiên lĩnh điện” thờ Trời. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng cùng các bô lão tế trời cầu mưa thuận gió hòa, muôn dân no đủ. Bên trái Đền Thượng là Hùng Vương lăng, bên phải đền là Cột đá thề của An Dương Vương. Từ đỉnh núi ngó xuống phía Đông Nam sẽ thấy Đền Giếng, nơi thờ 2 nàng Mỵ nương (con gái các vua Hùng) là Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái Hùng Duệ Vương. Nơi đây có giếng nước trong như gương, gọi giếng Ngọc mà chị em Tiên Dung và Ngọc Hoa thường tắm mỗi sáng. Lớn lên, Tiên Dung phải duyên Chử Đồng Tử; sau trận tranh tài huyền thoại, Sơn Tinh thắng Thủy Tinh, đã lấy được nàng Ngọc Hoa cực kỳ xinh đẹp làm vợ.

Cổng (Đại Môn) với 4 chữ "Cao sơn cảnh hành"

Tạp chí Xưa&Nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (số 517 - tháng 3-2020), có bài Hùng Vương trong tâm thức người Việt - nghiên cứu thời kỳ đầu dựng nước Việt Nam. Với cách tiếp cận đa bộ môn và phương pháp liên ngành cùng quá trình khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học (KCH) thuộc các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, Phùng Nguyên, đặc biệt là Văn hóa Đông Sơn, các nhà nghiên cứu đã có thể đưa ra một kết luận tổng quát: Văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa, đã ra đời, phát triển và đạt tới đỉnh cao trên đất nước Việt Nam.

Thành tựu của những nỗ lực tìm tiếng nói người xưa bằng các di vật KCH tìm thấy trong các di chỉ KCH - từ các vòng tay, xuyến đá, khuyên tai, vật trang sức của các Mỵ nương cho tới các loại rìu, cuốc, lưỡi cày, lao, giáo, mũi tên,... thể hiện công cụ mà các vua Hùng dùng dạy dân săn thú, cấy trồng, luyện quân đánh giặc, giữ nước,... Các nhà khoa học cũng dần vén bức màn truyền thuyết bằng những vật chứng KCH, cho thấy thời tổ tiên ta dựng nước đã có bước phát triển cao đến rất cao.

Hàng năm, cứ bước vào tháng 3 Âm lịch, cả nước lại hướng về Đất Tổ - Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ. Trên mọi miền đất nước, thống kê có hơn 1.410 đền thờ Hùng Vương, song Đền thờ Hùng Vương ở Phú Thọ là Di tích quốc gia đặc biệt - được coi như cái nôi hồn thiêng sông núi. Khi mở kênh YouTube xem lại cảnh 2 người Mỹ gốc Việt cùng đi trẩy hội Đền Hùng ở Phú Thọ, dưới cái rét Đông Xuân năm 2022, sau khi dâng hương bái vọng tổ tiên, họ bày tỏ lòng tự hào, hạnh phúc vì được hành hương về cội nguồn của mình. Không chỉ vậy, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nào tại Đền Hùng Phú Thọ cũng đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài về dự và bày tỏ niềm tự hào, hạnh phúc khi được dâng hương lên Tổ nước Hùng Vương. Bởi thế, dân gian luôn ca truyền câu ca dao Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba như một lời nhắc nhớ về nguồn cội./.

Quang Hảo (Tổng hợp từ nhiều nguồn)

Chia sẻ bài viết