Tiếng Việt | English

09/09/2024 - 18:29

Mát - Không Rác - Nơi bắt đầu từ tình yêu quê hương

“Khi chúng ta yêu quý, gắn bó với quê hương, chúng ta sẽ nhìn thấy được vẻ đẹp của nó, cho dù là vùng núi, vùng biển hay bất kỳ nơi nào cũng có vẻ đẹp riêng. Chỉ cần biết tận dụng những gì quê hương ban tặng, chúng ta sẽ có thể thu hút mọi người đến với mình”. Đó là lời chia sẻ đầy tự hào của đôi vợ chồng trẻ Trần Bảo Tân và Võ Thị Thùy Mỵ khi được hỏi về ý tưởng mở quán giải khát mang tên Mát - Không Rác ở giữa cánh đồng thuộc ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Như cái tên đầy ý nghĩa, Mát - Không Rác từ khi hoạt động đến nay chưa xả rác ra môi trường.

Bắt đầu từ cái nhỏ

Từ rất lâu, Tân ấn tượng với những quán ở Đà Lạt, dù trong hẻm, xa trung tâm, đường khó đi nhưng vẫn đông khách. Và Tân hiểu được, muốn kinh doanh quán giải khát hiệu quả thì phải có cái gì đó đặc biệt để thu hút khách.

Cả 2 vợ chồng đều là người con của quê hương Long An, tuổi thơ gắn liền với những cánh đồng lúa ngút ngàn. Vậy là Tân suy nghĩ, nếu có một nơi sạch sẽ, gần với ruộng đồng cho mọi người đến chơi rồi uống một ly trà sữa, ngắm con mình chạy nhảy bên cạnh những cánh đồng lúa của quê hương, ngắm cảnh hoàng hôn với bầu trời sáng đỏ rực sẽ rất tuyệt vời.

Vợ chồng Trần Bảo Tân và Võ Thị Thùy Mỵ tại quán Mát - Không Rác của mình

Tân chia sẻ: “Long An có những cánh đồng lúa mà mỗi lần bạn bè ở phương xa về chơi đều trầm trồ. Vậy thì tại sao chúng ta không tận dụng để làm một điểm đến cho mọi người”.

Biến suy nghĩ, ước mơ thành hành động, vợ chồng Tân tận dụng nét đẹp, sự độc đáo của quê hương để làm ý tưởng mở quán Mát - Không Rác của mình.

Cả 2 chọn bắt đầu từ cái nhỏ, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, không vay mượn để mạo hiểm khi mình chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm về kinh doanh. Vậy là quán được mở với số tiền tích lũy hơn 150 triệu đồng. Và đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của vợ chồng Tân từ trước đến nay.

Trong quá trình xây dựng quán, để tiết kiệm chi phí, Tân chỉ thuê 2 người hàng xóm phụ làm quán, còn phần lớn công việc đều do vợ chồng tự tính, tự làm, từ việc lên ý tưởng cho đến thi công.

Quán được làm bằng tường đất như căn nhà giản dị của đôi bạn trẻ đang ở và mất 4 tháng để hoàn thiện.

Mát - Không Rác không trang trí nhiều mà giữ lại nét tự nhiên, bình dị nhất có thể cho quán

Quán không chú trọng trang trí nhiều, chỉ là một cây cầu nhỏ bằng gỗ giữa cánh đồng, một quầy pha chế nhỏ được làm bằng đất do tự tay vợ chồng Tân làm, bởi điều quan trọng Tân và Mỵ muốn là gìn giữ môi trường, cảnh quan xung quanh, mang đến cho khách đến với Mát - Không Rác khung cảnh bình yên và gần gũi nhất với quê hương.

Mỗi mùa vụ ở Mát - Không Rác đều có những cảnh đẹp và trải nghiệm khác nhau, mùa lúa xanh rồi lúa chín. Bởi vậy, quán có cánh đồng xanh mát mắt, có mùi hương lúa thoang thoảng như nuôi dưỡng con người chúng ta với những gì bình dị nhất, như tuổi thơ không điện thoại, chỉ có tiếng trò chuyện cười đùa với nhau, sống chậm lại bên gia đình.

Mùa nước nổi, khách của quán có thể trải nghiệm chèo ghe dạo xung quanh khuôn viên của quán. Đặc biệt, ở Mát - Không Rác, Tân luôn ưu tiên tạo một bầu không khí trong lành cho các bé nên tách biệt khu hút thuốc và không hút thuốc.

“Mát - Không Rác hoạt động đến nay được hơn 2 năm. Đó là thành công đầu tiên và niềm tự hào của tụi mình. Nó khẳng định một điều, nếu yêu quý quê hương, yêu quý những gì mình có, mình sẽ thấy ưu thế của nó và nếu biết tận dụng ưu thế đó, mình sẽ thành công” - Tân vui vẻ kể.

Điểm vui chơi của các gia đình

Ngoài thử sức mình với hoạt động kinh doanh, mục tiêu mở quán của đôi bạn trẻ là tạo một nơi vui chơi cho các gia đình, nhất là những đứa trẻ được chạy nhảy trên những cánh đồng lúa của quê hương. Và vợ chồng Tân cũng có một nơi để thư giãn, tránh xa tiếng ồn của xe cộ.

Quán dùng dây đay thay cho túi nylon; dùng ly và ống hút làm bằng tre, bàng, giấy nên rất thân thiện với môi trường

Do vậy, từ khi hoạt động đến nay, quán luôn chú trọng gìn giữ khung cảnh tự nhiên. Đặc biệt, quán chưa bỏ rác ra môi trường mà phân loại để xử lý. Theo đó, rác hữu cơ được làm phân bón, rác vô cơ được đốt mỗi ngày. Quán dùng dây đay thay cho túi nylon; dùng ly và ống hút làm bằng tre, bàng, giấy nên rất thân thiện với môi trường.

“Gìn giữ nét đẹp tự nhiên của quê hương là cách tốt nhất để thu hút khách hàng, đó là lý do quán có cái tên hơi lạ Mát - Không Rác” - Tân cho biết.

Trong suốt hơn 2 năm hoạt động, quán gần như không làm hoạt động marketing nào. Khách đến với Mát - Không Rác rồi chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, nhiều người nhìn thấy những cánh đồng lúa tuyệt đẹp, khung cảnh bình yên đến lạ thường, rồi bạn bè hỏi “chụp ở đâu mà đẹp vậy?”,... Đó là cách quán được nhiều khách ở phương xa biết đến và ghé thăm.

Khách đến Mát - Không Rác vì vẻ đẹp của quê hương Long An và đôi khi là những người con Long An xa quê, mỗi khi có cơ hội về quê lại muốn đến quán để nhìn lại khung cảnh có cánh đồng lúa quen thuộc của tuổi thơ.

Riêng khách là người địa phương, đến với quán vì thích mùi thơm lúa chín, nhìn màu xanh của lúa non, mùa nước nổi và được nhìn con mình chạy nhảy bên cạnh những cánh đồng.

Tân nói thêm: “Mát - Không Rác thu hút khách một phần nữa do quán không phải như những quán check in khác. Những quán khác phải đầu tư nhiều nên nước uống có giá khá cao. Riêng ở Mát - Không Rác, khách hàng chỉ cần 10.000-25.000 đồng là có thể gọi một ly cà phê hay trà sữa để thưởng thức và ngắm cảnh hoàng hôn trên cánh đồng lúa thơm mát cũng như có những tấm ảnh check in sống ảo tuyệt đẹp”.

Mục tiêu ban đầu quán đặt ra là mỗi ngày tiếp đón 20-30 khách nhưng thời gian đầu khai trương, có ngày quán đón tiếp hơn 400 khách. Đến nay, trung bình mỗi ngày hơn 80 khách.

“Vợ chồng Tân tự hào vì đã dám làm những điều mình nghĩ, dám bắt đầu để học hỏi. Khởi nghiệp với số vốn tích lũy và không có kinh nghiệm, nhưng sau hơn 2 năm, quán cho đôi bạn trẻ nhiều kinh nghiệm và thu nhập đủ trang trải cuộc sống bình dị mà cả 2 theo đuổi. Đó là lối sống đơn giản, gần gũi, gắn bó với quê hương, cặm cụi bên mảnh vườn giống như ông bà mình ngày xưa, nên sự thành công của quán Mát - Không Rác thật sự ngoài sự mong đợi. Tân cảm thấy quê hương không bao giờ phụ những người biết trân trọng và yêu quý nó” - Tân trải lòng./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết