Tiếng Việt | English

12/04/2016 - 14:26

Mặt trận tình báo mới và mối đe dọa với Việt Nam

Mới đây, một quan chức Bộ Công an cho hay Việt Nam đã trở thành mục tiêu tấn công xâm nhập, thu thập thông tin tình báo hàng đầu của các nhóm tin tặc trên không gian mạng, theo một báo cáo tình báo của Mỹ. An ninh mạng không còn là vấn đề xa vời của những nước phát triển mà đã là một nguy cơ an ninh quốc gia tại VN.

Theo thống kê, Việt Nam vẫn là một trong số các quốc gia phải đổi mặt nhiều nhất với mã độc.Việt Nam đứng số 1 thế giới về tỷ lệ lây nhiễm mã độc qua thiết bị lưu trữ ngoài (USB, thẻ nhớ, ổ cứng di động) với tỷ lệ 70,83% máy tính bị lây nhiễm; 39,95% người dùng phải đối mặt với mã độc bắt nguồn từ không gian mạng.

Đại tá Nguyễn Văn Thỉnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an trích dẫn báo cáo tình báo về các mối đe dọa toàn cầu của công ty CrowdStrike (Mỹ) cảnh báo Việt Nam có thể tiếp tục là một trong những mục tiêu tấn công chủ đạo của các nhóm tin tặc liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Chiến trường thứ năm

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc từng tuyên bố: “Không gian mạng là chiến trường thứ năm và là mặt trận tình báo mới”. Nước này bị tình nghi đứng sau những cuộc tấn công quy mô lớn vào Hoa Kỳ.

Năm 2013, Trung Quốc bị tình nghi là đã tổ chức một cuộc tấn công nhằm đánh cắp hàng nghìn tỷ dữ liệu gồm tài sản sở hữu trí tuệ, email, tài liệu hoạch định chiến lược của chính phủ, nhà thầu quốc phòng Mỹ và các công ty liên quan khác.

Đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị An ninh tại Nga tháng 6/2015.

Cuộc đấu chính trị cam go

Theo Lloyds of London, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới cho biết các vụ tấn công mạng và sự gián đoạn sau đó gây thiệt hại khoảng 400 tỷ USD cho các doanh nghiệp mỗi năm.

Những thiệt hại nhãn tiền về kinh tế và mối đe doạ về khủng bố mạng đã đủ lớn đến mức các quốc gia không thể ngồi yên. Ngay cả Trung Quốc và Nga, những nước được cho là thu lợi nhiều từ hoạt động tội phạm mạng được nhà nước chống lưng, cũng phải tuyên bố muốn giám sát chặt chẽ hơn.

An ninh mạng liên tiếp được đặt lên bàn nghị sự những hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo cấp cao toàn cầu.

Năm 2015, G20 đã đưa ra quy chế trong không gian mạng. Theo đó, các nhà lãnh đạo khẳng định áp dụng luật pháp quốc tế đối với hành vi nhà nước trong không gian mạng. Tất cả các quốc gia phải tuân thủ các chuẩn mực về hành vi có trách nhiệm của các nước trong không gian mạng, đồng thời các quốc gia không được phép tiến hành hoặc hỗ trợ hành vi trộm cắp các tài sản các sở hữu trí tuệ qua mạng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty hoặc các lĩnh vực thương mại của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã ký cam kết G20 chống gián điệp mạng.

Thượng đỉnh G7 tháng 5 tới taị Tokyo tiếp tục đưa an ninh mạng thành tiêu điểm thảo luận.

Trả lời Tuần Việt Nam, chuyên gia hàng đầu an ninh mạng, mật mã quốc tế- GS Bruce Schenier cho rằng G7 cần thực hiện những cuộc đối thoại về an ninh mạng thật hiệu quả. Câu chuyện không chỉ đơn giản là công nghệ mà vấn đề giải quyết cốt lõi là ở chính trị.

Biện pháp trừng phạt đối với tội phạm mạng quốc tế cần ở cấp quốc tế, chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia, trong đó trước hết đòi hỏi phải tăng cường tính minh bạch quốc tế. Khi công khai chỉ trích không phát huy hiệu quả, chắc chắn bước tiếp theo sẽ là biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh.

Năm ngoái, Tổng thống Obama trên thực tế từng đe dọa trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc do hoạt động gián điệp mạng.

Đối với Việt Nam, Bộ trưởng Công an, nay là Chủ tịch nước Trần Đại Quang từng nhấn mạnh: Đã đến lúc cần có cái nhìn xa hơn về tương lai để xác định hành động cho hiện tại. Theo ông, để ứng phó với mối đe doạ an ninh mạng, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc với những giải pháp đồng bộ.

Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã xây dựng Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, tập trung vào khả năng phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin, thích ứng linh hoạt, giảm thiểu rủi ro và giảm nhẹ hậu quả của các cuộc tấn công, nâng cao năng lực mạng lưới điều phối ứng cứu sự cố về an toàn thông tin, nhanh chóng khôi phục trở lại trạng thái bình thường của hệ thống khi xảy ra sự cố.

Diễn đàn Toàn cầu Boston do Giáo sư Michael Dukakis Cựu ứng cử viên Tổng Thống Mỹ làm Chủ tịch, cùng với Giáo sư Joseph Nye, Giáo sư Jose Barroso (Cựu Chủ tịch Châu Âu, Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha), và các Giáo sư ở các trường đại học hàng đầu thế giới ở Harvard, MIT, Princeton, UCLA, Brown, đã đưa ra một chương trình hợp tác với chính phủ Nhật Bản nhằm xây dựng “Sáng kiến chống khủng bố mạng” cho Hội nghị thượng đỉnh G7 qua nhiều cuộc đối thoại với các GS và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng trên thế giới.

Lan Anh/Vietnamnet.vn

Chia sẻ bài viết