Tiếng Việt | English

14/12/2020 - 19:31

Mở đường cho vùng quê phát triển

Giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh Long An được quan tâm đầu tư nên ngày càng thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Đường nông thôn đã được trải nhựa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại

Đường nông thôn đã được trải nhựa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại

Khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thực trạng hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh còn khá yếu, đường đất, cầu tạm bợ nhiều. Qua đánh giá, tiêu chí giao thông rất khó thực hiện, nhất là ở những nơi có nền đất yếu, hệ thống kênh, rạch chằng chịt như ở khu vực Đồng Tháp Mười, bởi nguồn vốn đầu tư lớn và còn liên quan đến việc giải phóng mặt bằng vì nhiều công trình phải mở rộng,...

Tuy nhiên, từ sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân, nhiều cây cầu, tuyến đường GTNT được đầu tư mở rộng, trải nhựa, bêtông, sỏi đỏ,... Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào hiến đất làm đường lan tỏa sâu, rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Điển hình như ông Nguyễn Lương Duyên (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) đã hiến gần 6ha đất lúa; ông Nguyễn Văn Thơi (ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) đã hiến gần 5ha đất lúa làm đường GTNT;...

Bên cạnh những cá nhân, nhiều địa phương đã vận động, huy động được nguồn lực đóng góp rất lớn từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để làm GTNT, nhất là huyện Châu Thành, Tân Trụ. Ngoài ra, trong thực hiện đầu tư GTNT, ở tỉnh cũng huy động được nguồn tài trợ từ chương trình vận động xây dựng cầu nông thôn cho 6 huyện, thị xã biên giới của tỉnh do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động.

Qua thời gian thực hiện chương trình, kết cấu hạ tầng giao thông ngày được kết nối, đồng bộ hơn. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Nếu như năm 2010, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, qua khảo sát toàn tỉnh chỉ có 2 xã cơ bản đạt tiêu chí giao thông, tuy nhiên đến nay đã hơn 90 xã đạt.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đến năm 2019, toàn tỉnh có 8.153km đường giao thông (tăng hơn 3.000km so với năm 2010); trong đó, đường bêtông nhựa hơn 435km (tăng gần 151km so với năm 2010), đường láng nhựa là hơn 2.718km (tăng 2.165km so với năm 2010), đường bêtông xi măng 1.488km (tăng 1.263km so với năm 2010), đường cấp phối gần 2.351km (giảm gần 570km so với năm 2010), đường đất 1.161km (giảm hơn 266km so với năm 2010).

Cầu giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng

Cầu giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng

Nhìn những con đường trải bêtông chạy dài giữa cánh đồng huyện Tân Trụ, ông Lê Văn Lâm, ngụ xã Quê Mỹ Thạnh, chia sẻ: “Ở xã, huyện có nhiều tuyến đường do người dân hiến đất để mở rộng. Những tuyến đường đã tạo động lực mới cho vùng quê phát triển, đổi mới".

"Trước đây, việc đi lại rất khó khăn vì cầu, đường tạm bợ, nhỏ, hẹp. Điều này gây nhiều trở ngại cho vận chuyển hàng hóa, nông sản. Bây giờ đã khác, có cầu rồi, người dân đi lại trở nên dễ dàng, an toàn hơn. Cầu, đường được xây dựng, mở rộng đến đâu thì kéo theo sự phát triển đến đó" - bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, bày tỏ.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, nhìn chung, mặt đường cấp phối còn chiếm tỷ lệ cao, tiêu chuẩn kỹ thuật đường GTNT vẫn còn nhiều bất cập như thiếu biển báo, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn còn. Nhiều nơi mặt đường còn nhỏ, hẹp, tầm nhìn bị hạn chế, tải trọng thấp; nhiều tuyến vẫn chưa được đồng bộ trong thiết kế cầu, cống và đường.

“Thời gian tới, GTNT tiếp tục được quan tâm đầu tư và huy động nhiều nguồn lực để triển khai, thực hiện. Đồng thời, Sở sẽ quan tâm đến những giải pháp để bảo vệ, tu sửa, bảo trì các công trình nhằm phục vụ lâu dài" - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung thông tin./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết