Tiếng Việt | English

02/09/2020 - 07:26

Long An vững vàng trên đường phát triển

Phát huy tinh thần, truyền thống vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Long An tiếp tục ra sức phấn đấu, nỗ lực kiến thiết, xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, góp phần chung vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Phát huy tinh thần của quê hương “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” Long An luôn nỗ lực, phấn đấu để xây dựng, kiến thiết quê hương. Ảnh: Thanh Mỹ

Những ngày này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang sống lại những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm 1945 mãi mãi là một mốc son lịch sử vĩ đại, đáng tự hào của đất nước. Sự kiện này đã khẳng định với toàn thế giới về một đất nước Việt Nam độc lập, tự do và dân chủ. Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Dưới ngọn cờ lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta tiếp tục thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất, kiên trung, chung sức, đồng lòng, không ngại hy sinh, gian khổ để đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Quân và dân Long An luôn đoàn kết, đồng lòng, đóng góp sức người, sức của, sát cánh cùng quân - dân các địa phương khác tạo nên những chiến thắng vang dội, đóng góp vào những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu cao quý “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, góp phần quan trọng cùng miền Nam làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, tinh thần yêu nước ấy tiếp tục được thể hiện và duy trì cho đến ngày hôm nay.

Hòa bình lập lại, đất nước sạch bóng quân thù, Đảng bộ, quân và dân Long An tổ chức, bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương. Tỉnh tập trung khôi phục nền kinh tế, ổn định sản xuất, phát triển văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Long An luôn đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với sự phát triển của tỉnh. Giai đoạn đầu sau khi thống nhất đất nước, Long An vừa khắc phục khó khăn, hàn gắn các vết thương chiến tranh, tổ chức khôi phục và phát triển kinh tế, đi đầu trong phong trào xóa nạn mù chữ ở miền Nam, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, làm trọn nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Long An chủ trương thực hiện cơ chế “một giá”, mua bán hàng hóa theo giá thỏa thuận trong phạm vi toàn tỉnh, góp phần tháo gỡ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, đánh dấu bước ngoặt, khởi đầu đổi mới của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương khai phá, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng Đồng Tháp Mười, nâng cao đời sống của người dân vùng căn cứ cách mạng, tăng diện tích, sản lượng lúa trên địa bàn,... Qua đó, từng bước phục hồi nền kinh tế, sản xuất có sự tăng trưởng rõ rệt, cuộc sống người dân ổn định và cải thiện. Từ một tỉnh nông nghiệp nghèo, sản xuất lương thực không đủ đáp ứng nhu cầu, Long An vươn lên và đi đầu trong cải cách kinh tế. Đây cũng là một trong số ít các địa phương đầu tiên trên cả nước đổi mới tư duy kinh tế, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong suốt dòng chảy của lịch sử, 45 năm qua từ ngày đất nước thống nhất, tỉnh không ngừng nỗ lực để vượt khó, vươn lên và đạt nhiều thành tựu quan trọng, to lớn về phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, các chương trình đột phá, công trình trọng điểm qua các lần Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã góp phần “chắp cánh” vững chắc cho Long An trên con đường phát triển.

Ngày nay, bước vào giai đoạn mới, phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, Long An luôn biết cách tiếp nối để đưa địa phương không ngừng thay đổi, phát triển nhanh, bền vững. Long An khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có, biến các thách thức thành cơ hội mới cho địa phương phát triển, vươn lên tốp đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Long An luôn năng động, sáng tạo, đổi mới trên tất cả lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế. Vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh tiếp tục được duy trì phát triển với thế mạnh về cây lúa. Đây là vùng chuyên canh cây lúa chất lượng cao, đóng góp hàng triệu tấn lúa mỗi năm, ổn định an ninh lương thực, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo của Việt Nam trên trường quốc tế. Tỉnh còn chuyên canh cây thanh long, rau màu, nuôi bò,... theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Đặc biệt, Long An được đánh giá là tỉnh có môi trường đầu tư hấp dẫn bởi vị trí địa lý thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thị trường trong khu vực. Long An giáp ranh TP.HCM, cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những điều kiện này giúp tỉnh thuận lợi trong việc phát triển hài hòa cả công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Từ năm 1997, Long An đã thu hút đầu tư vào địa bàn và hiện nay là ngôi nhà chung của gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 314.215 tỉ đồng; có 1.958 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 230.616 tỉ đồng. Thu hút 1.059 dự án FDI, vốn 6.496 triệu USD. Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp (K,CCN) trên địa bàn tỉnh được phân bố hợp lý, vị trí tiếp giáp TP.HCM. Công nghiệp tỉnh đều tập trung ở những vị trí thuận lợi về đường bộ lẫn đường sông, quy hoạch cảng biển của tỉnh hiện nay có thể tiếp nhận tàu 30.000 tấn và trong tương lai có khả năng tiếp nhận tàu trên 50.000 tấn.

Long An có 32 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam với tổng diện tích 11.524,14ha, trong đó tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động đạt 86,8%.

Long An luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh (Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cùng đoàn công tác của tỉnh thăm, làm việc tại Khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa). Ảnh: Thanh Mỹ

Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh được phê duyệt có 62 CCN với tổng diện tích 3.106ha, trong đó có 21 CCN, diện tích 1.080ha đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 90%. Mục tiêu năm 2020 của Long An là các sở, ngành của tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng các K,CCN để tiếp nhận các dự án đầu tư, phù hợp với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.

Với lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, lao động cùng với chủ trương, chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh là chính quyền địa phương phải đồng hành cùng doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh, vì vậy môi trường đầu tư của tỉnh Long An luôn thông thoáng, hấp dẫn; là điểm sáng thu hút đầu tư trong vùng cũng như của cả nước. Đặc biệt là việc thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng KCN và các nhà đầu tư hoạt động trong các KCN, CCN.

Chính vì thế, nhiều năm qua, Long An luôn là địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao so với trung bình chung của cả nước, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 9,62%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đúng theo định hướng chung của tỉnh (công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp). GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 72,67 triệu đồng (tăng 7,14 triệu đồng so với năm 2018).

Cảng Quốc tế Long An đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển KT-XH địa phương. Ảnh: Thanh Mỹ

Song song đó, tỉnh chú trọng phát triển các dịch vụ, thương mại đồng hành cùng sự phát triển. Dịch vụ logistics được quan tâm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, các siêu thị, cơ sở phân phối, chợ, cửa hàng tiện ích,... ngày càng đáp ứng đầy đủ hơn các nhu cầu của người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Đây là những kết quả tích cực, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của Long An đối với sự phát triển của khu vực nói riêng, cả nước nói chung.

Bước vào giai đoạn mới với truyền thống cách mạng của quê hương “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An quyết tâm khắc phục những khó khăn, hạn chế, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác thu hút đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu,... và chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để “chắp cánh” cho Long An vững vàng trên con đường phát triển./.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út

Chia sẻ bài viết