Tiếng Việt | English

23/06/2024 - 06:47

Mối đe dọa sức khỏe hàng đầu thế giới hiện nay

WHO nhận định AMR là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe hàng đầu thế giới hiện nay, liên quan khoảng 5 triệu ca tử vong mỗi năm.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về kháng sinh, tháng 6/2024, số lượng thuốc kháng khuẩn trong quy trình điều trị đã tăng từ 80 vào năm 2021 lên 97 vào năm 2023, cho thấy nhu cầu cấp thiết về các cải tiến để điều trị các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và thay thế những tác nhân đang trở nên không hiệu quả do sử dụng rộng rãi và đã bị kháng.

Theo WHO, kháng kháng sinh (antimicrobial resistance - AMR) xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với thuốc, khiến con người ốm nặng hơn và làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh nhiễm trùng khó điều trị, bệnh tật và tử vong. AMR chủ yếu do việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc kháng sinh.

Lạm dụng thuốc kháng sinh làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Ảnh NGỌC DƯƠNG

Từ ngày 1.7.2017 đến nay, có 13 loại kháng sinh mới đã được cấp phép lưu hành nhưng chỉ có 2 loại đại diện cho một nhóm hóa chất mới và có thể được coi là cải tiến. Việc này cho thấy thách thức khoa học và kỹ thuật trong việc khám phá các loại kháng sinh mới vừa hiệu quả chống lại vi khuẩn vừa an toàn cho con người.

WHO nhận định AMR là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe hàng đầu thế giới hiện nay, liên quan khoảng 5 triệu ca tử vong mỗi năm. AMR không chỉ khiến việc điều trị các bệnh truyền nhiễm trở nên khó khăn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn, mà còn tạo ra gánh nặng kinh tế khi đòi hỏi việc điều trị nâng cao, tốn kém hơn và kéo dài thời gian nằm viện.

Tại VN, ngành y tế đang triển khai Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các bệnh viện thực hiện các giải pháp kiểm soát kê đơn, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

WHO cảnh báo hậu quả nghiêm trọng từ việc lạm dụng thuốc kháng sinh

WHO cảnh báo hậu quả nghiêm trọng từ việc lạm dụng thuốc kháng sinh 

WHO cảnh báo nếu không có các biện pháp can thiệp ngay lập tức, tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến 10 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu vào năm 2050.

TS-BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhận định: "Việc đẩy lùi đề kháng kháng sinh gặp nhiều thách thức tại VN do thói quen sử dụng kháng sinh của người dân và những khó khăn nhất định trong khâu quản lý kê đơn. Do đó, rất cần sự tập trung nguồn lực và chung tay của các đơn vị, cán bộ y tế và cộng đồng về vấn đề này. Quản lý kháng kháng sinh được đẩy mạnh trong bệnh viện sẽ thêm bước tiến quan trọng trong bảo toàn hiệu quả điều trị của thuốc và nâng cao sức khỏe người bệnh, sức khỏe cộng đồng"./.

Theo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/moi-de-doa-suc-khoe-hang-dau-the-gioi-hien-nay-185240622172526694.htm

Chia sẻ bài viết