Tiếng Việt | English

13/10/2016 - 09:42

Một điểm trường - nhiều nỗi lo

Là một trong những điểm lẻ của Trường Mẫu giáo Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, điểm trường ở ấp 6 gặp nhiều khó khăn từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học,... Từ ngày thành lập đến nay hơn 10 năm, điểm trường này vẫn chưa có nhà vệ sinh.


Chỉ có 1 đồ chơi ngoài trời, trẻ phải đợi để đến lượt mình chơi

Khó khăn mọi bề

Hiện ở điểm trường ấp 6 có 1 lớp lá với tổng số 28 trẻ do 1 giáo viên đảm trách. Tuy số lượng trẻ ít nhưng do phòng học nhỏ nên cả thầy và trò gặp nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động học tập và nghỉ trưa. Khi cho trẻ tham gia các hoạt động, giáo viên phải chia nhóm sao cho phù hợp với điều kiện của lớp học.

Trang thiết bị phục vụ dạy học, đồ dùng đồ chơi còn hạn chế, đặc biệt là đồ chơi ngoài trời. Tại điểm trường này chỉ có 1 đu quay ngoài trời, mỗi lần chơi chỉ được khoảng 5-6 trẻ. Do thiếu đồ chơi, đồ dùng, dạy học nên giáo viên phải dành nhiều thời gian làm thêm đồ dùng đồ chơi, phục vụ việc dạy, giúp trẻ hứng thú trong các hoạt động vui chơi.

Bên cạnh đó, các cơ sở vật chất khác phục vụ học sinh cũng chưa bảo đảm. Điểm trường chỉ có một dãy hàng rào phía trước cổng. Bao quanh lớp học là đồng ruộng. Khó khăn nhất của điểm trường này là thiếu nhà vệ sinh. Hơn 10 năm nay, từ ngày thành lập điểm trường, trẻ phải đi nhà vệ sinh tạm hoặc đi nhờ nhà vệ sinh của Nhà văn hóa ấp 6.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trâm, phụ huynh gửi trẻ tại điểm trường trên chia sẻ: "Nhà vệ sinh không có trong phòng học, phải đi nhờ nhà vệ sinh của Nhà văn hóa ấp cũng bất tiện, tôi lo bé lười đi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, điểm trường không có hàng rào, xung quanh lại có đường nước và đồng ruộng nên tôi rất lo lắng”.

Cần sự chung tay của xã hội

Trước những khó khăn của điểm trường mẫu giáo ấp 6, Ban quản lý ấp, phụ huynh cùng chung tay hỗ trợ trường, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa điểm chính và điểm phụ.

Trước mỗi buổi học, những phụ huynh gần đó đến lớp sớm để dọn dẹp phòng học, nhà vệ sinh mà trẻ đi nhờ và các khu vực xung quanh. Phụ huynh còn chịu trách nhiệm nấu bữa trưa cho trẻ, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho trẻ.

Ngoài ra, những việc nào có thể hỗ trợ giáo viên, phụ huynh đều nhiệt tình tham gia như rửa chén, lau phòng học trước khi trẻ ngủ, theo dõi trẻ vệ sinh cá nhân,... Nhờ vậy, dù chỉ có một giáo viên đảm trách nhưng trẻ cũng được quan tâm và chăm sóc khá tốt.


Trẻ chia nhóm nhỏ để tham gia các hoạt động

Cùng với những hỗ trợ ấy, địa phương còn vận động mạnh thường quân làm mái che, láng sân trường, làm dãy hàng rào trước cổng cho điểm trường, đồng thời tặng quà cho trẻ vào các dịp lễ, tết và đầu năm học mới. Đặc biệt, mới đây, Ban quản lý ấp 6 vận động xã hội hóa làm bồn rửa tay cho trẻ.

Bí thư Chi bộ ấp 6 - ông Phạm Hồng Phước cho biết: Trước đây, trẻ phải ngồi bệt để rửa tay. Cạnh đó lại có một đường nước của đám rộng, rất nguy hiểm. Do đó, tôi cùng các thành viên của Ban quản lý ấp hỗ trợ làm chỗ rửa tay bảo đảm an toàn cho trẻ. Nhờ vậy, phụ huynh cũng đỡ lo lắng.

Tuy được sự hỗ trợ hết mình từ địa phương nhưng so với các lớp ở những điểm trường khác thì học sinh ở điểm trường ấp 6 còn nhiều thiệt thòi. Do đó, phụ huynh, chính quyền địa phương mong muốn điểm trường được mở rộng, bảo đảm cơ sở vật chất cũng như đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết