Mặc dù có nhiều bước ngoặt, vất vả nhưng vợ chồng nghệ sĩ xiếc Tống Mạnh Linh - Nguyễn Thụy Ngọc Dung vẫn quyết định ở lại với nghề xiếc. Anh chị gần như dành cả cuộc đời gắn bó với Đoàn Xiếc Long An
Những khúc ngoặc trong nghề
Mới 22 tuổi đời, NS xiếc Tống Mạnh Linh (Phó Trưởng đoàn Xiếc Long An, thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) đã đối mặt với cú sốc lớn. Trong một lần tập luyện tiết mục xiếc trên cao, anh rơi từ độ cao 8m xuống sàn tập. Cú té nặng khiến cánh tay biến dạng. Sau khi được bác sĩ sắp xếp xương lại đúng vị trí, anh Linh nhận ra mình không thể cử động được các ngón tay. Cánh tay một thời mạnh mẽ giúp anh hoàn thành các tiết mục xiếc khó: Nhào lộn, chống tay thăng bằng trên ghế,… nay không thể cầm được một tờ báo. Nỗi thất vọng tràn ngập, tương lai gần như đóng sập trước mắt NS trẻ.
Mặc dù mới chính thức vào nghề từ năm 18 tuổi nhưng NS Tống Mạnh Linh đã tiếp xúc với xiếc từ ngày nhỏ. Đam mê biểu diễn xiếc ăn sâu vào tâm thức anh từ những ngày thơ theo cha đi biểu diễn gần xa. Nhìn cánh tay của mình, anh khóc nhiều, nhưng khát khao đứng trên sân khấu, tình yêu dành cho xiếc đã chiến thắng nỗi sợ hãi, bất lực. Anh bắt đầu tập vật lý trị liệu. Từng ngày từng ngày, kiên trì nhẫn nại, sau 4 tháng, anh quay lại sân khấu. Trước đó, khi tay còn băng bó, vì quá nhớ nghề, anh mang cánh tay ấy ra sàn tập với suy nghĩ nếu không có cơ may hồi phục, anh sẽ là diễn viên xiếc một tay!
Chuyện xảy ra hơn 20 năm, nhưng với anh Linh, như mới ngày hôm qua. Đó là biến cố đầu tiên, lớn nhất trong cuộc đời làm NS xiếc của anh. Đến nay, anh Linh không còn nhớ mình đã gặp bao nhiêu chấn thương. Điều đọng lại sau cả cuộc đời biểu diễn chính là tiếng vỗ tay tán thưởng và niềm hạnh phúc hoàn thành trọn vẹn một tiết mục khó trên sân khấu. 5-10 phút huy hoàng, rực rỡ chính là động lực kéo anh về lại với nghề sau 1 năm gián đoạn. Anh Linh kể: “Có một giai đoạn vì cuộc sống quá khó khăn, tôi với vợ bàn nhau chuyển sang nghề khác dễ kiếm sống hơn và có điều kiện chăm sóc gia đình hơn. Vợ tôi cũng theo nghề xiếc từ nhỏ, cô ấy rất yêu nghề, nhưng vì gia đình có thời gian rẽ sang lối khác rồi sau đó lại quay lại với nghề. Sau 1 năm chọn đi đường khác, vợ chồng tôi nhận ra, nhiều khi cơm áo gạo tiền không còn quan trọng nữa vì máu nghề cứ cháy hừng hực trong lòng”. Trở lại với nghề, vợ chồng anh Linh quyết không bao giờ rời bỏ, dù khó khăn, vất vả đến chừng nào.
Tiết mục xiếc do nghệ sĩ Tống Mạnh Linh dàn dựng tham gia cuộc thi "Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc năm 2018"
“Đã gắn bó rối là không muốn bỏ đi"
Làm NS xiếc là nghề vừa nguy hiểm, vừa lắm xót xa. Nguy hiểm vì thương tích có thể đến bất cứ lúc nào trong khi tập luyện, biểu diễn. Xót xa vì nghề có tuổi, đến một lúc nào đó, tuổi tác không cho phép người NS đứng trên sân khấu với những tiết mục nguy hiểm nữa thì buộc họ phải rời xa. Xót xa vì lỡ chọn nghề, chọn theo đoàn xiếc là chọn xa gia đình, con cái. Có những chuyến đi kéo dài hàng tháng, hàng mấy tháng, vợ chồng anh Linh gửi con ở nhà cho ông bà nội trông nom, có dịp thì tranh thủ về ghé thăm. Buồn nhất có lẽ là những đêm giao thừa, khi nhà nhà quây quần ấm áp thì anh em đoàn xiếc có khi đang lưu diễn nơi xa. Tiết mục cuối cùng kết thúc, đèn sân khấu tắt đi, khán giả về nhà sum họp đón giao thừa, nghệ sĩ xiếc ngồi cùng nhau và… nhớ tới gia đình. “Đã chọn nghề thì chấp nhận. Đó là khó khăn chung của người làm NS mà!” - anh Linh bình thản nói.
Cả anh Linh và chị Dung đều là “con nhà nòi” nên ngọn lửa đam mê dường như không thể nào tắt được trong lòng anh chị. Cha của anh chị đều là những người tham gia gầy dựng và phát triển tên tuổi Đoàn Xiếc nhân dân Long An, nay là Đoàn Xiếc Long An thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh.
Anh Linh tâm sự: “Nghề này nguy hiểm thì nhiều lắm. Để có một tiết mục đặc sắc trên sân khấu được khán giả vỗ tay, tán thưởng, người NS phải bỏ rất nhiều công tập luyện. Có tiết mục phải tập cả năm. Tai nạn trong khi tập luyện hoặc trình diễn là thường tình. Vợ tôi cũng vừa phẫu thuật nối dây chằng khớp chân cách đây không lâu”. Rồi anh xòe tiếp bàn tay cho chúng tôi xem chỗ gân bị đứt, vết sẹo vẫn còn nhìn thấy rõ. Những “chiến tích” nghề nghiệp ấy khiến chúng tôi nghĩ người NS xiếc thành công không chỉ đánh đổi bằng mồ hôi mà đôi khi có cả máu và nước mắt.
Nghệ sĩ xiếc Tống Mạnh Linh 26 năm về trước
Mùa lưu diễn của năm 2020 chính thức bắt đầu vào ngày 28/12/2019. Năm nào cũng vậy, đoàn xiếc luôn có một đợt biểu diễn tại Tân An trước khi đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Rạp được dựng lên, chương trình quảng cáo bắt đầu khởi động trước khoảng nửa tháng để người dân được biết. Anh Linh kể: “Anh em bắt đầu chuẩn bị cho buổi diễn đầu tiên cách đây hơn 1 tháng. Mọi thứ phải thật chu đáo!”. Chúng tôi hỏi, anh có e ngại những đoàn xiếc “chụp giật” khác làm ảnh hưởng đến đoàn không? Anh Linh khẳng định không, anh nói, việc giữ được tên tuổi hay không là do chính người NS. Anh tin rằng, tên tuổi Đoàn Xiếc Long An không thể bị lung lay.
Cả cuộc đời dành trọn cho nghề xiếc, hiện tại, anh Linh là phó trưởng đoàn, tuy ít lên sân khấu, nhưng vẫn tham gia dàn dựng các tiết mục xiếc biểu diễn tại đoàn và tham gia các liên hoan xiếc. Đưa mắt hướng về phía rạp xiếc có các NS đang tập dợt, anh Linh cười: “Biết là nghề vất vả, nhưng đã gắn bó rồi là không muốn bỏ đi đâu!”. Chính vì vậy mà vợ chồng anh đã cùng nhau sóng bước trên hành trình hơn 30 năm trong nghề xiếc.
Phương Phương