Tiếng Việt | English

27/03/2021 - 20:55

Mỹ ra 'tối hậu thư' với các hãng công nghệ Trung Quốc

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang phải đối mặt với tối hậu thư của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC): hoặc là tuân thủ các thông lệ kế toán của Mỹ hoặc hủy niêm yết tại Mỹ.

Baidu là một trong số các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết thứ cấp tại Hồng Kông trong thời gian gần đây. Ảnh: BLOOMBERG

Baidu là một trong số các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết thứ cấp tại Hồng Kông trong thời gian gần đây. Ảnh: BLOOMBERG

Các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại New York (Mỹ) có thể sẽ khó tránh khỏi quyết định phải rời Mỹ sau khi SEC hôm 24.3 cho biết đang bắt đầu tiến hành các bước để thực thi luật từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể, luật yêu cầu các công ty kế toán cho cơ quan quản lý của Mỹ xem xét hoạt động kiểm toán của các công ty ở nước ngoài. Những công ty không cho phép kiểm tra sổ sách của họ trong ba năm có thể bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch Mỹ theo Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài (Holding Foreign Companies Accountable Act - HFCA), được ông Trump ký thành luật vào tháng 12.2020, một tháng trước khi ông rời nhiệm sở.

Các công ty Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không thể tuân thủ luật này, vì quy định trong nước cấm doanh nghiệp cung cấp quyền truy cập vào tài liệu kế toán cho cơ quan quản lý nước ngoài, nếu không có sự chấp thuận từ phía cơ quan quản lý Trung Quốc. Luật mới của Mỹ cũng yêu cầu công ty Trung Quốc tiết lộ tầm ảnh hưởng của nhà nước và tên của đảng viên có mặt trong hội đồng quản trị công ty, điều này có thể sẽ bị kháng cự mạnh mẽ.

“Đây là sự tiếp nối của chính sách Trump. Nó nhằm hạn chế sự phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc”, Edward Tse, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty tư vấn Gao Feng Advisory Company, nói.

Giá cổ phiếu các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã giảm mạnh ngay sau thông báo của SEC hôm 24.3. Nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo giảm hơn 8,7%, Alibaba Group Holding giảm hơn 3,4%. Trong khi đó, Tencent Music mất hơn 20% chỉ trong một ngày và nền tảng phát trực tuyến iQiyi của Baidu giảm hơn 19%. “Luật mới sẽ có ảnh hưởng sâu rộng”, John Dong, luật sư chứng khoán tại Joint-Win Partners, nhận xét.

Quy tắc được sửa đổi là căng thẳng mới nhất trong quan hệ Mỹ - Trung vốn đã vô cùng lạnh lẽo do nhiều tranh chấp trong vài năm qua. Chính quyền ông Trump đã tranh cãi với Trung Quốc về nguồn gốc của virus Covid-19, nhân quyền, công nghệ 5G và luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông vào mùa hè năm ngoái, cùng với nhiều vấn đề khác.

Nhiều người từng hy vọng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ làm tan băng giữa hai nước, nhưng việc HFCA có hiệu lực là dấu hiệu phản ánh Mỹ - Trung sẽ còn tiếp tục chia rẽ trong thời gian tới. “Không có xu hướng rõ ràng nào cho thấy chính quyền ông Biden sẽ có bước chuyển mình nhẹ nhàng, ít nhất kể từ HFCA. Vì vậy, các công ty Trung Quốc đã chuẩn bị tinh thần cho môi trường niêm yết kém thân thiện hơn ở Mỹ”, Liyang Dong, cộng sự cấp cao tại Jingtian & Gongcheng, nói.

Quy định mới được đưa ra sau khi các quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc cho phép các công ty của họ “gian lận” trên thị trường vốn của Mỹ. Các nhà chức trách Trung Quốc đã nhanh chóng phủ nhận điều này. Hiện một số người có thể vẫn nuôi hy vọng về một thỏa thuận giữa hai nước, nhưng nếu có thì cũng cần một thời gian dài để thiết lập.

Theo ông Liyang Dong, có khả năng các công ty đã niêm yết ở Mỹ sẽ không đi đâu cả, nhưng các công ty muốn niêm yết có thể tránh Mỹ, thay vào đó niêm yết thứ cấp ở những nơi khác. “Nhiều công ty có thể chọn niêm yết ở thị trường như đại lục và Hồng Kông. Trong tương lai, tôi nghĩ lựa chọn hàng đầu để các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu chắc chắn không phải là Mỹ”.

Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã hưởng lợi từ mối quan hệ khó khăn giữa Mỹ và Trung Quốc, khi gần đây một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã nộp đơn đăng ký hoặc đề nghị niêm yết thứ cấp tại thành phố này. Hãng thương mại điện tử JD.com, niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ vào năm 2014, đã niêm yết thứ cấp tại Hồng Kông vào năm ngoái. Baidu đầu tuần này cũng có màn ra mắt tại Hồng Kông. Bilibili, nền tảng phát trực tuyến video và trò chơi di động có giá cổ phiếu tăng vọt kể từ khi niêm yết trên sàn Nasdaq ba năm trước, đã huy động được khoảng 20,2 tỉ đô la Hồng Kông (khoảng 2,6 tỉ USD) từ các nhà đầu tư trong việc niêm yết thứ cấp tại Hồng Kông tháng này.

Trong khi đó, Sina, nhà điều hành Weibo và cũng là công ty Trung Quốc đầu tiên niêm yết ở Mỹ, lại đi theo một hướng khác. Công ty đã hủy niêm yết trên sàn Nasdaq và hoàn tất quá trình tư nhân hóa trị giá 2,6 tỉ USD trong tuần này.

Tuy nhiên, việc thắt chặt các quy định kiểm soát mới ở Trung Quốc và định giá tương đối thận trọng ở Hồng Kông có thể là mối lo ngại đối với các công ty tìm nơi niêm yết. Theo các chuyên gia trong ngành, việc niêm yết ở Mỹ vẫn có những lợi thế không thể tìm thấy được ở những nơi khác, đặc biệt đối với các công ty trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông.

Theo Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, tính đến tháng 10.2020, có 217 công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ, với tổng vốn hóa thị trường là 2.200 tỉ USD./.

Theo thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết