Bộ Quốc phòng Mỹ đang lên các phương án cắt giảm quân tại Đức và dự kiến sớm trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bước đi mới của Mỹ dường như đang làm rạn nứt mối quan hệ đồng minh với Đức, vốn đã “không êm ấm” trong những năm trở lại đây; đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro “bất ổn” cho châu Âu.
Việc rút binh sỹ Mỹ khỏi Đức làm rạn nứt mối quan hệ đồng minh, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro “bất ổn” cho châu Âu. Ảnh: DPA
Ngày 27/6, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Bộ trưởng Mark Esper sẽ đệ trình lên Tổng thống Donald Trump các phương án cắt giảm quân đồn trú của Mỹ tại Đức vào ngày 29/6.
Theo quan chức quốc phòng Mỹ, nước này sẽ cắt giảm 9.500 binh sĩ đồn trú tại Đức, đưa quân số của Mỹ tại đây xuống mức 25.000 quân như xác nhận mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Chúng ta sẽ có 25.000 binh sĩ Mỹ ở Đức. Đây là một lượng lớn binh sỹ và cũng là nguồn chi phí rất lớn đối với Mỹ. Như các bạn biết, nước Đức rất chậm trễ trong những khoản đóng góp cho NATO. Họ đang đóng góp 1% và được cho sẽ đóng góp 2%, song mức 2% vẫn rất thấp. Đức nên đóng góp cao hơn nhiều”, Tổng thống Trump khẳng định.
Theo giới quan sát, Đức hiện chưa đạt được mục tiêu của NATO là chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, tuy nhiên đó không phải là sự chậm trễ trả nợ cho NATO như ông Trump mô tả. Bởi vì mức 2% GDP không phải là một khoản thanh toán cho NATO, mà là chi tiêu cho quốc phòng của riêng mỗi nước.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đặt câu hỏi là: vì sao Mỹ phải chi tiền cho việc bảo vệ Đức khỏi Nga, trong khi họ mua khí đốt của Nga?
Phản ứng trước quan điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer khẳng định, lực lượng binh sĩ Mỹ đồn trú ở Đức và châu Âu không chỉ đảm bảo an ninh cho toàn bộ liên minh quân sự NATO mà trên hết còn đảm bảo an ninh của chính nước Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh, NATO không phải là một tổ chức thương mại và an ninh không phải là hàng hóa... NATO hoạt động dựa trên sự đoàn kết và tin tưởng, trong đó giá trị và lợi ích chung là cơ sở của sự hợp tác.
Quan điểm này cũng vừa được Thủ tướng Đức Angela Merkel đề cập mới đây. Nhà lãnh đạo Đức khẳng định, cần phải xem xét lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong tương lai, nếu Mỹ từ bỏ vai trò là một cường quốc thế giới. Thủ tướng Đức khẳng định, Berlin ý thức được việc cần phải tăng chi tiêu quốc phòng hơn nữa, thực tế Đức cũng đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây cũng như trong thời gian tới. Theo bà Merkel, châu Âu cũng cần phải đóng vai trò lớn hơn so với cuộc Chiến tranh Lạnh.
Dự kiến, một số binh sĩ rút khỏi Đức sẽ được đưa về nước, một số khác sẽ được điều chuyển sang các nước Đông Âu. Ngày 24/6, Tổng thống Trump đã đề cập khả năng chuyển quân từ Đức sang Ba Lan. Động thái này được Ba Lan chào đón, hoan nghênh, song có thể sẽ vi phạm thỏa thuận giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga năm 1997. Theo đó, NATO cam kết không thiết lập các căn cứ quân sự thường trực tại các nước phía Đông của liên minh quân sự này.
Nga luôn phản đối việc mở rộng về phía đông của NATO và triển khai vũ khí hạt nhân gần biên giới với Nga. Tuy nhiên, việc tăng quân và chuyển vũ khí hạt nhân tới Ba Lan của Mỹ là hoàn toàn có thể trong bối cảnh giới chức Đức cũng đang phản đối Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Bởi theo Đại sứ Mỹ tại Ba Lan, nếu Đức muốn thu hẹp năng lực hạt nhân và làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì có lẽ Ba Lan sẽ là nơi triển khai các tiềm lực đó.
Theo giới chuyên gia, nếu Mỹ vận chuyển bom hạt nhân tới Ba Lan sẽ là “giọt nước tràn ly” phá hủy hiệp ước hòa bình giữa Nga và NATO năm 1977 - văn kiện trong đó hai bên cam kết không coi nhau là đối thủ. Kênh RT của Nga cảnh báo nếu Mỹ chuyển đầu đạn hạt nhân sang Ba Lan, có thể làm tái hiện cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962./.
Theo VOV.VN