1. Đặc điểm của cây nấm linh chi
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, nấm linh chi còn được gọi là linh chi thảo, nấm trường thọ, nấm lim, thuốc thần tiên.
Tên khoa học Ganoderma lucidum (Leyss ex. Fr.) Karst; thuộc họ: Nấm gỗ Ganodermataceae.
Linh chi là một vị thuốc đã được ghi trong tập sách "Thần nông bản thảo" viết cách đây khoảng 2.000 năm. Lý Thời Trân, tác giả bộ "Bản thảo cương mục" nổi tiếng thế giới (Lần đầu tiên in năm 1595), cũng đã giới thiệu vị linh chi với 6 loại linh chi mang màu sắc và tên khác nhau: Thanh chi (linh chi màu xanh), hồng chi (màu hồng) còn gọi là xích chi, đơn chi, hoàng chi (còn gọi là kim chi) màu vàng, bạch chi (còn gọi là ngọc chi) màu trắng, hắc chi (còn gọi là huyền chi) màu đen, tử chi – linh chi màu tím.
Về thực vật, người ta xác định nấm linh chi không phải một loại cỏ, mà là một loại nấm hóa gỗ có cuống dài hoặc ngắn, mũ nấm có dạng hình thận, có dạng hình tròn hay hình quạt. Cuống thường cắm không ở giữa mũ nấm mà cắm lệch sang một phía mũ; hình trụ tròn hay dẹt có thể phân nhánh cuống và cuống có màu khác nhau tùy theo loài. Loài đỏ thay đổi từ nâu đến đỏ vàng, đỏ cam, mặt trên bóng loáng như đánh vecni, trên mặt mũ có những vân đồng tâm.
Toàn nấm gồm những sợi nấm không màu, trong sáng, đường kính 1-3mm, có phân nhánh.
Nấm linh chi có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người.
Theo kinh nghiệm xưa, tất cả các loài linh chi màu sắc khác nhau đều được sử dụng, nhưng với những tính chất và tác dụng khác nhau.
Linh chi thường thấy mọc hoang dại ở các vùng núi cao lạnh ở một số tỉnh của Trung Quốc (Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây…). Người ta thu hoạch nấm, phơi sấy khô rồi sử dụng bào chế các dạng bột, thuốc nước ngọt hay đông khô…
Theo những công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu linh chi hoang dại của toàn Trung Quốc thì trong hỗn hợp 6 loại linh chi có hàm lượng germanium (một chất khoáng có lợi cho sức khỏe con người) cao hơn lượng germanium có trong nhân sâm từ 5 đến 8 lần. Germanium giúp khí huyết lưu thông, các tế bào hấp thu oxy tốt hơn. Lượng polysaccharide cao có trong linh chi tăng cường sự miễn dịch của cơ thể, làm mạnh gan, cô lập và diệt các tế bào ung thư. Acid ganoderic trong linh chi có tác dụng chống dị ứng và chống viêm.
2. Công dụng và liều dùng
Tính chất và tác dụng của nấm linh chi theo Thần nông bản thảo và Bản thảo cương mục như sau:
- Thanh chi tính bình, không độc, chủ trị sáng mắt, bổ can khí, an thần, tăng trí nhớ, cường khí, chữa viêm gan cấp và mạn tính.
- Hồng chi (xích chi, đơn chi) vị đắng, tính bình, không độc, tăng trí nhớ, chữa các bệnh thuộc về huyết và thần kinh, tim.
- Hoàng chi (kim chi) vị ngọt, tính bình, không độc, làm mạnh hệ thống miễn dịch.
- Hắc chi (huyền chi) vị mặn, tính bình, không độc, chủ trị bí tiểu tiện, sỏi thận, bệnh ở cơ quan bài tiết.
- Bạch chi (ngọc chi) vị cay, tính bình, không độc, chủ trị hen, ích phế khí.
- Tử chi (linh chi tím) vị ngọt, tính ôn, không có độc, chủ trị đau nhức khớp xương, gân cốt.
Nhìn chung dùng linh chi lâu ngày sẽ giúp phòng ngừa một số bệnh và tăng tuổi thọ.
Ứng dụng trên lâm sàng, theo dõi bởi các thầy thuốc tại một số bệnh viện của Trung Quốc đã đi đến kết luận rằng nấm linh chi có tác dụng trên một số bệnh như đau thắt cơ tim, bệnh ở mạch vành của tim, huyết áp không ổn định (khi thấp khi cao), viêm phế quản, hen, thấp khớp, viêm gan mạn, bệnh phụ nữ vào thời kỳ mãn kinh, bệnh đường tiêu hóa, giúp đầu óc minh mẫn và tăng cường trí nhớ…
Có thể dùng linh chi dưới dạng trà hoặc ngâm rượu.
Cách dùng và liều dùng:
- Dùng toàn nấm linh chi, bỏ phần cuống, phơi sấy khô, thái mỏng hoặc tán thành bột hãm nước sôi lấy nước uống trong ngày. Liều dùng: Mỗi ngày 2g - 5g nấm linh chi.
- Nước sắc nấm linh chi có mùi thơm, vị hơi đắng, chua nhẹ, có thể thêm đường hay mật ong vào cho dễ uống.
Để tiện cho người sử dụng, người ta đã chế nấm linh chi thành nhiều dạng thuốc như viên linh chi, thuốc nước ngọt có linh chi, nước sắc linh chi đông khô đóng thành nang, trà nhân sâm phối hợp với linh chi, cốm linh chi, dạng đông khô đóng thành nang (linh chi tinh), linh chi trộn nhân sâm, linh chi phấn hoa…
Nấm linh chi tốt nhưng người huyết áp thấp không nên dùng nhiều.
3. Một số bài thuốc và món ăn có linh chi
TS. Nguyễn Đức Quang – nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội giới thiệu bài thuốc, món ăn có linh chi như sau:
Trà linh chi: Linh chi 9g, lá vông 12g, lá sen 12g, cúc hoa 10g. Sắc hoặc pha hãm, uống trong ngày. Trị mất ngủ suy nhược thần kinh.
Nước sắc linh chi trần bì bách hợp: Linh chi 10g, bách hợp 10g, trần bì 8g. Sắc nước hoặc pha hãm, chia nhiều lần uống trong ngày. Dùng tốt cho người viêm khí phế quản, hen suyễn, ho gà.
Linh chi tán: Linh chi sấy khô tán bột. Mỗi lần uống 3g, chiêu bằng nước trà hoa cúc. Dùng tốt cho người viêm gan cấp và mạn, đau quặn vùng gan mật, hạ áp.
Rượu linh chi: Linh chi 100g, rượu trắng 500ml. Linh chi rửa sạch thái lát, ngâm với rượu, sau 7-10 ngày là dùng được. Ngày uống 2 lần (sáng, tối), mỗi lần 15ml. Dùng tốt cho người suy nhược cơ thể, ăn kém, ít ngủ, quên lẫn...
Gà hầm linh chi: Gà 1 con, linh chi 10-15g. Gà làm sạch bỏ ruột; linh chi tán bột gói bằng túi vải xô cho trong bụng gà, hầm cách thủy, gà chín lấy bỏ bã thuốc, thêm gia vị, chia ăn nhiều lần trong ngày. Dùng tốt cho phụ nữ sau đẻ suy nhược, người sau bệnh nặng dài ngày, bà mẹ nuôi con ít sữa, người cao tuổi.
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, linh chi rất tốt cho sức khỏe, có thể phòng ngừa một số bệnh về huyết áp, tim mạch và tiêu u, giảm mỡ máu, giảm béo. Lưu ý, người huyết áp thấp nên dùng hạn chế. Dạng dùng tốt nhất của nấm linh chi là trà uống hằng ngày hoặc ngâm rượu uống./. |
Theo SK&ĐS