Thời gian qua, việc thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện
Đồng bộ nhiều giải pháp
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quy hoạch và hoạt động xử lý chất thải rắn được các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm thực hiện với nhiều hình thức. Các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như Tuyến đường xanh, sạch, đẹp; Phân loại rác tại nguồn; Bảo vệ môi trường, phòng, chống và thích ứng với biến đổi khí hậu; Ủ rác thải thành phân bón hữu cơ; Thu gom và xử lý rác thải trong sinh hoạt hằng ngày;...
Từ kết quả thí điểm phân loại rác tại nguồn của phường 3, TP.Tân An, UBND tỉnh yêu cầu TP.Tân An tiếp tục nhân rộng ra các xã, phường còn lại. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quản lý.
Cuối tháng 4/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thí điểm tại thị trấn Vĩnh Hưng và xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng.
Bên cạnh đó, số lượng đơn vị tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn ngày càng tăng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện toàn tỉnh có 24 đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các huyện, thị xã, thành phố và 10 điểm xử lý chất thải rắn tập trung. Trong đó, có 5 điểm xử lý chất thải rắn nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép.
Các địa phương triển khai, thực hiện việc lập bộ làm cơ sở thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Mặt khác, tỉnh phân công trách nhiệm cho cơ quan chuyên môn bố trí các nguồn lực thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường và phân cấp quản lý cho UBND cấp huyện về hoạt động xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND huyện, cảnh sát môi trường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành pháp luật đối với các doanh nghiệp đang hoạt động xử lý chất thải rắn.
Việc bố trí nguồn vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, cải tạo môi trường tại các bãi chôn lấp chất thải rắn và bãi chôn lấp chất thải rắn tự phát chủ yếu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Từ năm 2016 đến nay, đã bố trí tổng kinh phí sự nghiệp môi trường gần 21 tỉ đồng.
Từ nhiều giải pháp thực hiện, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tăng dần qua các năm. Chỉ tiêu thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo các kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành (đối với khu vực đô thị) từ năm 2018-2022 là 100%. Thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn năm 2020 là 60%, năm 2021 là 65%, năm 2022 là 70%.
Tỷ lệ thu gom, xử lý rác ngày càng tăng
Ngoài ra, để công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, gần đây, ngày 02/6/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22 về việc ban hành Quy định thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn, Quyết định số 22 quy định cụ thể việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt; điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tuyến đường, thời gian và phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tần suất và địa điểm thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể trách nhiệm của các hộ gia đình, cá nhân; chủ cơ sở thu gom, vận chuyển là UBND cấp huyện, UBND cấp xã làm cơ sở triển khai, thực hiện.
Còn những hạn chế, vướng mắc
Theo thông báo kết luận của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch và hoạt động xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2022 ban hành trong tháng 9/2023 cũng chỉ ra những hạn chế, vướng mắc.
Đó là các khu xử lý rác tập trung của các đô thị theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt về điều chỉnh Quy hoạch địa điểm xử lý rác thải tỉnh giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2025, hiện chưa được xây dựng xong dẫn đến bị động trong vận chuyển, xử lý và tăng chi phí vận chuyển, xử lý rác.
Song song đó, các địa phương chưa xây dựng điểm tập kết rác thải rắn sinh hoạt theo kế hoạch của UBND tỉnh và đa số các địa phương chưa quy hoạch các trạm trung chuyển rác đối với khu vực, địa bàn rộng, dân cư thưa.
Qua giám sát cũng cho thấy, việc đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, hiện nay, các địa phương gần với TP.HCM như huyện Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc còn gặp khó khăn trong việc xử lý rác.
Lý do phía TP.HCM hạn chế tiếp nhận xử lý rác. Việc triển khai đầu tư dự án xử lý chất thải rắn của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa mới đạt tỷ lệ sử dụng đất giao 15/25ha, công nghệ và công suất xử lý chất thải chưa đạt theo dự án đã cấp chứng nhận đầu tư. Dự án Khu công nghệ Môi Trường Xanh với diện tích khoảng 1.760ha tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa đã thực hiện thu hồi quyền sử dụng đất nhưng hơn 10 năm chưa hoàn thành thủ tục đất đai.
Công tác phân loại rác tại nguồn còn hạn chế về quy mô và hiệu quả. Công tác thu gom chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ chưa cao, nhất là tại vùng nông thôn, các xã vùng ven. Tình trạng bỏ rác, đổ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định còn xảy ra tại nhiều nơi. Việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật mặc dù được quan tâm thực hiện nhưng số lượng thu gom chưa nhiều, mô hình thu gom chỉ làm theo phong trào.
Lò đốt rác thải rắn y tế tại một số cơ sở y tế xuống cấp, có nơi ngừng hoạt động, nhà lưu giữ chất thải sử dụng chưa đúng theo quy định. Việc ký kết hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt gặp một số bất cập. Như Quyết định số 06, ngày 13/01/2022 của UBND tỉnh về quy định giá cụ thể đối với giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang có hiệu lực pháp luật nhưng không thực hiện được do việc lập bộ tính theo khối lượng rác đối với hộ gia đình, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp. Hiện nay, mỗi địa phương thu giá dịch vụ khác nhau hoặc có trường hợp “dân đóng bao nhiêu thì thu bấy nhiêu”.
Công tác lập sổ bộ các hộ dân còn thấp; ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn và tự nguyện nộp tiền xử lý rác chưa cao. Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều, qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần xây dựng kế hoạch, khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong giám sát.
Về công tác quy hoạch, cần nâng cao nhận thức và năng lực trong thực hiện quy hoạch; chú trọng các cơ chế, nguồn lực để bảo đảm các quy hoạch, hoạt động liên quan đến xử lý chất thải rắn được thực hiện đầy đủ, hiệu quả. Bổ sung điểm tập kết, khu xử lý rác tập trung của các đô thị vào quy hoạch của địa phương theo kế hoạch và bảo đảm nguồn lực triển khai, thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch đã được duyệt.
Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa theo dự án được duyệt; tổ chức triển khai dự án nhà máy đốt rác phát điện, cải tiến công nghệ và tăng công suất xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu của tỉnh.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý và đất đai đối với dự án Khu công nghệ Môi Trường Xanh và Công ty TNHH Môi trường Chân Lý - Cụm công nghiệp Hoàng Gia. Xác định rõ thời hạn triển khai, hoàn thành dự án để quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đồng thời, UBND tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân liên quan đến xử lý chất thải rắn nguy hại, chất thải sinh hoạt, nhất là phân loại rác thải rắn tại nguồn. Rà soát lại các cơ chế liên quan đến thu gom, xử lý chất thải rắn để khắc phục các chồng chéo, vướng mắc, đặc biệt là khẩn trương ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung; sớm ban hành quy định cơ chế phù hợp về quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định để làm cơ sở triển khai thực hiện.
UBND tỉnh cũng cần nghiên cứu quy định theo thẩm quyền về thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật và chất thải rắn nguy hại khác trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới theo hướng nâng cao./.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 870 tấn/ngày. Trong đó, Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đóng tại huyện Thạnh Hóa tiếp nhận xử lý bằng phương pháp đốt khoảng 300-350 tấn/ngày; phần còn lại xử lý tại địa phương, một phần chuyển đến TP.HCM để xử lý. Riêng rác thải sinh hoạt vùng nông thôn, người dân tự thu gom, đổ tại hố chôn trong vườn nhà và đốt. |
Lê Đức