Gần đây, Tòa án nhân dân huyện Đức Huệ xét xử, tuyên án các đối tượng phạm tội mua, bán người
Tỉnh Long An nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ kết nối TP.HCM đi các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ và ngược lại. Tuyến biên giới qua địa bàn tỉnh dài gần 135km, tiếp giáp 2 tỉnh: Svay Rieng và Prey Veng (Vương quốc Campuchia). Vị trí như trên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm.
Hàng năm, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai và xây dựng kế hoạch, giải pháp để phòng, chống tội phạm mua, bán người. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp phối hợp tuyên truyền về phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm mua, bán người.
Theo Đại tá Đàm Quang Ngoạt - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, BĐBP tăng cường lực lượng kiểm soát chặt tuyến biên giới để phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ các loại tội phạm; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua, bán người để người dân cảnh giác, phòng ngừa, tích cực tham gia tố giác nếu phát hiện. Hình thức, nội dung tuyên truyền thường xuyên được đổi mới, thiết thực, phù hợp với đặc điểm thực tế.
Các cấp, các ngành, đoàn thể nhân rộng các mô hình tiên tiến cũng như xây dựng mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm mới phù hợp với tình hình của từng địa phương. Lực lượng chức năng chủ động nắm chắc địa bàn, diễn biến, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của tội phạm mua, bán người để có giải pháp phòng, chống.
Qua công tác tuyên truyền,vận động, người dân tích cực tham gia phòng, chống mua, bán người. Khi phát hiện dấu hiệu liên quan đến mua, bán người, hãy thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Tổng đài quốc gia 111 để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.
Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, thông tin, các lực lượng công an, BĐBP, hải quan chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới để phòng, chống tội phạm mua, bán người; tăng cường rà soát trên không gian mạng, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động câu móc, môi giới, dẫn dắt kết hôn với người nước ngoài và các trường hợp đưa người ra nước ngoài lao động bất hợp pháp; tổ chức kiểm tra các hoạt động dịch vụ, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như nhà nghỉ, karaoke, massage,... Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống mua, bán người và các hoạt động khác có liên quan trên tuyến biên giới Việt Nam.
Lực lượng chức năng tuần tra trên tuyến biên giới
Gần đây, ngày 04/7/2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua, bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua, bán người (30/7) năm 2024, triển khai đến các sở, ngành, đoàn thể và địa phương. Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống mua, bán người năm 2024. Qua triển khai, thực hiện kế hoạch này, đến nay, các cấp, các ngành tuyên truyền bằng nhiều hình thức được gần 600 cuộc, có gần 21.000 lượt người dự.
Đặc biệt, lực lượng công an kịp thời phát hiện 1 vụ mua, bán người dưới 16 tuổi, làm rõ, khởi tố 1 đối tượng. Ngày 09/8/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Hồ Bích Ngân về tội mua, bán người. Theo kết quả điều tra ban đầu, trước đó, vào ngày 28/6/2024, tại ấp Đức Hạnh 2, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, lực lượng chức năng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phối hợp Công an huyện Đức Hòa bắt đối tượng Hồ Bích Ngân (sinh ngày 01/10/2007, ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) về hành vi mua, bán người dưới 16 tuổi.
Theo kết quả điều tra ban đầu, do có nhu cầu tuyển nhân viên massage, ngày 26/4/2024, Hồ Bích Ngân lấy nick name “Ngân nn” đăng bài tuyển kỹ thuật viên massage không giới hạn trên mạng xã hội Facebook. Qua mạng xã hội Zalo, Ngân kết bạn với một đối tượng và đối tượng này bán cho Ngân 3 cô gái gồm: L.C.B.A. (sinh tháng 9/2008, ngụ tỉnh Đắk Nông); N.T.K.N. (SN 2009) và N.H.B.V. (SN 2009), cùng ngụ tỉnh Đồng Nai. Qua thỏa thuận, Ngân mua 3 cô gái với giá 27 triệu đồng.
Thời gian tới, các lực lượng: Công an, BĐBP, Hải quan tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm mua, bán người. Trong đó, thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân cảnh giác và phòng tránh.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, tội phạm mua, bán người thường lợi dụng các trang mạng xã hội, sử dụng họ tên giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm "việc nhẹ, lương cao", lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống giàu có, nhàn hạ. Sau đó, chúng lừa bán nạn nhân ra nước ngoài. Nạn nhân dễ bị ép làm mại dâm, bóc lột sức lao động,... Đối tượng thực hiện hành vi có thể có sự cấu kết giữa đối tượng trong nước và ngoài nước./.
Lê Đức