7 tháng năm 2021, khu vực thương mại - dịch vụ vẫn duy trì mức tăng trưởng tương đối ổn định, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao
Tăng trưởng ổn định
7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 3% so cùng kỳ năm 2020, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,53%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14,2%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,66%. Trong tháng 7, có 41/73 nhóm ngành sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng so cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất tăng: Thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, bia đóng chai, sợi tự nhiên, vải dệt thoi từ sợi tổng hợp, giày dép thể thao, ván ép gỗ, sắt, thép,...
Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt có 62 CCN với tổng diện tích 3.106,5ha và CCN Hải Sơn - Đức Hòa Đông, diện tích 261,2ha, trong đó, có 21/62 CCN (diện tích 1.081,2ha) và CCN Hải Sơn - Đức Hòa Đông đã đi vào hoạt động. Về thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tổng diện tích đất sẵn sàng tiếp nhận đầu tư khoảng 251ha. Đến nay, có 22 CCN đang hoạt động, thu hút 622 dự án, diện tích đất đã cho thuê 756,48ha. Tỷ lệ lấp đầy của các CCN hoạt động đạt 77,67%.
Trên lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng đạt trên 56.522 tỉ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 48.205 tỉ đồng, tăng 10,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 5.025,4 tỉ đồng, tăng 18,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 3.292 tỉ đồng, tăng 26,74% so cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đạt gần 4 tỉ USD, tăng 18,32% so cùng kỳ, đạt 60,18% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu đạt 3,1 tỉ USD, tăng 33,57% so cùng kỳ, đạt 72,09% kế hoạch.
Xây dựng kịch bản thúc đẩy tăng trưởng
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh, mặc dù trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại có mức tăng trưởng nhưng ở mức thấp, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay, Sở Công Thương đang nỗ lực phối hợp các sở, ngành có liên quan thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng đối với các ngành công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp mang lại giá trị cao nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khu vực II nói riêng và GRDP của tỉnh năm 2021.
Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, từng bước mở cửa và thúc đẩy phát triển nhanh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ theo mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo đó, Long An phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh trong năm 2021 đạt từ 9-9,5%, trong đó khu vực II đạt 13-13,5%; khu vực III đạt 6,5 -7%.
Để bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021 của tỉnh đạt ở mức cao nhất có thể, tỉnh xác định khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, chuyển dịch đúng hướng ngành thương mại - dịch vụ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 để thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng cho khu vực dịch vụ.
Trong thúc đẩy tăng trưởng khu vực II, nhất là thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, Sở Công Thương phối hợp doanh nghiệp triển khai, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Qua đó, giúp doanh nghiệp thực hiện được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đồng thời, Sở triển khai, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, bảo đảm tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt mức cao nhất có thể, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh; khẩn trương xây dựng phương án phát triển CCN để tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo dõi, đôn đốc hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các CCN; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; bảo đảm trong năm 2021 có thêm ít nhất 2 CCN đi vào hoạt động.
Song song đó, Sở tập trung phát triển công nghiệp sạch, nguồn năng lượng mặt trời; hỗ trợ nhà đầu tư triển khai, thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Long An I, II (huyện Cần Giuộc), với tổng công suất 3.000MW, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào vận hành; tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư và
theo dõi tiến độ các dự án năng lượng tái tạo đang trình phê duyệt bổ sung vào quy hoạch.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện hiệu quả kế hoạch đề án khuyến công nhằm góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ.
Bảo đảm trong năm 2021 có thêm ít nhất 2 cụm công nghiệp đi vào
hoạt động (Trong ảnh: Công nhân sản xuất trong Cụm công nghiệp
Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An)
7 tháng năm 2021, mức độ tăng trưởng khu vực thương mại - dịch vụ vẫn duy trì với mức tăng trưởng tương đối ổn định, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong cộng đồng, hầu hết hoạt động thiết yếu phải tạm dừng nên ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của tỉnh. Sở Công Thương xây dựng kịch bản tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương và chỉ đạo của UBND tỉnh, phấn đấu đạt nhiệm vụ tăng trưởng khu vực thương mại - dịch vụ theo mục tiêu kế hoạch đề ra.
Theo đó, Sở tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Đề án Chiến lược tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh; Đề án Phát triển kinh tế biên giới gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Đồng thời, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và đa dạng hóa thị trường nội địa trong tình hình mới; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới phương thức kinh doanh theo hướng phát triển hệ thống bán hàng theo chuỗi; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản, bảo đảm đầu ra thuận lợi, nhất là đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kích cầu tiêu dùng nội địa trong tỉnh.
Sở Công Thương cũng xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các giải pháp tăng cường xuất, nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Quốc tế Long An; chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường, giá cả; hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và khả năng đáp ứng các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường
các nước.
Các hoạt động dịch vụ vận tải, kho bãi cũng được tăng cường kiểm tra việc tăng giá cước, bảo đảm chấp hành đúng quy định về niêm yết giá nhằm góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của tỉnh./.
Hiện nay, Sở Công Thương nỗ lực phối hợp các sở, ngành có liên quan thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng đối với các ngành công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp mang lại giá trị cao nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khu vực II nói riêng và GRDP của tỉnh năm 2021. Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, từng bước mở cửa và thúc đẩy phát triển nhanh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ theo mục tiêu kế hoạch đề ra”.
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh
|
Thanh Tùng