Ngày 26/11/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Nghị quyết tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng trước ngày 01/7/2020 mà không có khả năng thu nộp ngân sách nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và được tổ chức thực hiện trong thời gian 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.
Nghị quyết xử lý nợ nhằm mục tiêu tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương, định hướng của Quốc hội nhằm xử lý, khắc phục triệt để số nợ đọng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đã tồn tại qua nhiều năm, không để dây dưa kéo dài; đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho những người nộp thuế có phát sinh nợ thuế do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; giảm tỷ lệ nợ đọng.
Để tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả và thống nhất, ngày 19/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ của Quốc hội bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch.
Thực hiện chỉ thị của Bộ Tài chính, Cục Thuế đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Triển khai Nghị quyết xử lý nợ do Cục trưởng làm Trưởng ban và thành viên là đại diện các phòng, văn phòng và chi cục thuế các huyện, khu vực. BCĐ thực hiện các nhiệm vụ:
Thứ nhất, xây dựng chương trình, kế hoạch và đề ra các giải pháp để bảo đảm triển khai thành công Nghị quyết xử lý nợ; chỉ đạo sự phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế với các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, giải pháp của BCĐ Tổng cục Thuế và Cục Thuế đã đề ra.
Thứ hai, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Thuế thực hiện Nghị quyết xử lý nợ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ ba, tổng hợp tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ trong phạm vi của tỉnh và từng địa phương. Phát hiện và đề xuất kịp thời với UBND tỉnh và Tổng cục Thuế các giải pháp để chỉ đạo và đôn đốc địa phương thực hiện tốt.
Thứ tư, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các phòng, Chi cục Thuế có liên quan thực hiện đúng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ của BCĐ Tổng cục Thuế và Cục Thuế đã đề ra.
Thứ năm, Trưởng BCĐ Cục Thuế có quyền quyết định các biện pháp hiệu quả để triển khai thành công Nghị quyết xử lý nợ.
Thứ sáu, định kỳ hoặc theo yêu cầu, BCĐ báo cáo UBND tỉnh, Tổng cục Thuế về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ.
Sau khi được thành lập, BCĐ đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh về việc phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa cơ quan quản lý thuế với các sở, ban, ngành tại địa phương trong việc lập hồ sơ, xác nhận nợ, xử lý nợ; tiến hành rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, theo từng đối tượng được xử lý nợ bảo đảm chính xác; chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, thủ tục liên quan để phục vụ công tác xử lý nợ.
BCĐ phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Long An, Đài Phát thanh - Truyền hình Long An tuyên truyền, phổ biến kịp thời những nội dung nghị quyết của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính; tăng cường công tác tuyên truyền để các cơ quan, doanh nghiệp và mọi người dân hiểu, thực hiện và giám sát việc thực hiện; tổ chức tập huấn, đào tạo các nội dung của Nghị quyết xử lý nợ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về hồ sơ, thủ tục hành chính, quy trình xử lý cho cán bộ thuế; tổ chức bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ xử lý nợ; thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị cũng như trong thời gian đầu thực hiện nghị quyết để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại địa phương.
Việc xử lý nợ thuế theo nghị quyết của Quốc hội phải bảo đảm 4 nguyên tắc sau:
Một là, xử lý nợ phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Hai là, bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, giám sát của người dân.
Ba là, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để tránh trục lợi hoặc cố tình chây ỳ, nợ thuế.
Bốn là, trường hợp cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc khoanh nợ, xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế đã được xóa nợ khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ (nếu có) và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ của Quốc hội là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2020 và năm 2021. Thực hiện thành công nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của nước ta trong thời gian tới. Do đó, ngành Thuế tỉnh đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai Nghị quyết số 94/2019/QH14 đạt kết quả tốt./.
Văn Lộc