Tiếng Việt | English

04/02/2016 - 14:42

Ngày tết ngẫm về văn hóa lì xì

Trao phong bao lì xì ngày tết là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta có từ rất lâu đời. Cầm phong bao màu đỏ trên tay, cả người nhận lẫn người tặng đều cảm thấy hân hoan, hạnh phúc. Ấy thế mà giữa bộn bề cuộc sống hiện đại ngày nay, việc trao – nhận bao lì xì có đôi khi lại chẳng còn vẹn nguyên ý nghĩa ban đầu.

Người lớn cần giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa thực sự của phong tục lì xì vào ngày đầu năm mới ( ảnh minh họa: nguồn internet)

Phong tục lì xì có nguồn gốc từ Trung Quốc với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ quấy phá trẻ con. Theo truyền thuyết, vào đêm giao thừa, có một con yêu quái thích xoa đầu trẻ con khiến chúng giật mình tỉnh giấc và sẽ bị bệnh vào sáng hôm sau. 8 vị tiên biết chuyện nên hóa thành 8 đồng tiền nằm trong phong bao đỏ đặt dưới gối nằm của trẻ.

Khi yêu quái xuất hiện, đồng tiền lóe sáng làm chúng hoảng sợ và từ đó, mọi người làm theo, lâu dần thành phong tục lì xì vào đầu năm mới với ý nghĩa cầu chúc may mắn, khỏe mạnh. Sau này, lì xì không dành riêng cho trẻ con nữa mà cũng là lời chúc cho tất cả những người thân yêu luôn hạnh phúc, may mắn trong những ngày đầu năm.

Truyền thống lì xì ngày nay đã biến tướng ít nhiều, chuyện người lớn “lì xì” người lớn theo ý nghĩa tiêu cực, cấp dưới lì xì cấp trên để lấy lòng cũng không còn là chuyện hiếm. Ngay cả trẻ con cũng vậy, thử so sánh giữa hình ảnh những đứa trẻ đưa 2 tay đón nhận phong bao đỏ rồi lễ phép mừng tuổi người lớn với những đứa trẻ cầm vội bao lì xì rồi hí hửng “moi ruột” ra tại chỗ mà quên cả một tiếng cảm ơn, hình ảnh nào phản cảm hơn?

Thậm chí, có những gia đình đông con cháu, cứ khách đến nhà là “rồng rắn” kéo vào để được lì xì, rồi mở bao ra mà so đo xem đứa nào nhiều, đứa nào ít. Chưa kể, nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” khi trẻ nhỏ lập tức bĩu môi, lắc đầu khi nhận được phong bì quá ít.

Hoặc giờ đây, cha mẹ cũng phải biết cách “để ý” xem người ta lì xì cho con mình bao nhiêu để biết mà “hồi đáp” cho phải lẽ! Chính vì vậy, bên cạnh cơm áo, gạo tiền hay những muộn phiền chuẩn bị tết, người lớn còn có một nỗi buồn mang tên “lì xì”! Thế rồi, chẳng biết lì xì còn đúng với ý nghĩa ban đầu nữa hay không?

Vậy đó, văn hóa lì xì, đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Cả người tặng lẫn người nhận đều phải có sự tinh tế, ý nhị trong đó. Người tặng muốn gửi gắm những lời chúc tốt đẹp đến người nhận thông qua chiếc phong bao đỏ, vậy nên, đừng quá đặt nặng chuyện có bao nhiêu tiền bên trong.

Có những gia đình, thậm chí còn tặng “chữ”, tặng lời chúc bên trong chứ không nhất thiết phải có tiền mới được gọi là lì xì, là mừng tuổi! Phong bao đỏ nhưng ý nghĩa lớn, con trẻ hãy cứ hồn nhiên đón nhận lời chúc phúc của ông bà, cha mẹ, người lớn đừng quá đặt nặng chuyện giá trị chiếc phong bì, so sánh con mình, con người. Khi ấy, lì xì mới thực sự trọn vẹn như ý nghĩa ban đầu của nó!./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết