Nghị định 91 của Chính phủ về chống thư rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/10/2020, được kỳ vọng giúp người dân thoát khỏi vấn nạn “cuộc gọi rác”.
Kỳ vọng Nghị định 91 chặn tin rác, cuộc gọi rác
Vấn nạn tin nhắn rác được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các nhà mạng ra tay chặn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện, làm giảm đáng kể số lượng tin gửi đến cho khách hàng.
Doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, dịch vụ... được đánh giá là chịu tác động chủ yếu của Nghị định 91
Chị Nguyễn Minh Thu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, nếu như trước đây mỗi ngày nhận được hàng chục tin rác thì giờ đây mỗi tuần chị chỉ nhận một vài tin nhắn mời chào sử dụng các loại dịch vụ như cuộc gọi rác “telesale” của các công ty bảo hiểm, cho vay tiền, bất động sản, học tiếng Anh, mời chào mua mỹ phẩm, dịch vụ làm đẹp… Những cuộc gọi rác này thường vào giờ làm việc, gây không ít phiền phức cho chị Thu.
“Cứ tầm 9 - 10h sáng và 2h chiều trong những ngày làm việc, tôi thường nhận được điện thoại mời mọc mua dịch vụ gây ức chế tâm lí. Việc điện thoại lạ gọi đến, nhà mạng cảnh báo là quảng cáo cũng tốt, tuy nhiên, Nghị định 91 quy định rất nghiêm việc tin nhắn rác và cuộc gọi rác thực sự là cơ sở pháp lý quan trọng giúp giảm phiền phức này”, chị Thu nói.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), nhiều khách hàng phản ánh cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi rác xuất hiện nhiều và vào những thời điểm gây bức xúc cho người dùng, trong đó có cả những cuộc gọi lừa đảo, trừ cước. Nhưng trước đây chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định với đối tượng này.
Tại Nghị định 91, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về cuộc gọi và biện pháp quản lý với đối tượng mới này, qua đó lấp được lỗ hổng thiếu quy định về ngăn chặn cuộc gọi rác.
Nghị định 91 định nghĩa rõ cuộc gọi rác là cuộc gọi quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc gọi điện thoại quảng cáo vi phạm quy định về gọi điện thoại quảng cáo với các nội dung bị cấm.
Mọi cuộc gọi điện thoại quảng cáo phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi (gồm tên, địa chỉ) và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo. Trong trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước. Trường hợp người sử dụng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo, người quảng cáo phải chấm dứt ngay.
“Quy định này không chỉ bảo vệ người dùng trước cuộc gọi rác mà còn tạo cơ sở cho doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các cuộc gọi quảng cáo đúng pháp luật và thúc đẩy kinh tế, giúp cho người quảng cáo gặp được đúng nhu cầu cần tiếp nhận quảng cáo của khách hàng”, ông Lịch cho hay.
Cuộc gọi rác và tin nhắn rác gây phiền nhiễu cho không ít người dùng điện thoại. (Ảnh minh họa: KT)
Doanh nghiệp quảng cáo, bất động sản, bảo hiểm lo lắng
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu Nghị định 91 được thực thi nghiêm túc thì những doanh nghiệp làm ở lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, fintech… sẽ chịu tác động lớn nhất.
Ông Nguyễn Q.H, đại diện một công ty chuyên cung cấp nền tảng bán hàng qua điện thoại cho rằng doanh nghiệp cũng bị tác động bởi chính sách trên. Nếu Nghị định 91 thực hiện nghiêm, doanh nghiệp sẽ phải tính toán tìm thêm phương thức bán hàng khác.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định cũng như nhiều chính sách khác, những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này đang quan sát xem việc thực thi Nghị định mới của Chính phủ về chống thư rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác có nghiêm túc hay không. Chỉ khi cơ quan chức năng và nhà mạng “mạnh tay” dứt điểm mới có thể giải quyết vấn nạn tin nhắn rác và cuộc gọi rác đang gây bức xúc cho người dùng di động./.
Theo VOV.VN