Trong “bão Covid-19”, nghĩa đồng bào càng thể hiện rõ qua các hoạt động như hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đi chợ giúp dân,...
Tình người còn mãi
Khi dịch Covid-19 bùng phát ở địa bàn, nghe tin nhiều nhà máy, xí nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, bà Nguyễn Thị Tý (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) nhanh chóng đến dãy trọ hơn 30 phòng do bà làm chủ, cách nhà ở không xa. Tại đây, bà thông báo, do dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của mọi người nên tạm thời miễn tiền thuê phòng.
Cả xóm trọ nghe xong vỗ tay, cảm ơn bà rất nhiều. Bà Tý cũng là dân ở nơi khác đến đây lập nghiệp nhiều năm trước nên thấu hiểu về cuộc sống của công nhân xa quê. Trước đó, năm 2020, bà cũng đã miễn phí 2 tháng tiền thuê trọ cho công nhân, mỗi tháng 1 triệu đồng/phòng.
Trước lúc rời đi, bà đi quanh một vòng xóm trọ và xem mọi người sinh sống ra sao. Bà bảo mọi người cố gắng vượt qua. Đặc biệt, mọi người phải giữ gìn cẩn thận, cố gắng không để dịch bệnh lây lan trong xóm trọ. “Đứa nào mà không tuân thủ hoặc cho người lạ đến xóm trọ tụ tập ăn nhậu trong mùa dịch thì đừng trách tao đó nghe!” - bà Tý căn dặn mấy thanh niên cỡ tuổi cháu mình. Nghe bà nói, mấy thanh niên thuê trọ cười và hứa sẽ sống có trách nhiệm để giữ gìn, bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân, mọi người trong khu trọ.
Cách đó hơn 30km, chiều muộn, chị Nguyễn Thị Thu Thảo loay hoay trong căn phòng trọ ở xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa lo cơm nước cho cả gia đình 3 người. Bên góc tường vẫn còn đó những chai nước mắm, nước tương và một ít gạo mà gia đình được chính quyền, mạnh thường quân hỗ trợ do gặp khó khăn vì dịch. Chị và chồng quê ở Quảng Nam vào đây từ 5 năm trước, hàng ngày, chồng đi làm hồ, còn chị đi bán vé số mưu sinh. Vợ chồng có với nhau đứa con trai 7 tuổi.
Cuộc sống vốn đã vất vả thì dịch đến, lại còn kéo dài nên gây ra nhiều khó khăn. Cũng nhờ tiền hỗ trợ của Nhà nước và nhu yếu phẩm của các ngành, đoàn thể tặng nên gia đình chị có thêm nguồn lực để cầm cự. “Rồi giãn cách nới lỏng từ từ, cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” nên chúng tôi đã có việc làm mưu sinh trở lại” - chị Thảo thổ lộ. Theo chị Thảo, những trường hợp khác trong xóm trọ khó khăn đều được các cấp, các ngành hỗ trợ kịp thời. Nhiều lúc thấy mấy cán bộ đoàn thể xã cứ qua lại đứng ngoài hỏi thăm nắm tình hình, trong xóm trọ có thiếu thốn cấp bách gì không để có sự hỗ trợ kịp thời mà xúc động lắm!
Còn với anh Lê Duy (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức), cái “máu” mê làm từ thiện luôn có sẵn nên khi thấy nhiều người khó khăn là anh không thể ngồi yên. Dù biết rằng nguy cơ lây nhiễm cao nhưng anh vẫn không ngán ngại mà nhiệt tình kêu gọi, vận động mạnh thường quân xa, gần giúp đỡ.
Những trường hợp mà anh hướng đến kêu gọi sự giúp đỡ lần này chủ yếu là trẻ em - con của công nhân, lao động nghèo. Anh tâm sự, đến nhiều phòng trọ, thấy tụi nhỏ mà thương quá! Nhận được quà bằng sữa, tụi nhỏ mừng, cảm ơn tíu tít, có bé hồn nhiên lấy sữa uống sột soạt rồi khen ngon, nhìn vui lây.
Hạnh phúc là được sẻ chia
Trong đợt dịch vừa rồi, cách thức giúp đỡ nhu yếu phẩm diễn ra ở khắp nơi trong tỉnh. Những chuyến xe 0 đồng, gian hàng 0 đồng do các cơ quan, đơn vị thực hiện nở rộ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Những mớ rau xanh, củ, quả, hay là các mặt hàng tươi sống được đưa đến người dân nhanh chóng, kịp thời giúp đỡ được nhiều người trong lúc khó khăn. Nhiều nông dân trong tỉnh còn quyên góp nông sản tự tay sản xuất để gửi đến giúp đỡ người dân ở vùng tâm dịch, gặp nhiều khó khăn hơn.
“Thấy người dân khó khăn quá nên mình nghĩ giúp được chút gì hay chút đó. Mớ rau về giá trị không lớn nhưng trong hoàn cảnh đi lại hạn chế, các cửa hàng, chợ ngưng hoạt động thì sẽ rất thiết thực” - anh Thái Thanh Triều - Nhóm trưởng cửa hàng Rau 0 đồng ở thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, chia sẻ.
Còn ông Lê Văn Thanh (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) bày tỏ, cuộc sống là phải biết san sẻ với nhau, nhất là lúc khó khăn, hoạn nạn. Nghe đồng bào mình khổ là thấy buồn, thương lắm! Trong hoàn cảnh, điều kiện, ông cũng tham gia ủng hộ hoa, quả do mình sản xuất được gửi đến làm quà cho người dân đang gặp nhiều khó khăn.
Đoàn viên Phạm Thành Nguyên (21 tuổi, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) khi biết được trong khu cách ly rất cần người phụ việc, liền xin phép gia đình, 2 lần tình nguyện vào phục vụ tại khu cách ly tập trung ở điểm đào tạo nghề Đức Huệ. Nguyên tâm sự: “Trong lúc cộng đồng, xã hội đang cần sự trợ giúp thì mình tham gia hỗ trợ được gì cũng đáng quý. Vào đây, tôi càng cảm phục những hy sinh, vất vả, kiên cường của những “chiến sĩ” áo trắng”.
Điều dưỡng Nguyễn Trọng Nhân (37 tuổi, tỉnh Bắc Giang) là một trong số những nhân lực y tế tình nguyện đầu tiên vào Long An tham gia chống dịch. Anh bày tỏ, cộng đồng, xã hội đang vô cùng vất vả và có những “hy sinh” thầm lặng khác nhau với “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 thì bản thân cũng muốn đóng góp chút công sức, hiểu biết của mình để chăm sóc, cứu chữa người bệnh, góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh.
“Tôi có một ít kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang nên không còn bỡ ngỡ khi vào hỗ trợ Long An. Ngoài nhiệm vụ được giao thì chính nghĩa đồng bào đã thôi thúc tôi phải hành động, xung phong lên đường. Hạnh phúc của cuộc sống cũng chính là khi được sẻ chia và trao yêu thương” - anh Nhân nói.
Ngoài sự hỗ trợ chí nghĩa, chí tình, “bầu, bí thương nhau” của những người dân xa, gần, tình nguyện viên, đoàn viên, cán bộ đang công tác ở các cơ quan, đơn vị thì tỉnh nhận được nhiều nguồn lực hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp để cùng phòng, chống dịch và thực hiện công tác an sinh xã hội. Trong gian khó, tình người, sự đùm bọc, sẻ chia của đồng bào với nhau lại càng lan tỏa.
Để chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã kịp thời rà soát để triển khai, thực hiện nhanh chóng, công khai, minh bạch, công bằng các gói hỗ trợ của Chính phủ cho người thuộc diện được thụ hưởng../.
Lê Đức