Tiếng Việt | English

02/08/2022 - 15:39

Nguồn cung phân bón, xăng, dầu không thiếu

Trước áp lực về nguồn cung cũng như giá phân bón (PB), xăng, dầu tăng, giảm như hiện nay, Sở Công Thương Long An đã triển khai các biện pháp bảo đảm cung ứng cho thị trường, không để nguồn cung gián đoạn.

Nguồn phân bón trên địa bàn tỉnh không thiếu

Nguồn phân bón trên địa bàn tỉnh không thiếu

Nguồn cung phân bón không thiếu

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.230 cơ sở sản xuất, kinh doanh PB. Trong đó, có 1.094 cơ sở kinh doanh PB đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán PB, năng lực kinh doanh ước khoảng 380.500 tấn PB các loại/vụ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 137 cơ sở sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói PB vô cơ và hữu cơ được cấp giấy đủ điều kiện sản xuất PB. Công suất sản xuất PB của các cơ sở này trên 2,8 triệu tấn/năm, số lượng PB công nhận lưu hành trên 2.403 sản phẩm.

Thời gian qua, ảnh hưởng từ tình hình thế giới như dịch bệnh, chiến tranh đã làm gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, nguồn cung về nguyên liệu sản xuất PB không tránh khỏi những bất ổn, nhất là về nguồn cung cũng như giá cả. Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Vật tư Tây Đô Long An (Cty Tây Đô, Khu công nghiệp Thái Hòa, huyện Đức Hòa) - Nguyễn Trần Phú Minh cho biết, năm 2021, 2022, giá nguyên liệu biến động theo chiều hướng tăng. Trong đó, có nhiều dòng nguyên liệu tăng gần như 100%.

Cty Tây Đô có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất PB và vật tư nông nghiệp, năng lực sản xuất hơn 1.100 tấn/năm. Dự đoán được tình hình thị trường thế giới và trong nước, giá nguyên liệu, Cty Tây Đô chủ động ký nhiều hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu sớm, lập “quỹ dự phòng giá nguyên liệu” giúp chủ động được nguồn nguyên liệu tốt, giá cả phù hợp. Nhờ đó, hầu như các sản phẩm của Cty đều không tăng giá dù trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Trần Phú Minh cho biết thêm, sản phẩm của Cty rất đa dạng như Tado Platinum siêu to trái giúp trái căng tròn bóng mịn, 6-6-8 TE siêu chắc hạt,... Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Cty được trải đều hơn 500 đại lý lớn, nhỏ ở khu vực miền Tây và nhiều tỉnh, thành khác. Trong đó, thị phần trong tỉnh Long An chiếm khoảng 10% doanh số của Cty. Do chủ động nguồn nguyên liệu, Cty không để thiếu hụt sản phẩm cung ứng ra thị trường. Hiện Cty cũng trao đổi với các đại lý không để tình trạng thiếu hụt PB phục vụ nông dân.

Thời gian gần đây, trái gấc được nhiều nông dân tại xã Bình Tâm, TP.Tân An chọn trồng bởi đầu ra ổn định trên thị trường. Ông Huỳnh Văn Sơn (ấp 4, xã Bình Tâm) trồng gấc hơn 2 năm nay, chia sẻ: Hiện nay, PB trên thị trường hầu như không thiếu, đa số các đại lý bán đầy đủ các mặt hàng PB lẫn vật tư nông nghiệp phục vụ việc sản xuất của nông dân. Tuy nhiên, giá PB có chiều hướng tăng, khiến chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, giảm lợi nhuận. Nếu như trước dịch bệnh Covid-19, giá 1 bao phân DAP loại 50kg chỉ ở mức bình quân 750.000 đồng/bao thì nay lên đến 1.450.000-1.500.000 đồng/bao; phân URE loại 50kg, bình quân 400.000 đồng/bao thì nay lên đến 800.000 đồng/bao; phân NPK loại 25kg mức bình quân 250.000 đồng thì nay tăng lên từ 2-2,5 lần.

Không xác nhận cho cửa hàng xăng, dầu ngừng bán

Thông tin từ Sở Công Thương, để nguồn cung xăng, dầu không thiếu hụt trên thị trường, Sở triển khai nhiều biện pháp đảm bảo cung ứng xăng, dầu cho thị trường nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp tại địa phương. Qua đó, Sở đề nghị, vận động các đơn vị đầu mối, đơn vị phân phối duy trì nguồn cung, chia sẻ hoa hồng với các cửa hàng xăng, dầu (CHXD); vận động các CHXD duy trì cung ứng để bảo đảm ổn định thị trường. Thời điểm này, Sở không xác nhận cho các CHXD ngừng bán hàng, đề nghị duy trì bán lúc cao điểm trong ngày, điều tiết lượng bán bảo đảm sản xuất, lưu thông khi nguồn cung hạn chế.

Đồng thời, Sở Công Thương cũng kết nối Petrolimex Long An ưu tiên cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến nông sản khi các đầu mối khác không cung cấp được do không có nguồn hàng để bảo đảm sản xuất ổn định. Sở phối hợp Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, truy vấn đến các đơn vị cung cấp, xử lý nghiêm nếu có hành vi đầu cơ găm hàng. Việc theo dõi, giám sát trước và sau thời điểm điều chỉnh giá (ngày 1, 11, 21 hàng tháng) được phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, trong đó có lực lượng quản lý thị trường.

Toàn tỉnh hiện có 472 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu của 318 doanh nghiệp đang hoạt động với sức chứa khoảng 20.000m3, lượng bán bình quân của các CHXD 45.000-55.000m3/tháng, khoảng 660.000m3/năm (bình quân 90 - 120m3/cửa hàng/tháng). Ngoài ra, tỉnh có 3 kho xăng, dầu sức chứa 18.000m3; 5 đơn vị đầu mối phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh, cung cấp cho 159 cửa hàng, đại lý; còn lại 313 cửa hàng, đại lý nhận hàng từ các đơn vị đầu mối và phân phối ngoài tỉnh. Hiện nay, tình hình cung ứng xăng, dầu cơ bản ổn định.

Hiện nay, tình hình cung ứng xăng, dầu đã “giảm nhiệt” nhưng các lực lượng chức năng tỉnh, huyện vẫn duy trì thanh tra, kiểm tra thường xuyên; tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, nhất là các thời điểm trước kỳ điều chỉnh giá và ngay khi nhận được thông tin phản ánh của người dân./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích